Thảm họa lễ hội, phải thay đổi từ đâu?

20/04/2016 - 14:28

PNO - Tính cách người Việt ngày một xấu xí, điều này rất đáng báo động.

Việc biển người chen lấn ở lễ hội Đền Hùng để giành lộc cầu may, như là sự tiếp nối “thảm họa” về sự xấu xí của người việt vốn đã kéo dài suốt nhiều năm qua khi tham gia lễ hội. Nó không cần khiến người ta ngơ ngác, bởi… quá quen rồi. “Văn hóa, là những gì sót lại sau cùng”. Đề cao giá trị văn hóa, soi chiếu trong trường hợp này, lại là sự chua chát cùng cực. Nhưng, không thể đứng nhìn được nữa, bởi thảm họa này sẽ dẫn đến thảm họa khác. Vậy, lối ra ở đâu?

Phóng viênn báo Phụ Nữ ghi nhận ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa về vấn đề này.

* Thưa ông, cứ đến mùa lễ hội, lại xảy ra nạn chen lấn, giành giật “lộc” để cầu tiền, cầu danh. Chuyện này không mới nhưng chưa bao giờ cũ, bởi nó là thảm họa văn hóa, không được giải quyết tận gốc, nguyên nhân lâu nay vẫn cứ nói chung chung. Theo ông, gốc vấn đề ở đâu?

PGS-TS Phan An: Theo tôi, vấn đề quan trọng là do sự giáo dục và quản lý văn hóa. Không thể đổ thừa cho kinh tế thị trường, hội nhập văn hóa toàn cầu. Môn đạo đức, trong nhà trường lâu nay con em chúng ta được dạy những gì, ngoài những lý thuyết xa vời, nặng về quan điểm chính trị? Dân tộc Việt Nam có truyền thống văn hóa được hình thành từ nền tảng kinh tế tiểu nông, bên cạnh yếu tố tích cực như lòng nhân ái, yêu nước, “thương người như thể thương thân”… cũng còn bộc lộ vài hạn chế.

Xem xét ở những lễ hội mang tính cộng đồng, ta thấy rằng, trước đây ông cha ta thực hiện rất tốt, vì điểm xuất phát là lễ hội của lòng thành. Và quan trọng nhất, người dân trực tiếp xây dựng lễ hội và tham dự với tư cách thành viên. Bây giờ thì sao? Lễ hội của người dân hay của quan chức và một số ít người? Một khi lễ hội không thuộc về người dân, hoặc vai trò của họ quá mờ nhạt, họ chỉ tham dự như người ngoài cuộc thì tính thực dụng, vị lợi có cơ hội bộc lộ, bộc phát.

Vấn đề ý thức tham gia lễ hội, đặc biệt ở lớp trẻ hiện nay hầu như mất định hướng. Trong thời gian qua, các nhà quản lý văn hóa đã chấn chỉnh như thế nào? Không chỉ các nhà quản lý phải trả lời câu hỏi đó, mà tôi nghĩ, điều quan trọng là phải chấn chỉnh từ giáo dục, cụ thể từ môn đạo đức công dân đang giảng dạy trong nhà trường.

* Ở nước ta, tình trạng đổ lỗi, đổ thừa rất nhanh và xem ra… khá hợp lý ở nhiề u nhà chức trách. Đó là trách nhiệm tập thể, lỗi ở cộng đồng khi có vấn đề gì bất hợp lý xảy ra ở lĩnh vực nào đó dính đến đám đông. Để xảy ra tình trạng loạn ở lễ hội, là lỗi của nhà quản lý, nhưng xem ra chưa có vị lãnh đạo nào của ngành văn hóa bị chế tài, xử lý?

Tham hoa le hoi, phai thay doi tu dau?
Tranh Ấn tại lễ hội Đền Trần

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần: Những bất cập nêu trên, có thể ghi nhận, đây là hiện tượng mang tính đặc trưng của một giai đoạn mới. Về lễ hội Đền Hùng, thật ra chỉ mới có chừng trên trăm năm nay, từ đời nhà Nguyễn, về sau được nâng lên thành Quốc lễ. Điều này, rất đáng ghi nhận, cần biểu dương tâm thế tưởng nhớ các vị khai quốc của con Lạc cháu Hồng. Có điều, các nhà quản lý văn hóa hiện nay đã can thiệp quá sâu, khiến vai trò của người dân mờ nhạt dần.

Với chức trách của mình, Nhà nước phải có kế hoạch tổ chức tốt nhất, tạo sự an lành, yên vui cho người dân tham dự lễ hội. Không những thế, Nhà nước cũng cần có động thái kiên quyết gạt bỏ những lễ hội “cưỡng bức lịch sử”, chẳng hạn, “phát ấn đền Trần” hoặc những lễ hội đã biến đổi hình thái như “chém lợn”, “cướp phết”... Thời trước khi còn ở Bắc Ninh, tôi đã chứng kiến cảnh “cúng lợn” ở đình làng, rất phù hợ p với tâm thức hiếu hòa của người Việt, chứ không phải đầy máu me như hiện nay. Rồi chưa nhìn đâu xa, ngay cả cách gameshow trên truyền hình đầy tính hơn thua, cay cú cũng là điều bất cập trong công tác quản lý văn hóa.

Nhiều người cho rằng, cần xem lại vai trò của giáo dục trong nhà trường, tôi đồng ý, nhưng đó chỉ là một thời gian ngắn trong sự hình thành nhân cách của đời người. Điều thiết yếu, cốt lõi nhất, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của những người làm công tác quản lý. Nếu làm công tác quản lý văn hóa mà để xảy ra sai sót thì vì lòng tự trọng hoặc rời khỏi vị trí đó hoặc nếu tiếp tục, phải có động thái cúi đầu xin lỗi cộng đồng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI