Sau 1 tuần gây ồn ào với những tranh luận trái chiều, từ cả những phụ huynh học sinh lẫn giới học thuật của văn chương, sáng 7/5, đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT-TT) cho biết đã đề nghị Nhà xuất bản Hội Nhà văn – đơn vị xuất bản tác phẩm – thẩm định lại tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của nhà văn Ocean Vương về yếu tố khiêu dâm.
Ngoài ra, lãnh đạo Cục cũng nhờ một số giáo sư đầu ngành đọc, đưa ra ý kiến về cuốn sách này và từ đó có kết luận cuối cùng.
|
Sách “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” của Ocean Vuong. Ảnh: Nhà xuất bản |
Đây là động thái mới nhất, của các cơ quan quản lý có liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, cũng là động thái gây khó hiểu nhất, về cách thức quản lý có phần chạy theo dư luận.
Thực tế, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian không phải là tác phẩm vừa mới phát hành, mà đã có mặt trên văn đàn Việt từ 2 năm trước. Sự có mặt của tác phẩm này cũng không hề lặng lẽ, ngược lại, được bàn tán khá nhiều trong giới đọc sách, được tái bản nhiều lần.
Năm 2022, tác phẩm này còn đoạt giải Sách hay, hạng mục Sách Văn học. Đây là giải độc lập đầu tiên về sách của Việt Nam do Viện Giáo Dục IRED cùng Dự án Khuyến đọc sách hay và Sáng kiến OpenEdu tổ chức.
Trước đó, khi ra mắt tại Mỹ vào năm 2019, cuốn sách cũng được văn đàn Mỹ đánh giá khá cao. Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian cũng nằm trong danh sách 10 cuốn sách hay về tình cảm gia đình của tờ báo Anh. Lauren Puckett-Pope, Phó tổng biên tập tạp chí Elle đánh giá đây là một trong 15 tiểu thuyết hay nhất năm 2022.
Năm 2023, The Guardian xếp Ocean Vương là một trong 10 tác giả tiểu thuyết mới được yêu thích nhất, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian cũng được hãng A24 mua bản quyền chuyển thể thành phim…
Suốt 2 năm trời, thậm chí là nhiều hơn nếu tính cả khoảng thời gian cuốn sách gây chú ý tại các nước khác, dòng thông tin xoay quanh cuốn sách và Ocean Vương không hề ít. Trong khoảng thời gian đó, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã ở đâu, đã từng “liếc mắt xem qua”? Còn nếu đã “quản lý” theo đúng quy trình, thì hà cớ gì thời điểm này phải thẩm định lại xem cuốn sách có yếu tố khiêu dâm hay không?
Cần biết rằng, sự ồn ào liên quan đến cuốn sách trong những ngày qua không bắt đầu từ nội dung của nó, mà là nội dung đó liệu có phù hợp với học sinh lớp 11, có phù hợp để một trường học gửi gắm sự “khuyến đọc” đến đối tượng này hay không? Cổ nhân từng nói, không thể lấy một cây để đánh giá rừng, nghĩa là không thể lấy 1-2 trang sách để đánh giá nguyên cuốn sách.
Chỉ là, ở góc độ của một bậc cha mẹ có con chưa đến tuổi thành niên, việc băn khoăn sự tác động của 1-2 trang sách đó là không thể tránh khỏi. Và câu chuyện này, khi được mổ xẻ, chúng cần được nhìn nhận dưới rất nhiều góc độ: nền tảng giáo dục, tâm lý, sinh lý… Các góc độ đó, thật không thể chỉ dùng mỗi từ “khiêu dâm” để ấn định và thẩm định.
Một cuốn sách hay chưa hẳn là phù hợp với mọi độ tuổi. Ngược lại, một cuốn sách gây e ngại cho một đối tượng cụ thể, không có nghĩa đó là cuốn sách tồi. Điều đáng nhìn nhận từ sự việc này lớn hơn rất nhiều so với việc cấm hay không cấm cuốn sách. Rằng lứa tuổi nào cần được tiếp thụ tác phẩm văn học nào? Rằng cha mẹ nên làm gì trước nhu cầu tiếp nhận những điều mà cha mẹ cho là quá tuổi của con? Và đối với môi trường học đường, sự kết nối giữa nhà trường – học sinh – phụ huynh đến đâu để đừng xảy ra việc phụ huynh thốt lên “tôi bị sốc” lần nữa?...
Thẩm định lại một cuốn sách đã tồn tại 2 năm trời một cách không hề thầm lặng, chỉ cho thấy một quy trình quản lý chạy theo dư luận, một cách “vào cuộc” muộn màng và hết sức vô nghĩa trong bức tranh chung của sự việc.
Hạnh Phước