Thảm họa… giờ 'dây thun' của sao Việt

26/05/2017 - 11:35

PNO - “Nếu họ nói trong điện thoại rằng họ đang trên đường đến, họ thậm chí còn chưa thay đồ và vẫn đang ở nhà”. Những nhận xét về người Việt của bạn bè phương Tây trên một diễn đàn liệu có khiến ta xấu hổ chút nào không?

Mấy ngày qua, Lan Khuê, Hoàng Thùy, Minh Tú bị cả cộng đồng lên tiếng chê bai vì đến trễ tận hai giờ trong buổi họp báo giới thiệu chương trình Gương mặt thương hiệu (The Face) 2017. Trên bình diện chung của làng văn nghệ, các cô chẳng phải là “tội đồ”, mà chỉ là những người… kém may mắn khi đồng nghiệp Thái Lan “đến quá sớm”.

Chờ người nơi ấy

Được đánh giá là diễn viên (DV) đa năng, nhanh nhạy và nhiều triển vọng, La Thành không ít lần khiến đạo diễn, đồng nghiệp “lên máu” vì trễ giờ tập. Thậm chí có những lần, đã quá giờ hẹn 1-2 tiếng mà La Thành vẫn không đến, không thể liên lạc được. La Thành nhận khuyết điểm lớn nhất của mình là hay đi trễ. Lý do: đãng trí, hay quên. 

Tham hoa… gio 'day thun' cua sao Viet

Đến Việt Nam ký hợp đồng, lịch trình làm việc của siêu mẫu Coco Rocha (bìa phải) luôn kín kẽ và cô không chờ đợi ai, cũng không để ai phải đợi.

Trong thời gian liveshow của nghệ sĩ (NS) Hồng Nga đang trên sàn tập, có lần, bà đã phải ngồi chờ Trường Giang từ 9g - hơn 11g trưa. Gọi điện thì Trường Giang không nghe máy. Khi liên lạc được với Trường Giang, NS Hồng Nga chưng hửng khi nghe anh này trả lời là không ai báo cho mình về lịch tập nên đã đi tỉnh, không thể quay về. NS Hồng Nga khẳng định đã báo lịch tập lúc 9g với Trường Giang từ trước.

Điều khiến NS Thanh Thủy lo lắng nhất khi làm huấn luyện viên cuộc thi Tiếu lâm tứ trụ là giờ giấc tập luyện của thí sinh. Chị cho biết mình nhiều lần phải chờ đợi từ sáng tới trưa mà không thấy thí sinh (đa phần là DV chuyên nghiệp của các sân khấu trong TP) nào đến tập.

Ở các buổi họp báo ra mắt sản phẩm của ca sĩ, tình trạng nhà báo phải chờ từ nửa giờ đến hơn một giờ là chuyện “đương nhiên”. Một lần rồi nhiều lần, các phóng viên cũng phải tự học cách “trừ hao” - tự lùi nửa giờ so với giờ được mời để… bớt thời gian mình phải chờ đợi.

Ngay cả những chương trình lớn, do các doanh nghiệp thực hiện thì các bên vẫn phải chờ nhau. Cá biệt, như tại buổi gặp gỡ báo chí giới thiệu triển lãm tranh Domino Art Fair, một số nhà báo đã phẫn nộ bỏ ra về vì không thể chấp nhận việc phải ngồi hàng giờ chờ đợi các họa sĩ. Buổi gặp gỡ báo chí ấy, sau đó, đã được rút gọn thành cuộc nói chuyện vòng tròn quanh bàn cà phê với không quá 10 người.

Thiệt hại không thể đo đếm

Không ai đo đếm nổi mức độ thiệt hại mà người Việt gây ra cho chính mình chỉ qua chuyện trễ hẹn. Cả chục nhà báo ngồi chờ NS là một sự thiệt hại rõ ràng cho các tòa soạn. Hàng chục nhân viên phục vụ phải đứng chờ. Những hợp đồng thuê địa điểm có thể bị đội giá. 

Những lý do kiểu như gặp vấn đề về sức khỏe của NS hay phải quay hình suốt đêm trước đương nhiên không thể chấp nhận bởi không ai buộc NS phải nhận show (nhận tiền). 

Tham hoa… gio 'day thun' cua sao Viet
Minh Tú giải thích việc cô đến trễ là do sức khoẻ

Trên thực tế, phần lớn nguyên nhân của những lần trễ hẹn từ NS là do bận trang điểm, lo chuẩn bị trang phục, thậm chí bận… uống nước, la cà ở đâu đó chứ không vì bận rộn thực sự. NS biết, dẫu có đến sớm hơn thì họ cũng vẫn phải chờ cùng với nhiều người khác khi mà cả xã hội đã xem chuyện chờ nhau là chuyện thường ngày.

Những buổi tổng kết năm học, khai giảng, hàng ngàn học sinh phải đội nắng đứng chờ quan chức ngành giáo dục đến… phát biểu. Nhiều buổi lễ khai trương, khánh thành cũng phải chờ lãnh đạo mà trong hầu hết trường hợp chỉ là đến cho có rồi sau đó nhanh chóng rời đi.

Trong khi đó, những buổi họp, những cuộc hẹn với NS, đối tác nước ngoài đều được lên lịch chi tiết đến từng phút. Như trong ngày siêu mẫu Coco Rocha đến Việt Nam. Cô chỉ dành đúng thời gian hạn định trên bàn chủ tọa để trả lời báo chí. Cô cũng chỉ trả lời riêng cho các báo đã đăng ký với số câu hỏi đã được xác định trước. Sau đó, cô chuyển sang phần trò chuyện với sao Việt, rồi lập tức rời đi để tiếp tục kế hoạch với buổi họp fan. Nhiều phóng viên đã cố níu kéo Coco Rocha để hỏi thêm nhưng cô vẫn rời đi để đảm bảo lịch trình của mình.

Chú chuột Mickey, chó Pluto, khi được tiếp đón tại sân bay Tân Sơn Nhất chỉ dành năm phút để chụp ảnh với khán giả Việt. Sau năm phút ấy, lực lượng bảo vệ xuất hiện để hộ tống các nhân vật này rời sân khấu.

Thái độ làm việc chuyên nghiệp của đồng nghiệp nước ngoài là một chuyện. Chuyện lớn hơn là họ tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân mình, tôn trọng công việc mình đang làm. Còn chúng ta, sau rất nhiều lần dễ dãi với bản thân và xuê xoa với nhau, ta đã hình thành cho mình một văn hóa “giờ dây thun” mà bất kỳ người nước ngoài nào đến Việt Nam cũng đều sợ hãi.

“Nếu một người Việt hẹn bạn lúc 7g, hãy đến lúc 8g”, “Nếu họ nói trong điện thoại rằng họ đang trên đường đến, họ thậm chí còn chưa thay đồ và vẫn đang ở nhà”. Những nhận xét về người Việt của bạn bè phương Tây trên một diễn đàn liệu có khiến ta xấu hổ chút nào không? 

Hoàng Hưng - Hồ Nguyễn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI