PNO - PN - Tại TP.HCM, không khó để cầm cố một xe máy không có giấy tờ hợp lệ ở tiệm cầm đồ. Chưa kể, một số tiệm vàng sẵn sàng thu mua dây chuyền trầy xước, đứt đoạn, thường là “chiến lợi phẩm” của các băng cướp giật....
edf40wrjww2tblPage:Content
“Phễu” hứng đồ gian
Hiện TP.HCM có hơn 2.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tập trung chủ yếu ở các quận có nhiều khu tập trung đông công nhân, sinh viên như: Tân Bình, Gò Vấp, Tân Phú, Thủ Đức, 9, 12… Theo ghi nhận của chúng tôi, trên một đoạn đường chỉ khoảng 2km từ Phan Huy Ích (P.12, Q.Tân Bình) nối dài qua đường Phạm Văn Chiêu (P.14, Q.Gò Vấp) đã có đến hơn mười tiệm cầm đồ. Đó là chưa kể các tiệm mọc chi chít từ đường Cây Trâm (P.8, Q.Gò Vấp) sang hướng đường Lê Văn Thọ.
Tối cuối tuần, chúng tôi cầm một sợi dây chuyền 24k bị đứt, ghé vào tiệm cầm đồ H. trên đường Phạm Văn Chiêu. Chủ tiệm xem sợi dây chuyền và nhìn chiếc xe Nouvo dán decal vằn vện dựng bên ngoài nói: “Hàng “bay” (cướp giật được - PV) hả?”. Chúng tôi giả xuống nước: “Anh mua giúp tụi em”. Sau khi cân được ba chỉ (giá thị trường khoảng gần tám triệu đồng), chủ tiệm vàng nói: “Cầm ba triệu, không kỳ kèo”. Chúng tôi lấy lại sợi dây chuyền, tiếp tục rảo qua bốn tiệm cầm đồ khác ở P.Tân Chánh Hiệp, Q.12. Hầu hết các tiệm đều nghi vấn là vàng cướp giật nhưng vẫn đồng ý cầm với giá bèo. Một tiệm cầm đồ trên đường Nguyễn Ảnh Thủ còn tranh thủ “dằn mặt” sau khi chúng tôi kỳ kèo: “Cầm hai triệu hay muốn báo công an?”.
Ngoài việc chấp nhận làm “phễu hứng” đồ gian như dây chuyền, bông tai bị đứt, trầy xước, thậm chí còn dính máu, một vài chủ tiệm còn nhận cả xe máy do các băng “đá xế” chuyên nghiệp mang đến. Trong hàng chục chuyên án trộm cắp tài sản từ năm 2013 đến nay, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) và công an các quận huyện đã phát hiện hàng trăm xe máy sau khi bị mất đã được đưa vào các tiệm cầm đồ.
Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng, Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Công an Q.Bình Thạnh cho biết, có vụ cơ quan điều tra khám xét ba tiệm cầm đồ, phát hiện bốn biên nhận và sáu xe máy do các đối tượng trộm cắp làm giả giấy tờ đem cầm. Trong số này, tiệm cầm đồ T.E. ở P.25, Q.Bình Thạnh đã nhận cầm liên tục hai xe Honda SH của một nhóm chuyên mua xe “đá”. Theo đại úy Dũng, không khó để các chủ tiệm đoán được khách thuộc nhóm đối tượng nào. Việc lý giải “không biết đó là xe gian” của nhiều chủ tiệm cầm đồ thực ra chỉ là ngụy biện, do giá trị cầm cố quá bèo, chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 giá trị tài sản.
Trinh sát hình sự bắt cướp trên đường phố
Không biết vẫn có tội
Theo thống kê từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ số vụ án “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” bị khởi tố chỉ chiếm chưa tới 2% trong số hàng ngàn vụ trộm, cướp, cướp giật mà cơ quan cảnh sát điều tra các cấp khám phá. Điều này cho thấy mức độ ma mãnh, sự luồn lách tinh vi của các cá nhân, tổ chức kinh doanh từ “chiến lợi phẩm” của bọn tội phạm.
Với nhiều trinh sát hình sự của Đội 4 (PC45), tiệm vàng K.T.S. trên đường Bà Hom, P.13, Q.6 là một địa chỉ quen thuộc, vì các đối tượng cướp giật đi “ăn hàng” ở đâu rồi cũng đến đây tiêu thụ. Có lần trinh sát hình sự theo dõi hai đối tượng khả nghi có tiền án “cướp giật tài sản” từ Q.Tân Phú về đến Q.6. Cả hai vào tiệm vàng K.T.S. bán dây chuyền rồi quay trở ra, đến một quán bar. Sau khi hai đối tượng này bị bắt trong một vụ “ăn bay” khác, cơ quan điều tra đã triệu tập chủ tiệm vàng lên làm việc. Hai chị em chủ tiệm là V.T.D.T. (SN 1966) và V.T.N.D. (SN 1974) sau nhiều giờ khai báo loanh quanh, cuối cùng đã thú nhận từng mua mười sợi dây chuyền bị đứt, trầy xước. Tuy nhiên, cả hai cho rằng “không biết đó là dây chuyền cướp giật”.
Theo hồ sơ của Công an TP.HCM, ngay cả một số tiệm vàng tại khu vực trung tâm TP.HCM như Q.1, Q.3 cũng từng “nhúng chàm” vì hám lợi. Cụ thể, chủ tiệm vàng K.P. trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 đã thu mua mười nhẫn đính kim cương, chủ tiệm vàng K.L. ở Q.1 thu mua 14 nhẫn đính kim cương... Tất cả số tài sản trên là của một chủ tiệm vàng ở Cần Thơ bị cướp giật. Đáng nói là tổng giá trị tài sản thu mua vào chỉ hơn 5.000 USD, bằng khoảng 12% giá thực tế. Khi được mời làm việc, cơ quan điều tra đặt vấn đề, việc mua bán đá quý bao gồm kim cương theo quy định phải có hóa đơn chứng từ, hai chủ tiệm vàng đều trả lời: “không biết nên mua nhầm”!
Trung tá Trần Kim Sơn, Phó đội hình sự Công an Q.Thủ Đức cho biết, khi mua những sợi dây chuyền, bông tai bị đứt đoạn, trầy xước, một số chủ tiệm vàng đã cho nấu chảy ngay, sau đó gia công thành sản phẩm khác để xóa dấu vết. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên, không phải là không có cách để xử lý. Điển hình như chủ tiệm vàng Kim Hưng Q.8, do thu mua 24 lượng vàng của các đối tượng cướp được từ tiệm vàng Anh Sang (huyện Nhà Bè) đã bị khởi tố và bị TAND TP.HCM tuyên phạt hai năm tù.
Theo luật sư Nguyễn Văn Trường, Đoàn luật sư TP.HCM, khi áp dụng chế tài đối với các tiệm cầm đồ, cơ quan chức năng thông thường chỉ có thể xử lý các vi phạm hành chính, chủ yếu là tiêu thụ tài sản không chính chủ hay vi phạm về kho bãi theo Nghị định 37 của Chính phủ về quyết định xử phạt hành chính về kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, các cơ quan quản lý chỉ còn cách áp dụng Nghị định 150/2005NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự - an toàn xã hội. Cái khó ở chỗ là mức phạt cao nhất theo nghị định này cũng chỉ 15 triệu đồng nên không đủ sức răn đe.
Minh Dũng
Chờ chủ tiệm cầm đồ thừa nhận: sai lầm!
Hiện điều 250 Bộ luật Hình sự về “Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” quy định “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Hiện nay, do tình hình tội phạm diễn ra phức tạp nên một số quy định của tội danh này được vận dụng và có cách hiểu khác nhau, có quy định đã lạc hậu.
Trong một số vụ án, do ngại trách nhiệm (sợ khởi tố, truy tố, xét xử sai) cũng như không hiểu rõ quy định của pháp luật nên có cơ quan, người tiến hành tố tụng dựa theo sự thừa nhận của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ về việc họ có biết hay không biết tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ do người khác phạm tội mà có, để quyết định có khởi tố, truy tố hay không. Việc đánh giá như vậy là sai lầm. Ngoài ra thuật ngữ “biết rõ” cũng không dễ dàng đánh giá, do người phạm tội không bao giờ thừa nhận tội của mình, họ thường khai không biết đó là tài sản do người khác phạm tội mà có. Để xác định họ có biết rõ hay không phải dựa vào các tình tiết khách quan, đặc biệt là nhân thân và mối quan hệ giữa họ với người có tài sản do phạm tội mà có; việc giao dịch giữa người chứa chấp, tiêu thụ với người có tài sản.
Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được ghi nhận khá chi tiết, đầy đủ trong điều 250, Bộ luật Hình sự. Cần sửa đổi, bổ sung khoản 1, điều 250, Bộ luật Hình sự theo hướng: người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có mà biết đó là tài sản không rõ nguồn gốc, không được chứa chấp, tiêu thụ thì hành vi của họ cấu thành tội này. Điều này vừa dễ hiểu khi áp dụng và phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Thạc sĩ Thái Chí Bình, Tòa án nhân dân thị xã Châu Đốc
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.