Thái Lan phê chuẩn thuốc điều trị COVID-19 bào chế trong nước

25/07/2021 - 19:33

PNO - Trước tình hình dịch bệnh và ca nhiễm cũng như tử vong ngày một nhiều, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan (FDA) đã phê chuẩn thuốc Favipiravir, do Tổ chức Dược phẩm Chính phủ (GPO) bào chế trong nước để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ngày càng nhiều.

 

Trong những ngày qua, Thái Lan liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 cao kỷ lục. Trong sáng nay, 25/7  Bộ Y tế Thái Lan thông báo nước này lại ghi nhận 15.335 ca mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số các ca bệnh từ trước tới nay lên 497.302 ca và 129 ca tử vong, nâng người không qua khỏi vì dịch bệnh này lên 4.059 ca.

Tuy nhiên, điều đáng ngại là các nhà khoa học nước này nhận định, những con số cao hơn nữa vẫn còn ở phía trước. Trong 1 vài tuần tới, ca nhiễm mới có xu hướng tăng lên gấp đôi hoặc gấp ba mỗi tuần vì thế, nhu cầu sử dụng thuốc Favipiravir để chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 ở nước này cũng cao. Hiện vào khoảng 300.000 viên mỗi ngày và là thuốc nhập khẩu. Để giúp đáp ứng nhu cầu, GPO đã sản xuất thuốc loại thuốc này và vừa nhận được sự chấp thuận cần thiết của FDA. 

Chuyên gia Nantakarn Suwanpitakkun của GPO cho biết, thuốc Favipiravir sản xuất tại Thái Lan sẽ có giá chỉ bằng một nửa so với giá nhập khẩu nhưng có chất lượng tương đương. Phiên bản Favipiravir sản xuất trong nước dự kiến sẽ được bán theo đơn vào tháng tới.

Favipiravir ban đầu được sản xuất bởi công ty dược phẩm Nhật Bản, Toyama Chemical Co., Ltd. (hiện được gọi là FUJIFILM Toyama Chemical Co., Ltd.) vào năm 1998.  Favipiravir được chế biến dạng viên nén dạng bột có chứa 6-fluoro-3-hydroxy-2-pyrazinecarboxamide, là một loại thuốc dùng để điều trị nhiễm virus bao gồm COVID-19. Favipiravir đã được sử dụng ở nhiều nước để điều trị bệnh nhân COVID-19.  

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế Thái Lan, Favipiravir được sử dụng cho những bệnh nhân có nguy cơ cao với các triệu chứng nhẹ và các ca đã phát triển bệnh viêm phổi, cùng với các loại thuốc khác là Chloroquine, Lopinavir/Ritonavir và Darunavir/Ritonavir.

Thảo Nguyễn (AFP, Bangkok Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI