Thái Lan muốn làm giàu bằng cách biến mít thành thịt heo giả

15/10/2020 - 14:55

PNO - Xuất khẩu thực phẩm từ Thái Lan là một trong số ít lĩnh vực tăng trong thời kỳ đại dịch, trong khi doanh số bán các sản phẩm khác gặp khó khăn.

Các nhà sản xuất thực phẩm Thái Lan đang đặt cược vào việc phát triển xu hướng thịt dựa trên thực vật trong và ngoài nước để mở rộng trong tương lai.

Xuất khẩu thực phẩm từ Thái Lan là một trong số ít lĩnh vực tăng trong thời kỳ đại dịch, trong khi doanh số bán các sản phẩm khác gặp khó khăn do thương mại quốc tế bị gián đoạn. Chính vì thành công này mà chính phủ muốn đưa Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất thực phẩm và thịt làm từ thực vật có thể giúp họ đạt được tham vọng đó.

Kết cấu giống như thịt của nó làm cho cùi mít lý tưởng như một chất thay thế thịt. Ảnh: Shutterstock
Kết cấu giống như thịt của mít rất lý tưởng cho việc chế biến nó như một chất thay thế thịt. Ảnh: Shutterstock

Trong số các công ty Thái Lan đang phát triển có NR Instant Produce, một nhà xuất khẩu thực phẩm bắt đầu sản xuất protein từ thực vật vào năm 2016 với chiến lược biến mít thành thịt heo giả. Công ty đã huy động được khoảng 1,6 tỷ baht (tương đương 51,4 triệu USD) trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong tháng này và cổ phiếu đã tăng gấp đôi trong phiên giao dịch khi ra mắt vào ngày 9/10. Nhà sản xuất đang mở rộng thêm các cơ sở ở Mỹ, Trung Quốc và Thái Lan.

“Sự tập trung của người tiêu dùng vào sức khỏe là một xu hướng lớn ngay bây giờ", Danai Pathomvanich, giám đốc điều hành cho biết tiềm năng tăng trưởng là rất lớn.

Ông cho biết khoảng 7% doanh thu của NR Instant đến từ các sản phẩm có nguồn gốc thực vật và dự kiến ​​đóng góp sẽ tăng lên 30% trong vòng 4 năm.

NR Instant Produce không đơn độc. Nhà sản xuất thịt lớn nhất của Thái Lan do một trong những gia đình giàu có nhất, Charoen Pokphand Foods quản lý, cũng đang xem xét sản xuất thịt thực vật từ protein đậu nành. Một trong những nhà lọc dầu hàng đầu, Bangchak, cũng có kế hoạch đa dạng hóa sang ngành công nghiệp thịt giả.

Thị trường thịt làm từ thực vật dự kiến ​​sẽ có giá trị 27,9 tỷ đô la Mỹ trên toàn cầu vào năm 2025, cao hơn gấp đôi so với giá trị 12,1 tỷ đô la Mỹ năm ngoái, theo báo cáo của MarketsandMarkets.

Bắc Mỹ và châu Âu hiện là những thị trường hàng đầu, nhưng nhu cầu gia tăng từ các nước châu Á - Thái Bình Dương và Nam Mỹ dự kiến ​​sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng, những số liệu báo cáo cho biết.

Đối với Thái Lan, xu hướng này đang bắt đầu phát triển nhanh chóng, được thúc đẩy bởi mạng xã hội. Hàng năm, hàng triệu người Thái -  với đa số theo đạo Phật ngừng ăn các sản phẩm từ động vật trong lễ hội ăn chay chín ngày - bắt đầu từ ngày 17/10 năm nay - và ngày càng có nhiều người không ăn thịt lâu hơn và thường xuyên hơn.

Hàng triệu người Thái ở quốc gia đa số theo đạo Phật ngừng ăn các sản phẩm động vật trong lễ hội ăn chay chín ngày vào tháng 10. Ảnh: EPA
Hàng triệu người Thái - đa số theo đạo Phật ngừng ăn các sản phẩm động vật trong lễ hội ăn chay 9 ngày vào tháng 10. Ảnh: EPA

Đã có một sự gia tăng lớn về sự quan tâm đối với thực phẩm chay và thuần chay ở Thái Lan trong những năm gần đây, theo Trung tâm Tình báo Kinh tế của Ngân hàng Thương mại Siam. Còn theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, tỷ lệ người Thái không ăn thịt đã tăng từ 4% vào năm 2013 lên 12% vào năm 2017.

Mika Apichatsakol, người mới mở một quán ăn thuần chay ở Bangkok năm nay cùng chồng cho biết: “Một trong những chỉ số đáng chú ý nhất về việc Thái Lan áp dụng lối sống dựa trên thực vật là số lượng doanh nhân tìm đến các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật ngày càng nhiều".

Thảo Nguyễn (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI