Thái Lan sẽ bỏ lệnh cấm dịch vụ mang thai hộ

02/04/2024 - 12:45

PNO - Thái Lan đang thực hiện các bước để chấm dứt lệnh cấm dịch vụ mang thai hộ cho các cặp đồng giới, người nước ngoài.

Thái Lan có kế hoạch chấm dứt lệnh cấm kéo dài gần một thập kỷ đối với người nước ngoài sử dụng dịch vụ mang thai hộ để thúc đẩy du lịch y tế và có thể cho phép các cặp đồng tính nam và đồng tính nữ tiếp cận dịch vụ này sau khi nước này hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào cuối năm 2024.

Ông Arkhom Praditsuwan - Phó tổng giám đốc Cục Hỗ trợ dịch vụ y tế - cho biết, Bộ Y tế Thái Lan đang chuẩn bị đệ trình bản sửa đổi luật cấm mang thai hộ cho người nước ngoài lên Quốc hội vào đầu tháng Bảy tới.

Đây sẽ là sửa đổi đầu tiên kể từ khi lệnh cấm được đưa ra vào năm 2015 sau làn sóng phản đối dữ dội của người dân về việc một cặp vợ chồng người Úc nhờ một người Thái Lan mang thai hộ nhưng sau đó bỏ rơi đứa trẻ sinh ra mắc hội chứng Down.

Tuần trước, ông Arkhom cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Việc sửa đổi nhằm mục đích tạo sự công bằng cho tất cả các cặp vợ chồng Thái Lan, bất kể giới tính của họ. Việc dỡ bỏ lệnh cấm cũng tính đến nhu cầu ngày càng tăng đối với dịch vụ mang thai hộ. Điều này sẽ hỗ trợ du lịch y tế, tạo thêm thu nhập cho đất nước”.

Động thái tái áp dụng dịch vụ mang thai hộ thương mại phù hợp với một loạt các biện pháp khác được lên kế hoạch nhằm củng cố uy tín của quốc gia như một trung tâm du lịch và biến nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn cho các cặp đồng tính nam và đồng tính nữ.

Thái Lan đang trên đường trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. ẢNH: AFP
Thái Lan đang trên đường trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới - Ảnh: AFP

Thái Lan đang trên đường trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và Hạ viện tuần trước đã bỏ phiếu ủng hộ một nghiên cứu của một hội đồng cho phép hợp pháp hóa sòng bạc nằm trong các khu giải trí lớn.

Ông Arkhom cho biết, một khi quốc hội thông qua những thay đổi về quy định mang thai hộ, các cặp LGBTQ Thái Lan (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và đồng tính) sẽ có thể tiếp cận các dịch vụ đó nếu dự luật công nhận hôn nhân đồng giới đã trở thành luật.

Tuy nhiên, việc mở rộng quyền tiếp cận tương tự cho người nước ngoài có thể mất một thời gian vì chính quyền sẽ cần điều chỉnh các quy tắc để đảm bảo công bằng cho trẻ sơ sinh. "Việc soạn thảo các quy tắc dành cho các cặp vợ chồng nước ngoài không phải là một công việc dễ dàng vì chúng liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp cũng như luật pháp ở các quốc gia khác mà trẻ sơ sinh sẽ sinh sống sau này. Mục tiêu chính của luật là bảo vệ trẻ sơ sinh" - ông Arkhom nói.

Theo luật hiện hành, chính thức được gọi là Đạo luật Bảo vệ trẻ em sinh ra thông qua công nghệ hỗ trợ sinh sản, người sử dụng dịch vụ mang thai hộ phải là người Thái hoặc ít nhất phải là cha hoặc mẹ đứa trẻ là người Thái.

Thủ tướng Srettha Thavisin đang tập trung vào việc biến Thái Lan thành một trung tâm khu vực về du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe.

Việc bổ sung dịch vụ mang thai hộ vào các dịch vụ y tế như phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật chuyển giới và điều trị sinh sản với giá cả phải chăng có thể giúp thu hút khách du lịch chi tiêu cao và thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ của quốc gia. Nước này cung cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần có thời hạn 1 năm cho những người muốn điều trị y tế.

Chính phủ Thái Lan cũng đang thay đổi luật để mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ sinh sản cho nam nữ thanh niên địa phương muốn có con nhưng chưa có bạn tình vì nước này phải đối mặt với tỉ lệ sinh giảm xuống mức thấp nhất trong 7 thập kỷ.

Theo Bộ Y tế, dân số Thái Lan có thể giảm một nửa xuống còn 33 triệu người trong 60 năm tới nếu không có biện pháp khẩn cấp nào được thực hiện.

Trọng Trí (theo Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI