Tôi vừa có chuyến du lịch 15 ngày ở một vài nước Đông Nam Á: Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan và Lào. Trở lại cuộc sống thường nhật, sáng chạy xe ra đường, tôi có cảm giác hơi lạ lẫm.
Đường Hai Bà Trưng, đoạn giao nhau với Võ Thị Sáu (quận 1, TPHCM) đông nghẹt ô tô con, xe buýt, xe máy đứng chen lẫn vào nhau không còn phân biệt làn, lề. Đèn đỏ rồi đèn xanh và lại đỏ. Dòng xe cộ chuyển động chậm chạp, nhiều xe máy phóng lên vỉa hè, lách qua các xe bán hàng rong một cách khó khăn.
Theo thói quen, tôi ngó nghiêng bên phải định lấn sang làn đường bên kia, vượt lên trên dòng xe đang chờ đèn đỏ để rẽ phải, nhưng bỗng khựng lại… Còn gần 30 phút nữa mới tới giờ điểm danh ở công ty cách đó khoảng 2km, việc gì phải vội. Tôi đứng kiên nhẫn nương theo dòng người và thoát ra khỏi ngã tư đông đúc trong khoảng 3 phút sau đó.
Chỉ chậm lại 3 phút thôi, nhưng trước đó tôi gần như không chờ, mà chấp nhận leo lề hay lấn trái để rẽ phải. Tôi thấy xấu hổ với chính bản thân mình khi đã để cái ham muốn nhanh hơn 3 phút đó biến mình thành một người thiếu văn minh, coi thường pháp luật.
|
Giao thông giờ cao điểm khá hỗn loạn - Ảnh: Như Sỹ |
Tôi đã nhiều lần tự vấn, nhiều lần xấu hổ như vậy trong khoảng thời gian nửa tháng du lịch ở các nước Đông Nam Á.
Mới đến Malaysia, khi tôi cùng nhóm bạn đang lỉnh kỉnh vali, túi xách, chuẩn bị băng qua đường, chưa kịp đưa tay xin thì một loạt ô tô trên cả 4 làn xe của đường một chiều, đồng thời dừng lại chờ chúng tôi qua.
Tôi liên tưởng ngay đến góc ngã tư Bà Huyện Thanh Quan - Võ Văn Tần (quận 3), nơi rất khó qua đường, dù bạn đang đi đúng luật.
Dòng xe rẽ trái từ Võ Văn Tần qua Bà Huyện Thanh Quan gần như chưa bao giờ chậm lại để nhường cho người đi bộ băng qua đường trên vạch kẻ. Muốn qua đường khu vực này, thường nhiều người sẽ canh giây phút chuyển giao giữa đèn xanh và đỏ để phóng qua thật nhanh, trước khi dòng xe trên đường Võ Văn Tần được phép rẽ trái.
Ở Lào, Thái Lan, tôi thuê xe máy đi khắp nơi. Người Thái đi xe rất nhanh, nhưng họ luôn nhường đường khi thấy bạn có dấu hiệu muốn cắt ngang hay muốn vượt. Suốt nhiều ngày lang thang, tôi cũng gặp vài điểm ùn tắc, nhưng chưa thấy ai lấn làn, leo lề hay vượt đèn đỏ.
Người Lào thì càng chậm rãi, từ tốn. Những đô thị của họ cũng như Việt Nam, cũng sáng người người đổ ra đường đi làm, chiều về nhà, nhưng ai nấy đều di chuyển vừa phải, nhường nhịn nhau.
Với thói quen phóng nhanh, vượt lẹ được rèn giũa trong gần 15 năm sống ở Sài Gòn, chỉ sau vài ngày chạy xe máy trên đất Lào, Thái, tôi nhận ra chạy xe ở đây thật thoải mái, không phải căng mắt, gồng tay như ở Việt Nam. Và tôi nhận ra mình cũng bắt đầu chậm lại…
Ùn tắc, kẹt xe và tình trạng chung mà đô thị nào cũng gặp phải. Nhưng tại sao ở các nước khác, có đời sống kinh tế - xã hội như Việt Nam, tình trạng vượt đèn đỏ, leo lề không phổ biến, và người dân biết nhường nhịn nhau, còn chúng ta lại không làm được như vậy?
Có cảm giác rằng, với không ít người, chờ đợi là một việc khó khăn.
Khi đèn đỏ, cần rẽ phải, mà phía trước có người dừng xe chờ đèn, thì thay vì chờ vài chục giây, nhiều người sẽ bấm còi xin đường hoặc lấn làn, leo lề để rẽ.
Khi đèn đỏ chuyển sang xanh, chưa đến 2 giây nếu xe trước chưa di chuyển, thì sẽ có hàng loạt tiếng còi thúc giục cất lên.
Khi dừng đèn đỏ cũng vậy, rất dễ bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy cố lách qua các khoảng trống để đứng lên trên cùng, có khi cán lên các vạch kẻ đường dành cho người đi bộ.
Bao nhiêu trong số những người bấm còi, leo lề, lấn làn đó là đang thật sự có việc gấp kiểu như ngàn cân treo sợi tóc? Tôi cho rằng không nhiều. Trong số đó hẳn có người chỉ phóng đến quán ngồi nhâm nhi ly cà phê, lướt điện thoại; có người đến công ty sớm hơn 15 phút để vào nhà vệ sinh dặm lại lớp trang điểm, ngắm vuốt mình trong gương…
Các chuyên gia tâm lý nhận định hành động lấn làn, leo lề, vượt lên trước dù chỉ để nhanh hơn một vài giây đó xuất phát từ tư duy “tôi là nhất”, “tôi trên hết” hay nói đúng hơn là thói ích kỷ, vị kỷ vốn có trong mỗi con người.
|
Nhiều người vì tâm lý "tôi là nhất", "tôi trên hết" mà sẵn sàng đứng chờ đèn đỏ trên vạch kẻ dành cho người đi bộ - Ảnh: An Chi |
Văn minh là một quá trình dài, hình thành bởi sự tư duy, nhận thức, hành động và tạo thành thói quen.
Bản thân tôi khi còn ở quê cũng đi xe chậm rãi, nhưng từ khi lên Sài Gòn học và làm việc, một vài lần có việc gấp phải leo lề, lấn làn để thoát khỏi kẹt xe, tôi đã tạo cho mình thói quen xấu, để rồi sau này, dù không có gì gấp, tôi cũng giữ nguyên phong cách tham gia giao thông thiếu văn minh như vậy.
Chuyến đi ra nước ngoài ngắn ngủi, nhưng cũng kịp giúp tôi tỉnh ngộ và hình thành thói quen chậm lại. Chậm lại để đi đúng làn, dừng đúng chỗ; chậm lại để nhường đường, và chậm lại không chỉ để hướng tới văn minh, mà còn vì sức khỏe và tính mạng của bản thân.
Vài năm qua, “sống chậm” được cổ xúy nhiều trong giới trẻ bằng nhiều cách khác nhau như hít thở sâu, thiền, đi bộ, đan lát, vẽ tranh, uống trà, trồng hoa… Hay là chúng ta thử thực hành sống chậm ngay trên con đường đi làm - về nhà mỗi ngày.
“Sống chậm” để tìm đến an yên, và “sống chậm” trong giao thông sẽ hình thành một xã hội văn minh.
Nguyễn An Chi