Tham gia Hội để giúp được nhiều người hơn

04/12/2020 - 06:50

PNO - Tổ chức Hội vững mạnh là sự đoàn kết của cả tập thể từ tổ chức đến từng cá nhân, kết hợp với sự đa dạng, sáng tạo trong từng phong trào hoạt động.

Niềm vui từ nửa đời vào hội

Đã ngoài 70 tuổi nhưng ngày nào cô Dương Ái Kình - Chi hội trưởng khu phố 4, P.4, Q.3 - cũng tới từng ngóc ngách trong khu phố để rủ chị em tham gia hoạt động Hội. Có ngày, sáng cô dẫn đoàn cán bộ phun xịt thuốc muỗi phòng chống dịch bệnh, chiều đi vận động hội viên giữ gìn vệ sinh môi trường, tối lại đi thu hồi vốn hỗ trợ từ các nguồn quỹ của Hội hỗ trợ vốn cho phụ nữ phát triển kinh tế xây dựng gia đình hạnh phúc. Vậy mà sáng hôm sau lại thấy cô có mặt trong một hoạt động cấp quận. 

Cô Kình là phụ nữ đơn thân sống với người em trai. Ban đầu cô đến với Hội vì vui, nhưng rồi cô đã gắn bó với các phong trào phụ nữ hơn nửa đời người. “Đến với Hội, cô nhận được nhiều niềm vui. Vui nhất là khi gắn kết, giúp được nhiều gia đình vươn lên. Hoạt động nào cô cũng tham gia, mặt trận nào cô cũng có mặt. Chị em thấy mình gần gũi nên khi có chuyện là gọi mình đầu tiên” - cô Kình chia sẻ. 

Cô Kình (bên phải) gắn nửa cuộc đời  với hoạt động phụ nữ tại khu phố
Cô Kình (bên phải) gắn nửa cuộc đời với hoạt động phụ nữ tại khu phố

Một lần, có cụ bà neo đơn, bệnh tật không người chăm sóc, cô Kình trực tiếp đưa cụ đến bệnh viện, ở lại “nuôi bệnh” cho đến khi cụ khỏe. Nhắc chuyện ấy, cô cười: “Nhiều chị em cũng lo cho sức khỏe của tôi rồi khuyên thôi bớt lo chuyện bao đồng. Nhưng tính tôi là vậy, hễ làm gì là phải làm cho đàng hoàng”. 

Chị em trong khu phố ai cũng quý mến cô Kình. Việc gì cô ra tay cũng đều thuận lợi, từ việc tổ chức bếp ăn yêu thương, giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng cây xanh tạo mỹ quan cho khu phố đến việc vận động cộng đồng không mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè… 

Tại P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, sáng nào cũng thấy cô Trần Thị Ruông - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1 - cùng vài chục chị em tham gia tập thể dục dưỡng sinh. Câu lạc bộ phụ nữ khỏe - đẹp của cô Ruông luôn có mặt tham gia biểu diễn trong các hoạt động tại khu phố, phường và quận. 

15 năm là hội viên tích cực, hơn mười năm gắn bó với vai trò chi hội trưởng phụ nữ, cô Ruông đã đoàn kết, tập hợp được chị em đến với Hội bằng chính tấm gương của mình. Hằng năm, cô vận động chăm lo cho cán bộ, hội viên và những người khó khăn hơn 2.000 phần quà. Hằng tháng, cô vận động và duy trì hỗ trợ nhu yếu phẩm cho 50 hộ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc thường xuyên cho 20 cụ già không còn đi lại được, tích cực trong các hoạt động an sinh xã hội của địa phương. 

Co Ruông đã tập hợp hội viên bằng những việc làm thiết thực 

Từng trải qua một cơn bạo bệnh nên cô Ruông rất quý thời gian. Một ngày của cô bắt đầu bằng việc cùng chị em tập thể dục rồi về đi chợ, tham gia hoạt động phụ nữ, người cao tuổi… Hoạt động nào cô cũng tham gia để đến được với nhiều người, giúp được nhiều người. “Cho đi là hạnh phúc, chị em quý mến mình sẽ quý luôn Hội và gắn bó với Hội”, cô Ruông nói.

Đa dạng mô hình - kết nối hội viên

Ngày cuối tuần, chị Đào Thị Quý, P.13, Q.11, cùng các chị bạn rủ nhau đến một quán cà phê quen “tám chuyện”. Chị chọn quán này làm điểm hẹn không chỉ vì thức uống ngon mà tại đây các chị được giảm giá 10% hóa đơn mỗi khi đến. Có được những ưu đãi như vậy là do chị Quý và chủ quán đều tham gia mô hình “Thẻ sen hồng” của Hội LHPN Q.11. 

Mô hình “Thẻ sen hồng” được Hội Phụ nữ Q.11 triển khai thực hiện từ năm 2019. Qua gần hai năm thực hiện, Hội đã kết nối hơn 30 doanh nghiệp tham gia và phát hành hơn 5.000 thẻ cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Hội viên mỗi lần tham gia hoạt động Hội sẽ được đóng một dấu sen hồng, tích cực hơn nữa sẽ được đổi thành thẻ sen bạc, sen vàng. Các chị có thẻ sen sẽ được mua hàng giảm giá từ 10 đến 30% tùy theo chương trình khuyến mãi của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khi tham gia mô hình sẽ được Hội giới thiệu, kết nối quảng bá sản phẩm. 30 doanh nghiệp được kết nối thuộc các ngành hàng từ thực phẩm, thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng… 

Chị Quý nói: “Tham gia Hội không chỉ vui mà còn được hưởng lợi”. Chị thường sử dụng thẻ sen hồng để mua sắm và được áp dụng các chương trình giảm giá. Bạn bè chị cũng hào hứng tham gia. 

Mô hình “Thẻ sen hồng” phát huy hiệu quả tập hợp hội viên
Mô hình “Thẻ sen hồng” phát huy hiệu quả tập hợp hội viên

Tại Q.6, Hội Phụ nữ quận lại chọn đa dạng mô hình theo từng khu vực, chuyên đề, nhu cầu, sở thích để hoạt động được lan tỏa. Từ một “Điểm sáng văn hóa Hội” tại quán giải khát với mục đích khuyến khích chị em đọc Báo Phụ Nữ TP.HCM, đến nay đã lan ra 45 điểm và được mở rộng thành kênh thông tin, nắm bắt nhanh dư luận xã hội, tâm tư phụ nữ. Ngoài ra, Hội còn thành lập “Câu lạc bộ sao sáng” làm điểm sinh hoạt cho chị em phụ nữ dân tộc Chăm. Câu lạc bộ không chỉ có phụ nữ tham gia mà còn có cả nam giới, thanh niên. 

Hội LHPN TP.HCM đã triển khai thực hiện đề án “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị cho công nhân lao động khu chế xuất, nhà trọ” tại Q.Bình Tân - nơi có tỷ lệ lao động nhập cư lên đến 48%, trong đó phụ nữ chiếm số đông - với mong muốn chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nữ công nhân. Nội dung của đề án đã được cụ thể bằng các hoạt động truyền thông, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị… Hội LHPN quận đồng bộ thực hiện các giải pháp nâng chất hoạt động tại khu nhà trọ, thành lập câu lạc bộ chủ nhà trọ, thực hiện bếp ăn nghĩa tình, cung cấp các điểm bán rau an toàn cho nữ công nhân lao động khó khăn, vận động nữ công nhân tham gia thu gom rác đổi quà…

Bằng những hoạt động gần gũi và thiết thực với đời sống nữ công nhân, Hội đã đón nhận được tình cảm, sự gắn bó của chị em với phong trào. 

Thiên Ân

Hoạt động Hội cơ sở từng bước được nâng chất

Để đánh giá thực tế hoạt động Hội tại các địa phương, Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức khảo sát đại diện cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tại một số quận/huyện, phường/xã. 

Kết quả khảo sát cũng như thực tế hoạt động Hội cho thấy, hoạt động Hội cơ sở từng bước được nâng chất từ đổi mới nội dung sinh hoạt phương thức hoạt động, tập hợp hội viên đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy. Cán bộ Hội dần được trẻ hóa, có trình độ chuyên môn, có hiểu biết về công nghệ thông tin, ứng dụng trong quản lý và tổ chức hoạt động. Nhiều cơ sở, cán bộ Hội đã chủ động, sáng tạo để hoạt động gắn với tình hình thực tế địa phương. Chủ động tham mưu với các cấp ủy, phối hợp để hoạt động Hội mạnh và có sức lan tỏa.

D.Trang 

 

 

Cán bộ chi tổ hội đang có chiều hướng già hóa

Ngày 27/11 vừa qua, Hội LHPN TP.HCM tổ chức tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Hội cơ sở”. 

Tại đây, nhiều cán bộ Hội đã trăn trở về công tác luân chuyển cán bộ; chất lượng hoạt động Hội; cán bộ Hội trẻ mới tiếp nhận công việc, còn thiếu kỹ năng, cần có thời gian để tiếp cận và am tường hoạt động Hội; chính sách hỗ trợ cho cán bộ Hội chuyên trách, nhất là những người làm công tác chi tổ Hội. 
 

Nhiều ý kiến cũng lo lắng trước thực trạng lực lượng cán bộ tại các chi tổ Hội đang có chiều hướng già hóa, đi lại khó khăn, trong khi chị em trong độ tuổi thì phải lo kinh tế, không có điều kiện gắn bó với phong trào. Tiếp cận phụ nữ tại các chung cư cao cấp cũng là bài toán đặt ra để tìm lời giải. 

D.Trang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI