- Uống nước đi!
- Cảm ơn Hà
- Chị tới thăm anh Luận, chừng nào về?
- À… cho bé Nam chơi với ba chừng tiếng đồng hồ rồi chị về!
- Đừng lâu hơn nhen!
Cô ấy đặt "cạch" ly nước xuống trước mặt tôi. Cái ly cáu vàng và nước lọc cũng lờ nhờ. Không phải thái độ tiếp khách, nhất là người khách đã đi trăm cây số.
|
Người ấy chỉ biết bia rượu với lý do 'đời là cõi tạm'- Ảnh minh họa |
Phải thôi, vì tôi là vợ cũ, còn cô là vợ “đương nhiệm”. Cô tuy ít hơn tuổi tôi, lại hai con mà bao vất vả cuộc sống đã hiện vết nhàu nhĩ lên khuôn mặt.
Đời có câu “Vợ hiện ra trên quần áo chồng/ chồng hiện ra trên mắt vợ”. Cô mệt mỏi và kém sắc cũng phải, vì tôi biết người đàn ông mà cô gọi là chồng đó, không phải là trụ cột gia đình. Cũng chính vì tính nết “lục bình trôi” của anh ta mà tôi ly hôn, thì làm sao cô không mệt mỏi?
Nhưng bây giờ anh ta đang bệnh nặng, vừa đi viện về, con trai tôi muốn đi thăm cha, thành ra tôi dẫn con đi.
Ngày đó, dù biết anh chỉ là một nhân viên dịch vụ vi tính, lương ăn theo tháng nhưng tôi vẫn yêu anh. Cưới nhau rồi, công việc lại càng cho thu nhập thấp vì loại hình dịch vụ đó đã bão hòa. Tôi không ngại chồng làm ít tiền, chỉ ngại tư duy không phát triển.
Anh bảo rằng “Đời là cõi tạm” nên mỗi ngày chỉ đi làm một buổi, còn lại thì đi cà phê, nhậu nhẹt với bạn bè. Ừ cứ cho là cõi tạm, nhưng tạm cách mấy vẫn cần ngày ba bữa cơm, áo quần lạnh lặn, nhà cửa tinh tươm, con bệnh có thuốc uống, nhà nội nhà ngoại có đám tiệc mình cần phải phụ giúp…
Bao nhiêu cái “tạm” đó thôi đã đủ xoay vòng tôi như chong chóng. Còn anh, chỉ cần làm nửa ngày là đủ. Thì làm sao tôi kham nỗi? Vợ chồng cắn đắng thì anh nâng cấp quan niệm lên rằng “Chết có đem theo gì đâu mà làm cho lắm tắm cũng không có quần thay”.
|
Hà ru cu Bi ngủ xong cũng là vừa tròn1 tiếng tôi phải về. Ảnh minh họa |
Nỗi ấm ức chồng lười cũng còn chịu được, nhưng tới khi anh có bồ nhí bằng lý do “Đời có nhiêu đâu mà không chơi cho đã” thì tôi… hết ý kiến. Ly hôn khi con sáu tuổi. Ba năm sau, anh lấy vợ mới, vợ anh sinh liền hai con mà thu nhập của anh vẫn bấp bênh, nên bao nhằn nhọc cứ đổ lên vai cô ấy.
Tôi vẫn một bóng đi về, nuôi con một mình, vui buồn một mình nhưng đời sống khá ổn định. Có lẽ vì thế nên trông ngoại hình tôi tươi tắn hơn cô ấy.
Tôi ngồi im nhìn tivi, con tôi trò chuyện với ba của nó. Anh ta bị xuất huyết bao tử, viêm gan, huyết áp cao dù mới 49 tuổi. Đó là hậu quả của bao tháng rộng năm dài ăn nhậu vô tội vạ.
Hà làm gì đó dưới bếp, thỉnh thoảng lại nghe tiếng nắp vung rơi, rồi tiếng chén bát vỡ. Con nhỏ khóc nhì nhằng, con lớn đòi quà bánh. Có tiếng cô quất vào mông con, quát bảo “lên ba mày mà đòi” khiến con bé càng khóc dữ.
Tôi ngồi hoài cũng thấy buồn chân quá nên bước xuống bếp với ý định dỗ con bé thì Hà ngoe nguẩy: “Chị ngồi trển đi, tui pha cho nó chén bột lên chơi liền”. “Thôi khách sáo làm gì, chị em cả, để chị dỗ bé Hân phụ Hà nhé!”
Không chờ cô ấy đồng ý, tôi ẵm con bé lên. Con bé ba tuổi gầy nhom và tanh tanh chứ chẳng thơm tho như bao trẻ khác. Cũng phải, vì Hà bận bịu thế kia mà, vừa con nhỏ, vừa chồng bệnh, vừa làm lao động chính với nghề may gia công... Hân khóc nhè nhẹ trên tay tôi, thút thít “con đói, con đói”. Tôi lấy hộp sữa trong túi xách, cắm ống hút trao cho con bé. Nó nhìn tôi bằng ánh mắt tròn xoe đầy vui vẻ.
|
Hà đừng lo, chẳng ai nhặt lại món đồ đã vứt. Ảnh minh họa. |
Cu Bi trên tay Hà cũng đã ăn xong chén bột nên hết khóc đói nhưng bây giờ quay sang khóc đòi ngủ. Người đàn ông nằm trên giường vẫy tay gọi Hà, đòi uống nước. Hà định bỏ cu Bi xuống, nó lại khóc. Tôi kêu Nam lấy nước cho ba, “Vòng tay vào cổ đỡ ba dậy nhé”. Thằng bé 12 tuổi còn vụng về nhưng đủ sức kéo ba nó dậy. Khi anh ta uống nước xong, tôi còn bảo Nam lấy yến đút cho ba.
Khi cu Bi ngủ rồi, cũng là lúc tôi ngồi ở đây tròn một tiếng đồng hồ. Đứng lên ra về thì Hà lí nhí: “Chị có thể ở lại ăn với em bữa cơm không?”. Tôi cười cười: “Chắc không được…”. “Chị đừng giận, chẳng qua em… em…”. “Chị hiểu mà, thôi em bắt cơm, chị ra quán mua thêm cái gì nhé?”. “Dạ”.
Tiếng dạ của Hà ngoan ngoãn và nhẹ hẫng như cô em nhỏ dạ với chị vậy đó. Rồi tôi cũng mua được thức ăn, cùng Hà vào bếp.
Hà cúi xuống chén cơm thẹn thùng:
- Gia cảnh em, chị thấy rồi… Mà chị thì… xinh đẹp hơn em…
- Nên em ghen? Tôi cười vang. Hà lại cúi đầu thấp hơn.
Thật ra, Hà ạ vợ chồng là duyên nợ, cò duyên thì đến, hết nợ thì đi. Chị và chồng em đã hết duyên hết nợ, nhưng bé Nam vẫn còn có cha, nên chị đưa nó tới thăm khi anh ấy vừa bước qua cửa tử. Còn em, con đường mai này vẫn dài dằng dặt, em không cần ghen với chị, mà phải để sức mà lao động, chăm sóc chồng con. Và em phải nhớ rằng, nếu món đồ nào đó quý giá, thì chẳng ai ném đi, mà khi ném rồi thì chẳng cần phải nhặt lại đâu em.
Tôi đã nói với Hà như vậy. Cô ấy mỉm cười mà hai giọt lệ rưng rưng.
Thúy Đào