Thăm 2 ngôi chùa cổ trứ danh đất Sài Gòn - Gia Định xưa

24/02/2024 - 07:03

PNO - Nơi đây thường được nhiều đoàn làm phim, ca nhạc, cải lương… có đề tài cổ xưa mượn bối cảnh để quay.

 

Chùa Giác Lâm được xem là 1 trong 2 ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn
Chùa Giác Lâm được xem là 1 trong 2 ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn

Sài Gòn có khá nhiều chùa cổ, trong đó có 2 ngôi cổ tự tuổi đời trên dưới 300 năm, đều là những di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, là địa chỉ có thể đến quanh năm mà không phải lo lắng chuyện quá đông đúc.
Cả 2 đều là những ngôi chùa cổ nổi tiếng của đất Sài Gòn - Gia Định xưa. Chúng không chỉ độc đáo, có giá trị về mặt kiến trúc, lịch sử mà còn có không gian xung quanh rất rộng, nhiều cây xanh và hài hòa với bối cảnh xung quanh. Vì thế, cả 2 thường được nhiều đoàn làm phim, ca nhạc, cải lương… có đề tài cổ xưa mượn bối cảnh để quay. 

Chiếc cổng kỳ ngộ và chốn an trí của một nhà thơ lớn

Được xem là 1 trong 2 ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn, có đến 118 tượng cổ, chùa Giác Lâm (đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, TPHCM) với lối kiến trúc độc đáo như một minh chứng cho sự giao lưu văn hóa giữa kiến trúc Phật giáo - Nho giáo - Đạo giáo. Đây có lẽ là ngôi chùa hiếm hoi của đất Sài Gòn - Gia Định xưa có chiếc cổng tam quan không giống tam quan chùa thường thấy. Không chỉ vậy, còn có cả một câu chuyện thú vị đi kèm.

Ai đến chùa Giác Lâm, nếu không biết chuyện, sẽ thấy cổng tam quan ở một nơi mà chánh điện một ngả, trông như không liên quan đến nhau và dễ nhầm cổng tam quan cũ ngay trước thềm chùa, trước cây bồ đề, là lối vào khu vườn chùa. Thật ra, cổng tam quan hiện hữu mới được xây lại sau này, còn chiếc cổng có 2 lối ra vô và 1 tấm bia dựng ở giữa trông như lối vào vườn chùa kia chính là chiếc cổng tam quan xưa. 

Xưa kia, 2 cửa tả hữu luôn mở thường trực, còn cửa chính chỉ mở đôi lần trong năm khi có lễ lớn hoặc sự kiện trọng đại của nhà chùa và thường chỉ quan lại hay dịp đón rước những vị chức sắc lớn trong Phật giáo mới dùng đến cổng này. Thời Pháp thuộc, quan Tây đến chùa thường đòi đi bằng cửa chính. Không cho thì không được, cho thì lại… ngứa mắt, nhà chùa lấp luôn cái cổng ở giữa, sau đó cho khắc thêm một đoản thơ nguyện hương trên bức vách mới đó, coi như vừa tránh được việc tế nhị, lại có dịp cho bá tánh học thêm điều hay khi thành tâm dâng hương. Thành thử, suốt một thời gian dài, Giác Lâm tự được gọi là "ngôi chùa không có cổng tam quan". Mãi sau này, nhà chùa cho xây dựng lại một cái cổng tam quan vào năm 1955 ở vị trí khác - phía ngoài, chính là vị trí hiện tại.

Chùa Giác Lâm
Chùa Giác Lâm

Khuôn viên chùa hiện nay vẫn còn nhiều cây xanh cao to tỏa bóng mát nên cảnh quan chùa Giác Lâm rất khác so với các ngôi chùa trong nội đô. Điều này khiến khuôn viên chùa như một công viên. Cư dân quanh vùng thường đến chùa để đi bộ, tập thể dục vào buổi sớm. Trong chùa có Bảo tháp Xá lợi, được xây trong thời gian lâu kỷ lục, qua nhiều thăng trầm thời cuộc, từ năm 1970 đến 1994. Trên đỉnh Bảo tháp thờ xá lợi Phật, theo tài liệu ở chùa, được đích thân đức Từ Cung (thân mẫu vua Bảo Đại) tham gia trong đoàn cung thỉnh rước xá lợi Phật từ Sri Lanka về chùa năm 1953. Sự kiện này còn được lưu dấu với cây bồ đề cũng được đem về từ Sri Lanka, được đại đức Narada trồng đến nay đã hơn 70 năm, vẫn tỏa bóng mát nơi mặt tiền chùa, ngay sau chiếc cổng tam quan trứ danh.

Tòa tháp lục giác này gồm 7 tầng, cao 32,7m. Vào dịp rằm, mùng Một, chùa mới mở cửa các tầng trên. Đó cũng là dịp để khách viếng chùa leo lên tầng trên cùng, sau khi chiêm bái xá lợi, là ngắm cả một vùng quận 11, Tân Bình từ trên cao.

Điều đặc biệt nữa là, trong khuôn viên chùa Giác Lâm, từ 20 năm nay, có lăng mộ Gia Định tam gia - Thượng thư Bộ Công Ngô Nhân Tịnh.  

Ông là người có tài, làm thơ hay, từng theo học với cụ Võ Trường Toản, từng làm Hiệp tổng trấn thành Gia Định, tước Tịnh Viễn hầu. Ông có tập thơ Gia Định tam gia thi tập viết cùng Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định. Ông được người đương thời xem là một nhà thờ lớn của đất Gia Định xưa. Cuối đời, ông sống ẩn dật và mất tại Gia Định.

Trước đây, lăng mộ Ngô Nhân Tịnh an táng tại làng Chí Hòa, tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Năm 1936, để giải phóng mặt bằng cho việc xây dựng ga Sài Gòn, lăng mộ Ngô Nhân Tịnh được di dời về làng Tân Hóa, tổng Tân Phong Trung, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định (khu vực đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú hiện nay). Do khu mộ suốt thời gian dài không có người thăm nom và nhằm tôn vinh ông, năm 2004, UBND TPHCM đã cho di dời lăng mộ Ngô Nhân Tịnh tại vị trí hiện nay. Việc chọn nơi an trí mới cũng ý nghĩa khi sơ tổ chùa Giác Lâm - thiền sư Viên Quang - cũng là bạn đồng môn với Ngô Nhân Tịnh và Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức...

Ngôi chùa cháy năm nào

Dù là di tích văn hóa kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, tuổi đời hàng trăm năm... nhưng trừ các dịp lễ lạt, chùa Hội Sơn thường khá vắng
Dù là di tích văn hóa kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, tuổi đời hàng trăm năm... nhưng trừ các dịp lễ lạt, chùa Hội Sơn thường khá vắng

Trong số những ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất của Sài Gòn, Hội Sơn (đường Nguyễn Xiển, TP Thủ Đức, TPHCM) là ngôi chùa cổ hiếm hoi có phong cảnh hữu tình, trên bến dưới thuyền, nằm trên triền đồi cao cạnh dòng sông Đồng Nai.  

Tôi cũng mang tâm trạng ngạc nhiên khi lần đầu đến chùa Hội Sơn cách đây gần 30 năm. Cảnh chùa sau đó dĩ nhiên khác xưa nhiều khi mỗi lần đến lại thấy có thêm nhiều công trình kiến trúc, tượng; chùa cũng trải qua mấy đợt trùng tu. Vậy nhưng ngôi chùa vẫn nằm giữa những hàng cây râm mát như khu rừng nhỏ, trên một triền đồi rất đẹp ven bờ sông Đồng Nai, mà chân đồi lộ ra toàn đá ong và đây vẫn xứng đáng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của Gia Định xưa. 

Cho đến lần trở lại đầu năm 2013, vài tháng sau khi chùa bị hỏa hoạn thiêu rụi, toàn bộ hoành phi, câu đối cổ, hầu hết các tượng Phật, hiện vật cổ quý giá đều bị thiêu rụi. Thiệt hại quá lớn, đệ nhất thắng cảnh Gia Định xưa cứ loang lổ cảnh hoang tàn và tạm bợ vì chùa cháy, chánh điện dựng mái lá tạm để có chỗ cho chư tăng phật tử hành lễ. Mãi hơn 3 năm sau, chùa mới được khởi công xây dựng lại, mất 2 năm thì hoàn thành. Công trình hoàn tất vào cuối năm 2016.  

Công trình chùa Hội Sơn phục dựng theo kết cấu không gian và phong cách kiến trúc cũ
Công trình chùa Hội Sơn phục dựng theo kết cấu không gian và phong cách kiến trúc cũ

Công trình chùa Hội Sơn phục dựng theo kết cấu không gian và phong cách kiến trúc cũ. So với diện tích nền chánh điện cũ, chiều ngang nền mới được nới rộng thêm 4m. Chiều cao và chiều dài cũng được nới rộng theo tỉ lệ tương ứng với thiết kế tổng thể. Hệ khung cột, kèo và hệ mái gỗ dựa theo kiến trúc cũ, lợp mái ngói âm dương nhưng không tráng men. Hệ thống cột, lan can, mặt đứng thiết kế, các thước cột, gờ chỉ, lan can theo phong cách kiến trúc cổ điển Pháp. Tuy tường bao, lan can xung quanh, trụ hành lang bằng bê tông (xưa làm bằng gỗ) nhưng nội thất với cách bố trí bàn thờ, đồ thờ phượng thì theo công trình trùng tu năm 2000 (lần trùng tu sau cùng của chùa Hội Sơn trước khi bị cháy).

Nhìn tổng thể, chánh điện mới của chùa vẫn hài hòa với không gian xung quanh và không bị sa vào xu thế hễ xây mới phải to lớn hoành tráng và lắm màu sắc hơn của nhiều chùa Việt.

Dù là những di tích văn hóa kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, tuổi đời hàng trăm năm, tọa lạc trên những thửa đất rộng lớn, có nhiều cây xanh cổ thụ nhưng trừ các dịp lễ lạt, thường thì các ngôi chùa này đều vắng.  
Trong làn sóng các bạn trẻ mặc áo dài, bận đồ tết du xuân dập dìu tại các địa điểm kiến trúc nổi tiếng ở TPHCM, những ngôi chùa cổ này gần như đứng ngoài các trào lưu ấy, xứng đáng là điểm đến cho những ai cần tìm một cảnh chùa có bề dày lịch sử văn hóa nhưng đẹp một cách lặng lẽ, sâu lắng. 

Lê Minh Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI