Thai phụ và trẻ nhỏ Nhật Bản đối mặt với đợt bùng phát "hội chứng má tát"

14/12/2024 - 12:51

PNO - Nhật Bản đối mặt với đợt bùng phát đáng kể của parvovirus B19 tồi tệ nhất trong 25 năm, do khả năng miễn dịch bị suy giảm sau đại dịch COVID-19, gây ra những rủi ro đáng kể cho phụ nữ mang thai và trẻ em.

Ngày 13/12, các cơ quan y tế tại Nhật Bản đã báo cáo về sự gia tăng đột ngột các ca nhiễm parvovirus B19, đợt bùng phát tồi tệ nhất trong 1/4 thế kỷ ở một số vùng của đất nước, làm dấy lên lo ngại rằng, khả năng miễn dịch giảm sau đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy sự lây lan của bệnh.

Parvovirus B19 gây ra ban đỏ nhiễm trùng, thường được gọi là "hội chứng má tát". Căn bệnh này biểu hiện bằng các vết phát ban đỏ tươi trên má và do một loại vi-rút thường xuất hiện sau các cơn cảm lạnh gây ra.

Các chuyên gia cảnh báo rằng loại vi-rút này có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc chứng rối loạn máu và phụ nữ mang thai chưa từng bị nhiễm bệnh.

Dịch bệnh đã trở nên nghiêm trọng đến mức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Đài Loan (Trung Quốc) đã ban hành khuyến cáo trẻ em và phụ nữ mang thai tránh đến các khu vực ở miền đông Nhật Bản bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Riêng các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và y học sinh sản đã kêu gọi phụ nữ mang thai thực hiện các biện pháp phòng ngừa "hội chứng má tát" sau khi dịch bệnh bùng phát ở miền đông Nhật Bản.

Đây thường là tình trạng ở trẻ em. Nhưng nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với phụ nữ mang thai không miễn dịch với căn bệnh này, chẳng hạn như sảy thai và thai chết lưu.

Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Sản phụ khoa Nhật Bản đã ban hành thông báo sau khi số lượng bệnh nhân bị "má tát" tăng lên chủ yếu ở miền đông Nhật Bản bắt đầu vào mùa thu năm nay. Thông báo cảnh báo rằng phụ nữ mang thai tiếp xúc với vi-rút lần đầu tiên có 6% nguy cơ bị sảy thai hoặc thai chết lưu. Ngoài ra, còn có 4% nguy cơ trẻ sơ sinh bị thiếu máu hoặc phù thai.

Báo cáo cho biết loại virus này có xu hướng lây lan sang các thành viên khác trong gia đình trước khi phát ban xuất hiện.

Bộ y tế Nhật Bản đề xuất ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay đúng cách và không dùng chung dao kéo hoặc đồ dùng với người bị nhiễm bệnh. Lưu ý rằng vi-rút có thể lây lan qua ho, hắt hơi và khuyến nghị các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang.

Tiến sĩ Yamada Hideto thuộc Tập đoàn Teine Keijinkai và là thành viên hội đồng quản trị JSIDOG một chuyên gia về căn bệnh này cho biết, phụ nữ mang thai nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa toàn diện, vì mọi người khó thể biết họ có miễn dịch hay không, ngoại trừ khi được xét nghiệm.

Trọng Trí (theo SCMP, Japan Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI