Thảm cảnh du lịch Việt mùa cúm COVID-19

17/02/2020 - 17:07

PNO - Chống dịch bệnh đương nhiên là ưu tiên hàng đầu, nhưng có một điều không thể phủ nhận là chúng ta vẫn phải làm việc. Nếu không tạo ra được sản phẩm ở du lịch nói riêng và mọi ngành nghề nói chung, thị trường sẽ sụp đổ.

Trung Quốc đang trong cuộc chiến một mất một còn với Covid-19. Họ hiểu rằng nếu thua, những thành quả họ tạo dựng được trong nhiều năm sẽ trắng tay. Quyết định phong tỏa hơn mười thành phố lớn với hàng chục triệu dân cho thấy rõ điều này. Cũng phải công nhận, họ quyết định kịp thời dù vẫn có ý kiến cho là hơi quân phiệt. Tuy nhiên, có lẽ họ hiểu rõ tập tính của dân số và khả năng y tế của họ. Nếu chỉ chậm trễ khoảng hai tuần nữa thôi, số dân Vũ Hán tỏa đi du lịch khắp nơi trên thế giới, sẽ chính thức là một thảm họa.

Tuy nhiên, với quyết định cô lập các thành phố, ngành nghề thiệt hại đầu tiên là du lịch - một ngành nghề đem lại rất nhiều thu nhập cho các quốc gia có biển, phong cảnh đẹp, khí hậu ôn hòa và cũng đóng góp vào tăng trưởng GDP quốc gia không nhỏ, một ngành được mệnh danh là công nghiệp không khói.

Du lịch Việt năm 2019 đã có mức tăng trưởng thần kỳ với 18 triệu lượt khách, tăng 16,2% so với năm 2018. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không tăng 15,2%; bằng đường bộ tăng 20,4%; bằng đường biển tăng 22,7%. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng 63/140 nền kinh tế... Tổng thu từ khách du lịch ước tính mang lại cho Việt Nam 720.000 tỷ đồng.

Nhưng mới chỉ chưa hết quý I/2020, du lịch TPHCM đã kêu cứu thiệt hại. Do doanh thu giảm sút, họ kiến nghị được giảm 50% thuế VAT; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp… và Tổng cục Du lịch cũng ước tính trong 3 tháng tới, có thể thiệt hại sẽ lên đến 7 tỷ đô la.

Chống dịch bệnh đương nhiên là ưu tiên hàng đầu, nhưng có một điều không thể phủ nhận là chúng ta vẫn phải làm việc. Nếu không tạo ra được sản phẩm ở du lịch nói riêng và mọi ngành nghề nói chung, thị trường sẽ sụp đổ. Lúc ấy, khả năng vãn hồi còn khó hơn cả dịch bệnh.

Quảng Ninh bị Chính phủ nhắc nhở sau khi từ chối cho tàu du lịch Italia cập cảng Hạ Long
Quảng Ninh bị Chính phủ nhắc nhở sau khi từ chối cho tàu du lịch Italia cập cảng Hạ Long

Chiếc tàu du lịch của Ý với hơn 1.100 du khách bị Quảng Ninh từ chối là một điều rất đáng suy nghĩ đối với du lịch mùa dịch Covid-19. Tàu không có hành trình ghé Trung Quốc, hành trình của họ là nhiều điểm đến tại Việt Nam mang lại doanh thu cho nhiều địa phương. Quảng Ninh từ chối họ; đáp lại, họ hủy hết các điểm khác tại Việt Nam và chuyển qua Thái Lan.

Trầm trọng hơn nữa, trong tháng Hai, hàng loạt tàu du lịch cao cấp trên thế giới đã hủy hải trình đến Việt Nam. Điều này làm du lịch Việt mất khoảng 20.000 du khách. Đó quả là một thiệt hại không hề nhỏ. Như đã thống kê ở trên, khách đến bằng đường biển năm 2019 tăng 22,7%, tức là có con số tăng trưởng tốt hơn cả hàng không. Theo kinh nghiệm của các công ty du lịch, đa phần khách đi bằng du thuyền thường có thời gian chơi dài hơn và mức chi tiêu cao hơn khách đi bằng đường hàng không và đường bộ. Nếu tiếp tục khước từ, ta sẽ mất các bạn hàng là các công ty môi giới du lịch lớn và uy tín, có khả năng mang lại doanh thu tỷ đô cho doanh nghiệp Việt trong tương lai. 

27.000 nhân viên của Cathay Pacific phải nghỉ việc 3 tuần, đó là một thiệt hại cực lớn cho du lịch. Các hãng hàng không Việt cũng đang phải đối phó với sự ế ẩm. Vận tải hàng không là chủ đạo, giờ gần như tê liệt, lấy đâu ra khách tham quan. Giờ có tàu ghé thăm, thiết nghĩ, những người quản lý cần phải linh động hơn.

Không phải tự nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chống dịch quyết liệt nhưng không phải đóng cửa”. WHO đã dự báo, dịch có thể kéo dài cỡ một năm, vậy chúng ta lựa chọn thái độ làm việc sao cho hiệu quả, thông minh và có chọn lọc hay là tự cô lập rồi ngồi nhìn nhau với cái hầu bao lép kẹp? Cảnh vay nợ, phá sản, chịu lãi ngân hàng tới mức các tổ chức tín dụng xiết tài sản doanh nghiệp, xe cộ và phát mãi cũng đau đớn không kém gì dịch bệnh. Kể cả dưới bom đạn, cũng vẫn phải sản xuất, đó là nguyên lý mặc định để tồn tại không loại trừ bất kể quốc gia nào. Trong lịch sử, tiền nhân vẫn làm như vậy.

Nhiều quốc gia cạnh tranh du lịch với Việt Nam vẫn đón được du thuyền trong điều kiện dịch bệnh. Như vậy, có phải quyết định của Quảng Ninh là hơi vội vàng và cần phải xem xét lại? Du lịch thu hút được khách quốc tế không chỉ vì cảnh đẹp, dịch vụ tốt mà còn ở sự thân thiện, nhân ái của con người.

Đóng cửa để an toàn cho mình là điều đơn giản. Nhưng trong hoàn cảnh toàn cầu chung tay chống dịch thì phối hợp và chia sẻ giữa các quốc gia là điều rất nên làm. Kinh doanh chuyên nghiệp đôi khi phải chấp nhận thiệt thòi để giữ khách. Nếu chỉ chọn miếng ngon, ta sẽ mãi ở lại sau. 

Đó cũng là sự cạnh tranh về du lịch thời buổi mới mà có lẽ năng lực của những người quản lý chưa thực sự được cập nhật. Hoặc có thể, y tế và du lịch chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với nhau để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói nước nhà, dẫn tới sự thua sút các quốc gia có cùng điều kiện như Singapore hay Thái Lan hoặc trong khu vực.

EVFTA mới ký xong, chúng ta cần hội nhập, cần khách nước ngoài, nhất là từ các quốc gia phát triển. Muốn vậy, du lịch phải tiên phong. Mất sự bắt nhịp của ngành du lịch, sẽ ít người biết tới Việt Nam hơn, mọi thứ sẽ chậm đi và cơ hội sẽ dần khép lại. 

Nguyễn Tuấn Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI