Thai to, đừng vội mừng!

01/07/2018 - 09:52

PNO - Quan niệm bé sinh ra càng to thì sau này càng cao lớn, dễ nuôi, nhiều thai phụ ra sức tẩm bổ dẫn đến không kiểm soát được cân nặng, hậu quả bị tiểu đường thai kỳ và em bé cũng gặp nhiều nguy cơ hơn bình thường.

Nguy hiểm rình rập khi mẹ nhỏ sinh con to

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, nếu em bé khi sinh ra nặng từ 4kg trở lên gọi là thai to. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ sơ sinh trên 4kg không nhiều nhưng ở ngưỡng mấp mé từ 3,8kg thì không hiếm. Cân nặng của em bé trong bụng phải tương xứng với thể trạng và chiều cao của bà mẹ.

Trong khi đó, phụ nữ Việt Nam lại đứng hàng thứ 4 từ dưới lên về số đo chiều cao so với các nước trong khu vực. Vóc dáng thấp bé đồng nghĩa khung xương chậu nhỏ, nếu sinh thường, nguy cơ vỡ tử cung cao. 

TS-BS Trần Nhật Thăng - Trưởng đơn vị Chẩn đoán trước sinh khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM:  Bất thường xảy ra với mẹ, thai nhi sẽ “lãnh đủ”

Bất thường nào về sức khỏe xảy ra với thai phụ trong thai kỳ đều có thể trở thành nguy cơ đối với thai nhi và để lại những hệ lụy sau này. Tất cả thai phụ nên thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường huyết, uống 75g glucose để tầm soát và kịp thời phát hiện, điều trị tiểu đường thai kỳ. Bên cạnh đó, thai phụ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, rau quả tươi… và hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo.

Tình trạng thai to cũng khiến gia tăng tỷ lệ trẻ sơ sinh bị gãy xương đòn, tổn thương thần kinh đám rối cánh tay trong quá trình chào đời.

Để tránh các sự cố này, khi siêu âm ước lượng cân nặng thai nhi, nếu thấy vượt chuẩn, bác sĩ thường đề nghị thai phụ sinh mổ. Đó là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh mổ ngày càng cao. Có những bệnh viện, tỷ lệ sinh mổ lên tới 90%. 

Tại phòng khám, hằng ngày PGS-TS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng Khối sản Bệnh viện Hùng Vương cũng tiếp nhận các thai phụ và người nhà bày tỏ nguyện vọng được bác sĩ chỉ cách tẩm bổ để… thai càng to càng tốt.

“Tâm lý mong muốn sinh con cao lớn mạnh khỏe là chính đáng. Một đứa trẻ lúc sinh ra chiều dài cơ thể đo được từ 50-55cm sau này có thể đạt chiều cao trên 1m80.

Ai cũng muốn cải thiện giống nòi, vóc dáng cao lớn sẽ chiếm được nhiều lợi thế trong cuộc sống, nhưng điều gì thái quá cũng gây ra những hệ lụy”, bác sĩ Khánh Trang nhận định.

Mẹ tiểu đường thai kỳ, thai chết lưu vì tẩm bổ cật lực

Muốn thai to, khỏe, nhiều bà mẹ ăn uống thoải mái, không kiểm soát cân nặng dẫn tới bị tiểu đường thai kỳ. Tại phòng khám sản Bệnh viện Hùng Vương, chúng tôi ghi nhận có những thai phụ không thể kiểm soát được đường huyết của mình, tới mức phải nhập viện theo dõi và ăn theo chế độ riêng.

Thai to, dung voi mung!
Để có thai kỳ khỏe mạnh, thai phụ cần kiểm soát tốt cân nặng, ăn uống theo sự tư vấn của bác sĩ

Chị N.T.D. (29 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) mang thai lần đầu. Thai phụ này mang thai ở tuần 20 nhưng đã tăng 18kg. Chị D. từng được bác sĩ khuyến cáo phải kiểm soát cân nặng nhưng lại luôn trong tình trạng thèm ăn. Kết quả xét nghiệm máu xác định chị bị tiểu đường thai kỳ. Sau một thời gian thấy thai phụ không tự điều chỉnh được chế độ ăn uống, trọng lượng cơ thể vẫn tăng nhanh, bác sĩ đề nghị thai phụ nhập viện theo dõi vì e ngại những nguy cơ có thể xảy đến với bà mẹ và em bé.

Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận trường hợp thai phụ M.T.C. (30 tuổi, ngụ tại TP.HCM) bị lưu thai ở tuần thai thứ 37. Trước khi mang thai, chị C. có lối sống, chế độ ăn uống và luyện tập rất lành mạnh. Thế nhưng, khi bước vào thai kỳ, chị bị nghén nặng nên rất khó ăn trong 3 tháng đầu. Sau đó, chị C. thèm ăn và thường xuyên ăn uống nhiều đồ ngọt như bánh kẹo, chocolate, trà sữa…

Mỗi lần khám thai, chị đều được bác sĩ khuyến cáo về nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ và tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý. Do không cảm thấy dấu hiệu gì bất thường mà cân nặng vẫn tăng đều, chị C. tin rằng bản thân và thai nhi vẫn khỏe mạnh. Đến tuần thứ 20 của thai kỳ, chị C. kiểm tra đường huyết và được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, thai phụ vẫn tiếp tục chế độ dinh dưỡng nhiều đường vì không cưỡng nổi cơn thèm ngọt, dẫn đến hậu quả đáng tiếc ở giai đoạn cuối thai kỳ.

PGS-TS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng Khối sản Bệnh viện Hùng Vương: Cần phân biệt thai to bệnh lý và thai khỏe mạnh

Thai phụ cần khám thai định kỳ để được bác sĩ tư vấn kịp thời. Nếu thấy cân nặng của thai ước lượng vượt chuẩn, bác sĩ sẽ tư vấn thai phụ tự điều chỉnh bằng cách kiểm soát chế độ ăn uống. Một số trường hợp không tự kiểm soát được thì phải nhập viện để theo dõi và ăn theo chế độ quy định riêng, nếu thai phụ vẫn không đáp ứng thì phải điều trị bằng phương pháp tiêm insulin. Tầm soát tiểu đường thai kỳ là một xét nghiệm thường quy nhưng không bắt buộc và chưa được bảo hiểm y tế thanh toán và thai phụ nên làm xét nghiệm này để theo dõi tình trạng đường huyết của mình nhằm có sự điều chỉnh, can thiệp kịp thời.

Cứ 6 thai phụ thì có một người bị tiểu đường thai kỳ. Quan niệm ăn càng nhiều, cân càng tăng thì con càng to là sai lầm. Nhiều bà mẹ tăng cân nhiều nhưng khi siêu âm con lại suy dinh dưỡng. Việc thai có khỏe, to hay không còn phụ thuộc vào sự trao đổi chất ở bánh nhau của mỗi người. 

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI