Thái Lan, Campuchia căng thẳng khi số ca COVID-19 ở cả hai nước tăng mạnh

13/04/2021 - 19:30

PNO - Mối quan hệ giữa Campuchia và Thái Lan đang trở nên bất ổn sau khi số ca nhiễm COVID-19 ở hai quốc gia này tăng đột biến do sự bùng phát của biến thể virus tìm thấy ở Anh.

Trước tình hình ca nhiễm gia tăng, Thái Lan đã đổ lỗi và chỉ trích phương pháp chống dịch của Campuchia. Hiện Campuchia đang ghi nhận làn sóng lây nhiễm thứ ba, bắt đầu từ ngày 20/2 khi hai phụ nữ trẻ Trung Quốc nhiễm COVID-19 vi phạm vùng cách ly và đi tiệc tùng trong các hộp đêm ở Phnôm Pênh.

Yong Poovorawan - nhà virus học cao cấp thuộc khoa y tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) - cho biết, biến thể tìm thấy tại Anh (B117) có thể đã đến Thái Lan bằng đường bộ từ Campuchia, đồng thời ông cũng cho biết thêm rằng trường hợp nhiễm đầu tiên được phát hiện vào ngày 15/2.

Ông Poovorawan nói, biến thể được tìm thấy ở những người Trung Quốc và Ấn Độ nhập cảnh vào Thái Lan từ Campuchia hồi tháng 2.

Tình hình dịch bệnh ở Thái Lan đang chuyển biến xấu, giữa lúc người dân ăn mừng năm mới - lễ Songkran
Tình hình dịch bệnh ở Thái Lan đang chuyển biến xấu giữa lúc người dân ăn mừng năm mới - lễ hội Songkran

Ngay lập tức một tờ báo thân chính phủ tại Phnôm Pênh tuyên bố: “Trong trò chơi đổ lỗi, Thái Lan nghi ngờ Campuchia sau khi tìm thấy biến thể mới lần đầu xuất hiện tại Anh”. Các nhà chức trách Campuchia vừa phát hiện một cụm lây nhiễm, bao gồm biến thể B117, tại các quán rượu quanh một khu du lịch ở Bangkok vào tuần trước.

Thái Lan và Campuchia đã đóng cửa biên giới trên bộ, khu vực ranh giới rất trống trải và việc vượt biên trái phép là vấn đề đau đầu đối với cả hai nước kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây khoảng 14 tháng, với khoảng 90.000 công nhân Campuchia thất nghiệp đang cố gắng trở về nhà từ Thái Lan vào đầu năm 2021.

Các quan chức cũng cảnh báo rằng một làn sóng buôn lậu người do các nhóm tội phạm tại Bangkok điều hành đã xuất hiện. Những tên tội phạm tìm cách bóc lột sức lao động giá rẻ từ những người đang rất cần tiền, hậu quả trực tiếp của tác động kinh tế từ đại dịch.

Tuy Thái Lan đã đóng cửa các nhà hàng, quán bar, làn sóng lây nhiễm có thể tăng nhanh sau dịp lễ hội Songkran
Thái Lan đã đóng cửa các nhà hàng và quán bar, tuy nhiên làn sóng lây nhiễm có thể tăng nhanh sau lễ hội Songkran

Thái Lan và Campuchia từng nhận được nhiều lời khen ngợi về việc xử lý đại dịch COVID-19 trong năm đầu tiên khi các ca nhiễm chỉ ở mức tương đối thấp. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi nhanh chóng. Ở Campuchia, số ca được xác nhận đã tăng lên 4.515 ca với ít nhất 30 ca tử vong (trong khi trước ngày 20/2 chỉ có 484 ca và không có ca tử vong nào).

Cuối tuần qua, Thái Lan đạt kỷ lục với gần 1.000 trường hợp dương tính mới chỉ trong một ngày. Giới chức y tế cảnh báo đợt bùng phát này có thể hoành hành suốt nhiều tháng.

"Nguồn lây nhiễm chính là ở các địa điểm vui chơi giải trí ở Bangkok, và có thể cần thêm nhiều thời gian để kiểm soát, tùy thuộc vào các biện pháp được đưa ra", Kiatiphum Wongrajit, thư ký thường trực về y tế, cho biết trong một tuyên bố. Hiện tại, các địa điểm vui chơi giải trí ở 44 tỉnh thành của Thái Lan đã bị đóng cửa.

Thái Lan, với dân số đông hơn nhiều so với Campuchia, đã ghi nhận 31.658 trường hợp mắc và 97 trường hợp tử vong. Bộ Kiểm soát Dịch bệnh cho biết trong trường hợp xấu nhất, Thái Lan có thể ghi nhận 28.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày, nếu những người bị nhiễm virus không tuân thủ các biện pháp an toàn của chính phủ. 

Các nhà chức trách Campuchia đang biến các trung tâm hội nghị thành bệnh viện dã chiến do lo ngại hệ thống y tế mỏng manh sẽ không thể đối phó với làn sóng lây nhiễm. Chính phủ Thái Lan cũng đang chuẩn bị xây dựng 10 bệnh viện dã chiến.

Công nhân nhà máy dệt may ở Phnôm Pênh xếp hàng chờ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19
Công nhân một nhà máy dệt may ở Phnôm Pênh xếp hàng chờ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19

Bộ Y tế Campuchia cho biết khoảng 1 triệu người Campuchia (trong tổng số 16 triệu dân) đã được chủng ngừa COVID-19, kể từ khi nước này triển khai chương trình tiêm chủng vào ngày 10/2 và chính phủ dự định sẽ tiêm vắc-xin cho 10 triệu công dân.

Trong khi đó, Thái Lan tụt hậu hơn nhiều vì bận chờ đợi một loại vắc-xin sản xuất tại địa phương “bởi người Thái và dành cho người Thái”. Sản phẩm được thử nghiệm cách đây hai tuần và dự kiến ​​sẽ được triển khai vào năm sau.

Hiện Thái Lan mới chỉ tiêm chủng cho 485.987 người (chưa đến 1% trên tổng dân số 70 triệu người). Chính phủ Thái Lan đã hứa sẽ hành động tích cực hơn trong việc tiếp cận các loại vắc-xin do nước ngoài sản xuất.

Linh La (theo UCA News, Yahoo)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI