Thái Thùy Linh: Dù học hỏi không ngừng, vẫn chưa giỏi dạy con em, con anh, con chúng ta

02/02/2018 - 16:32

PNO - Là một nữ rocker cá tính, Thái Thùy Linh còn có một gia đình khá đặc biệt với “con anh, con em, con chúng ta”. Cô đã “điều hành” gia đình ấy như thế nào?

Thai Thuy Linh: Du hoc hoi khong ngung, van chua gioi day con em, con anh, con chung ta
Thái Thùy Linh và các con

Phóng viên: Xin chào Thái Thùy Linh. Chị đã chuẩn bị quà tặng gì cho các con vào dịp tết? Chị có yêu cầu các con tham gia vào một số việc tổ chức tết không?

Ca sĩ Thái Thùy Linh: Món quà tết lớn nhất mà tôi dành tặng các con chính là thời gian để vui tết với gia đình. Với cuộc sống bận rộn của tôi thì đây là một sự cố gắng rất lớn, đòi hỏi tôi phải sắp xếp công việc cá nhân ổn thỏa trước ngày tiễn ông táo, để thoải mái đón tết mà không phải trăn trở “bên con bên công việc”.

Từ chối, đặc biệt là những chương trình thiện nguyện vào dịp sát tết, quả thực không dễ; nhưng tôi đã miệt mài nhiều năm rồi. Từ năm nay, tôi sẽ “quy hoạch” công tác này gọn gàng hơn, để các con tôi được đón tết đầy đủ.

Hai bé nhà tôi còn khá nhỏ nên chủ yếu là cùng mẹ trang trí nhà cửa, đi mua cành đào, thăm hỏi họ hàng, dọn dẹp phòng riêng và đồ chơi... Việc không thể thiếu mỗi dịp tết là tham gia gói bánh chưng để không bị xa lạ với phong tục cổ truyền. 

* Khi kết hôn, chị đã chuẩn bị tinh thần cho con gái như thế nào?

- Khi tôi kết hôn, bé Nếp đã sáu tuổi. Cháu đã có hai năm làm quen với chồng tôi, từ khi chúng tôi còn là bạn bè, nên cũng không có trở ngại gì trong việc trở thành một gia đình. Con tôi và con anh ấy đã rủ nhau gọi chúng tôi là bố mẹ từ sớm nên mọi việc lúc ấy khá đơn giản. Lần nói chuyện nghiêm túc nhất với các con, tôi bảo: “Mẹ không hứa là chúng ta sẽ yêu nhau mãi mãi, chỉ chắc chắn một điều là: các con có thể yên tâm, bố mẹ có thể đi giúp đỡ hàng ngàn trẻ em không quen biết thì bố mẹ lúc nào cũng sẽ đối xử tốt với các con”.

* Chị có gặp khó khăn trong quan hệ với con riêng của chồng? Chị có cách gì để vượt qua nỗi ám ảnh về cảnh “mẹ ghẻ, con chồng”?

- Lúc chúng tôi mới quen, cô bé mới học tiểu học nên có những sự “chiếm giữ” bố rất buồn cười, kiểu như nếu biết bố trả tiền bữa ăn khi đi chơi chung, bé sẽ đề nghị… không ăn nữa, để tiết kiệm tiền cho bố; hoặc khi ương lên thì hỏi không trả lời. Nhưng, tôi chưa bao giờ buồn về những chuyện đó. Trẻ em, bé nào cũng vậy thôi. Đó vẫn là một cô bé ngoan, hiền và có nền tảng giáo dục tốt, nên chúng tôi cũng sớm dành cho nhau tình cảm yêu mến, tôn trọng.

Giờ thì con đã vào cấp II, tuổi teen rồi, còn học hành bận rộn nên chúng tôi cũng ít chia sẻ và gần gũi được như trước. Tôi cũng không cố tìm cách lấy lòng mà để con tự nhiên. 

* Cá tính mạnh của chị ảnh hưởng thế nào tới việc dạy con? Khi con phạm lỗi, không chịu nhận mà phản ứng dữ dội, chị xử lý ra sao?

- Có lẽ do ảnh hưởng từ mẹ, hai con tôi đều hiếu động và cá tính. Nhiều lúc yêu đến chết được mà giận cũng “phát điên”, như hầu hết các gia đình. Tôi có hai đặc điểm, không rõ là tốt hay xấu: tôi sợ những gì lặp đi lặp lại, kiểu như lèo nhèo ỉ ôi là tôi rất ghét; ngoài ra, tôi khá quyết liệt trong việc ai sai phải nhận - phải trung thực và dũng cảm nhận lỗi, nên thỉnh thoảng tôi cũng khá dữ.

* Là ca sĩ, không thể theo nếp sinh hoạt thông thường. Chị làm thế nào để xoay xở, chăm sóc việc ăn học của các con, và thêm những đứa con nuôi nữa chứ? 

- Trước đây, chúng tôi có vài người con nuôi, nhà lúc nào cũng như “doanh trại”. Giờ thì chỉ có hai bé, nhưng không vì thế mà việc nuôi dạy đơn giản hơn, vì chúng tôi quá bận rộn khi phải kiêm nhiệm nhiều vai trò. Năm ngoái, tôi đã quyết định khép lại việc kinh doanh vì quá tải. Chúng tôi ở riêng nên phải tự tổ chức cuộc sống. Cũng may là từ lúc tôi sinh bé Cá Mập thì luôn tìm được những người quản gia tốt giúp quán xuyến con cái, cửa nhà.

* Xin cảm ơn chị! 

Dạy những đứa trẻ thông minh và cá tính là việc thú vị nhưng vất vả, vì chúng cãi và “lách luật” rất cừ. Tôi, dù học hỏi không ngừng, vẫn chưa giỏi dạy con. Bằng chứng là có những lần dùng đủ mọi cách vẫn không xử lý nổi tính ương bướng của chúng. Tôi có đọc về những đợt khủng hoảng theo độ tuổi hay stress ở trẻ nhỏ nên xác định là thỉnh thoảng căng quá thì cũng đành “buông giáo”, đợi lúc khác xử lý tiếp.

Mai Khánh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI