Thảm họa COVID-19 của Ấn Độ càng tô đậm sự mất cân đối vắc-xin toàn cầu

26/04/2021 - 10:21

PNO - Ấn Độ, quốc gia được mệnh danh là nhà máy sản xuất vắc-xin của thế giới, hiện đang trải qua đợt bùng phát COVID-19 dữ dội khiến hơn 2.600 người chết mỗi ngày. Trong khi đó, Mỹ - quốc gia đứng đầu về số ca nhiễm trong năm 2020 - lại chứng kiến hàng ngàn liều vắc-xin có nguy cơ lãng phí vì dư thừa.

Kẻ thừa, người thiếu

Hôm 24/4, Nhà Trắng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự gia tăng ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ và hứa hỗ trợ thêm nguồn lực cùng nhân sự y tế cho đồng minh của mình. Trên thực tế, trong khi Ấn Độ liên tục phá kỷ lục về số ca nhiễm hằng ngày cao nhất thế giới, người Mỹ đang tận hưởng một mùa xuân dồi dào vắc-xin.

Nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân COVID-19 bên ngoài Bệnh viện Guru Teg Bahadur, ở New Delhi, Ấn Độ hôm 24/4 - Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân COVID-19 bên ngoài Bệnh viện Guru Teg Bahadur ở New Delhi, Ấn Độ hôm 24/4 - Ảnh: Reuters

Ở Ấn Độ, chỉ 1,4% dân số được tiêm chủng đầy đủ và các bệnh viện quá tải đang thiếu oxy trầm trọng. Tại Mỹ, cứ bốn người thì có một người được tiêm chủng đầy đủ và hơn 40% dân số đã tiêm ít nhất liều đầu tiên. Một bệnh viện lớn ở Miami, Jackson Memorial, cho biết họ sẽ bắt đầu cắt giảm việc tiêm chủng vì nguồn cung dư thừa và nhu cầu suy yếu. Ở bang Michigan, các nhân viên y tế bắt đầu tiêm chủng cho học sinh trung học. Ở bang Bắc Carolina, các liều vắc-xin nằm yên trong kho dự trữ vì việc tiêm chủng tạm dừng cho kỳ nghỉ xuân.

Dường như thế giới đang đứng tại một ranh giới. Ở một số quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao - bao gồm Mỹ, Anh và Israel - số lượng ca nhiễm đang giảm dần hoặc chỉ còn ở mức thấp. Nhưng trên toàn cầu, số ca mắc mới mỗi tuần đã tăng gần gấp đôi kể từ tháng 2/2021, đặc biệt khi nhiều quốc gia đang phát triển chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm kỷ lục.

Cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài về khoảng cách trong việc tiếp cận vắc-xin - phần lớn giữa nhóm nước giàu và nghèo - hiện đang sôi sục. Nhiều tổ chức quốc tế và nhà lãnh đạo thế giới lên án việc một số quốc gia dự trữ quá nhiều vắc-xin, giữa lúc dịch bệnh lây lan ở những nơi khác.

Các quốc gia châu Phi như Namibia và Kenya đang lên án “chế độ phân biệt chủng tộc vắc-xin”, trong khi những quốc gia khác kêu gọi Washington thay đổi chính sách, suy xét lại về luật sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu, vốn bóp nghẹt việc sản xuất vắc-xin trong các đại dịch toàn cầu.

Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi đề cập về sự bất bình đẳng vắc-xin trên toàn cầu đã nhận xét: “Tình trạng mất cân bằng nguồn cung vắc-xin là sai cả về mặt đạo đức lẫn khoa học”.

Giáo sư Willem Hanekom, Giám đốc Viện Nghiên cứu sức khỏe châu Phi (Nam Phi), bình luận, các quốc gia giàu có cần đóng góp vào nỗ lực tiêm chủng ở các nơi khác trên thế giới. Ông giải thích: “Ngoài nghĩa vụ đạo đức, vấn đề là nếu không kiểm soát được dịch bệnh trên toàn cầu, những khu vực không có sẵn vắc-xin dễ xuất hiện các biến thể làm suy yếu hiệu quả vắc-xin mà nhóm nước giàu đã tiêm chủng”.

Thế giới kêu gọi Mỹ mở cửa vắc-xin

Ashish Jha, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Đại học Brown (Rhode Island), kêu gọi Washington gửi cho Ấn Độ thêm ô-xy, bộ dụng cụ xét nghiệm, thiết bị bảo vệ cá nhân chất lượng cao và thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19, bao gồm thuốc an thần, thuốc kháng virus Remdesivir. Ông Jha thúc giục chính quyền Biden chia sẻ lượng vắc-xin dư thừa với Ấn Độ và các quốc gia khác đang gặp khủng hoảng, lưu ý rằng Mỹ còn khoảng 30 triệu liều vắc-xin AstraZeneca chưa sử dụng, đang chờ đợi các cơ quan quản lý cấp phép.

Mỹ cũng đối mặt với những chỉ trích rằng, họ không chỉ trữ vắc-xin cho riêng mình mà còn ngăn chặn các quốc gia khác tiếp cận vắc-xin, bao gồm cả việc chỉ đạo các công ty tư nhân tập trung đáp ứng nhu cầu trong nước theo luật quốc phòng. Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành của Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp quan trọng của sáng kiến vắc-xin toàn cầu COVAX do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, đã yêu cầu chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với việc xuất khẩu nguyên liệu thô cần thiết nhằm sản xuất vắc-xin.

Đồng thời cũng có những lo ngại rằng, các quốc gia giàu có thể liên kết việc chia sẻ vắc-xin với các nỗ lực ngoại giao khác. Khoản vay 2,7 triệu liều vắc-xin AstraZeneca từ Mỹ cho Mexico vào tháng 3/2021 được đưa ra ngay trước khi Mexico tuyên bố hạn chế xuất nhập cảnh qua biên giới phía Nam của mình, một nỗ lực có thể giúp giảm số lượng người di cư tìm cách đến Mỹ.

Tương tự, cả Trung Quốc và Nga đều tập trung vào ngoại giao vắc-xin song phương. Hai cường quốc đối trọng với Mỹ đã hứa hẹn cung cấp hàng triệu liều vắc-xin được sản xuất trong nước cho các quốc gia khác, mặc dù quá trình thực hiện vẫn còn chậm và đi kèm nhiều điều kiện không được tiết lộ. 

Linh La (theo NY Times, AP, Reuters)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI