Tình yêu của Thái Bình và Hoàng Yến khởi nguồn từ múa và gắn kết nhờ múa. Với Bình, chọn theo múa chuyên nghiệp ở tuổi 23 là một bước ngoặt và thử thách. Với Yến, tạm rời giảng đường đại học sau 3 năm để theo múa chuyên nghiệp là một sự lựa chọn can đảm. Giai đoạn gia đình Yến không ủng hộ, chỉ có Bình ở bên, cổ vũ và động viên.
2 trái tim, 1 niềm đam mê
Yến nói, khuyết điểm lớn nhất của cô là yêu múa đến quên bản thân, quên cả những người xung quanh. Bình nói, một ngày không lên sàn tập, dù chỉ là tập nhẹ, Yến như người vô hồn, chẳng còn sức sống, như đứa trẻ bị người ta tước đi món đồ chơi yêu thích. Lần Yến chấn thương đầu gối cũng là lúc cô đang tập vở Cô bé Lọ Lem. Thay vì từ bỏ, cô đã xin thời gian 2 tuần chữa trị để trở lại với vai diễn. Lần sức khỏe giảm sút gần đây nhất, câu đầu tiên Yến hỏi bác sĩ là liệu có còn múa được không.
Bình chọn múa vì khám phá ra được một nguồn năng lượng khác, một thế giới khác hoàn toàn so với thế giới trước kia của anh. Đó không là sự bồng bột của tuổi trẻ hay niềm yêu thích nhất thời mà là một mạch ngầm và Yến là người đã khơi thông.
Bình chọn múa còn là để được ở bên cạnh, đồng hành với Yến và còn là để “tạm dừng” Yến trong một vài khắc nhỏ. Đôi khi, anh bối rối đến bất lực khi nhìn Yến mải miết như con thiêu thân với nghề, nhất là vào những thời điểm sức khỏe của Yến tụt dốc. Bình giận Yến và giận cả chính anh. Nhưng rồi Bình nhận ra, những ngày đầu biết nhau, chính ngọn lửa ấy bên trong Yến đã cuốn lấy anh, truyền sang anh và đưa anh đến bên Yến. Vậy là Bình xốc lại tinh thần, mải miết chăm cho Yến từng miếng ăn, giấc ngủ, ân cần và dịu dàng để Yến biết rằng thế giới của cô bên cạnh múa còn có Bình và con trai.
Chúng tôi luôn cảm thấy đủ
Phóng viên: Tôi từng nghe về biến cố liên tục ập đến với gia đình nhỏ của 2 bạn. 2 bạn có sẵn sàng chia sẻ cách vượt qua tất cả?
Nghệ sĩ ballet Phan Thái Bình: Yến mang thai và sinh con trong giai đoạn đỉnh dịch, cách ly toàn thành phố. Bé Pika sinh non, phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện. COVID-19 căng thẳng, hằng ngày, vợ chồng tôi chỉ được gặp con qua màn hình điện thoại. Để Yến đỡ suy nghĩ, tôi đã lập kênh TikTok múa những điệu vui, đơn giản nhằm an ủi và tiếp thêm năng lượng cho vợ.
Pika về nhà, vẫn còn đỏ hỏn, ấp trong lòng ba mẹ thì tôi nhận được tin ba qua đời trong bệnh viện dã chiến. Như nhiều gia đình có người thân qua đời trong giai đoạn đó, chúng tôi không được gặp ba lần cuối, cũng không được làm đám tang cho ba. Việc làm cha mẹ lần đầu trong hoàn cảnh ngặt nghèo với một đứa trẻ sinh thiếu tháng, cần rất nhiều sự chăm sóc đã lấy đi của chúng tôi không ít sức lực. Tin ba qua đời giáng thêm một cú khiến tôi gần như ngã quỵ. Đó là lần đầu tiên Yến chứng kiến tôi suy sụp và bật khóc. Trong không khí đặc quánh bi thương ấy, không ai còn sức lực để làm gì, chính Yến đã tự níu mình đứng dậy và cho tôi điểm tựa. Pika gần 2 tuổi, ông mất cũng gần 2 năm nhưng mọi chuyện cứ như mới xảy ra hôm qua. Mất mát đột ngột ấy khó lòng chấp nhận.
Nhưng, tôi đã tự an ủi mình, trong cái rủi vẫn có niềm hy vọng. Mọi sự như thể được an bài một cách bí ẩn nào đó. Có lẽ đã có sự sắp đặt để Pika ra đời sớm và được gặp ông, dù ông chỉ được xem hình cháu qua điện thoại khi cháu còn trong lồng ấp của bệnh viện.
Nghệ sĩ ballet Trần Hoàng Yến: Giai đoạn đó, em tôi cũng sinh con. Chính nhờ sự ra đời của 2 đứa trẻ mà cả gia đình tìm thấy niềm hy vọng lẫn sự khuây khỏa trong bận rộn để tiếp tục bước về phía trước.
Pika là món quà, là niềm an ủi. Chỉ cần nhìn thấy con, chỉ cần con nhoẻn miệng cười, mọi âu lo, muộn phiền sẽ vơi hết.
* Vì một vai diễn, tập luyện ròng rã suốt mấy tháng trời cho vở diễn 2, 3 đêm trong khi thù lao chẳng nhiều nhặn gì, chị thấy như vậy có đáng?
Hoàng Yến: Thoạt đầu, khi tôi muốn nhận vai diễn Kiều trong vở ballet Kiều, các anh chị trong đoàn không tán thành vì lo cho sức khỏe của tôi. Nhưng rồi khi nhìn thấy khao khát của tôi với nghề, mọi người đành gật đầu. Trong bất cứ ngành nghề nào, đặc biệt là nghệ thuật, tôi nghĩ ai cũng muốn có một vai diễn ghi đậm dấu ấn, một vở diễn mà ở đó mình có thể thăng hoa với nghề. Ballet không giống như phim ảnh hay âm nhạc, từ một vai diễn, một bài hát ấn tượng giúp nghệ sĩ đắt show hơn hoặc tạo cú hích mạnh về nghề nghiệp hay gia tăng về kinh tế; những gì vở diễn mang lại không thể tính được bằng tiền, không thể đo đếm theo cách trả bao nhiêu đó thù lao thì có xứng với những gì mình bỏ ra hay không.
Mỗi khi vở diễn kết thúc, rời sân khấu, tôi vẫn thấy khán giả đứng đó chờ mình, cảm ơn mình vì đã mang đến cho họ một nguồn năng lượng mới. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Rồi cũng từ những vai diễn này, mọi người biết đến ballet nhiều hơn, rủ nhau đi xem nhiều hơn. So với thời điểm tôi mới vào nghề, lượng khán giả chuộng ballet nhiều lên, đó là điều đáng mừng. Và khi chúng tôi biểu diễn bên ngoài nhà hát, người xem dành cho chúng tôi sự tôn trọng nhất định, bày tỏ họ muốn xem những màn biểu diễn nghệ thuật thực thụ. Giá trị đó khó có điều kiện vật chất nào đổi được.
Gia đình nhìn tay chân tôi bầm dập, cơ thể tôi chấn thương thì xót lắm. Vậy nhưng may mắn là hiện tại tôi được cả gia đình mình, gia đình chồng và chồng luôn ủng hộ, đồng hành. Mẹ tôi luôn đi xem và góp ý mọi vở của tôi.
|
Bình chọn múa còn là để được ở bên cạnh, đồng hành với Yến |
* Dẫu sao thì “có thực mới vực được đạo”?
Hoàng Yến: Giàu có thì không nhưng chúng tôi luôn cảm thấy đủ. Chúng tôi vẫn sống được với nghề, vẫn có thể chăm lo cho gia đình và mua được những gì mình thích. Tất nhiên chúng tôi vẫn phải làm thêm nhưng cũng liên quan đến múa. Trước đây, nhiều bên mời biểu diễn, chúng tôi khá dè dặt vì e ngại chi phối đến các vai diễn hoặc đánh mất mình. Sau này, cách nhìn của chúng tôi cởi mở hơn. Hóa ra, mình vẫn có thể biến tấu, kết hợp giữa những điều người ta muốn với phong cách của mình và mang đến những tác phẩm đương đại hơn, gần gũi hơn.
* Chị yêu múa đến quên bản thân, quên cả những người xung quanh. Có thời điểm nào nghĩ đến gia đình nhỏ hoặc nghĩ đến những chấn thương đang gặp phải, chị tự hỏi mình làm tất cả điều này vì điều gì?
Hoàng Yến: Ở những thời điểm kiệt quệ về tinh thần, tôi không ít lần chạnh lòng và tự hỏi, sau này nếu mình không múa được nữa thì sẽ ra sao. Điều mình lưu lại được cũng chỉ là những kỷ niệm với vai diễn. Mình chẳng còn gì nữa cả. Đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị mang thai, tôi luôn cảm thấy tương lai mông lung. Khi sinh xong, cơ thể người mẹ biến đổi rất nhiều, nếu mình không thể múa được nữa thì sao? Ballet đòi hỏi rất nghiêm ngặt về hình thể và thể lực. Để trở lại đỉnh cao của bản thân về sức khỏe, thể lực, chuyên môn sau chấn thương hay sinh nở là rất khó. Nếu mình không múa được nữa thì mình làm gì để nuôi con? Đầu óc tôi cứ lởn vởn những suy nghĩ như thế.
May mắn là từ khi có con, niềm vui được nhân lên và tôi có động lực để trở lại với nghề. Khi trở lại với múa, tôi không còn suy nghĩ lung tung, chỉ tập trung vào múa.
* Chị yêu điều gì nhất ở chồng?
Hoàng Yến: Chồng tôi rất hiền và dù nhỏ hơn tôi 1 tuổi nhưng lúc nào anh cũng chu đáo, luôn nghĩ và quan tâm đến người khác. Anh rất thương gia đình, từ hồi chúng tôi yêu nhau đến khi kết hôn. Giữa chúng tôi không có sự phân biệt gia đình bên nội hay bên ngoại. Chỉ cần đi đâu gặp 1 món đồ mà biết là trong gia đình có người cần dùng, gặp món ăn ngon mà thành viên nào yêu thích là chúng tôi sẽ mua về.
Chồng cũng là người kéo tôi ra khỏi những lần chìm đắm trong múa, từ tốn và nhẫn nại. Nếu không cùng nghề, có lẽ anh sẽ không thể chăm sóc và thông cảm cho tôi như vậy. Anh không bắt tôi từ bỏ múa nhưng luôn ở bên cạnh để nhắc nhở, quan tâm sức khỏe của tôi. Những thời điểm tôi xuống tinh thần, gặp nhiều áp lực trong nghề, chính anh nhắc tôi lý do mình đã bắt đầu. Chắc là đã rất nhiều lần anh buồn khi thấy tôi không biết tự chăm sóc bản thân. Anh cũng hiếm khi nói những lời ngọt ngào với tôi, thậm chí nhiều lúc rất cứng rắn. Tuy nhiên, lúc nào anh cũng nghĩ cho tôi, ủng hộ tôi, lo lắng cho tôi. Tôi có được hôm nay là nhờ anh.
Gia đình là món quà thiêng liêng
* Gắn bó với một người yêu múa hơn bất cứ thứ gì, thậm chí quên luôn cả bản thân và gia đình, anh có thấy chạnh lòng?
Thái Bình: Yến yêu múa đến mê muội. Đã rất nhiều lần, tôi giận Yến và giận cả bản thân, nhất là giai đoạn Yến không khỏe. Tôi không biết làm cách nào để kéo Yến ra. Tôi sợ Yến không trụ được. Tôi sợ phải xa Yến, con thì còn quá nhỏ. Nhiều lúc tôi thấy mình bất lực và xa xót tự trách. Tại sao lại là Yến? Tại sao lại là chúng tôi?
Ngày nào không lên sàn tập thì Yến như một người nào khác, không có sinh khí. Tôi biết Yến không thể nào rời múa. Nó như là hơi thở của Yến. Cho nên tôi chọn ở bên Yến, nhắc nhở Yến chăm sóc bản thân nhiều hơn.
* Anh có chia sẻ với chị nỗi lo lắng của anh?
Thái Bình: Không. Tôi không muốn Yến và gia đình phải lo lắng. Cho nên, tôi thường cất những nỗi lo vào bên trong và chọn cách sống lạc quan, tích cực. Khi lan tỏa những điều tích cực, niềm vui và năng lượng tích cực cũng sẽ đến với mình.
Trong một cuộc trò chuyện cách đây không lâu, biên đạo múa Tuyết Minh - người dựng vở ballet Kiều đang gây tiếng vang - cho biết vở đang được chuyển giao cho lứa nghệ sĩ trẻ hơn để rèn nghề, riêng vai Kiều do Hoàng Yến đảm nhận vẫn chưa tìm được người thay. Phần vì vai diễn nặng ký, cần thời gian tập luyện khá lâu, phần vì sự thành công và tỏa sáng của Yến cũng vô tình tạo áp lực cho diễn viên sau. Yến từng tạm gác kế hoạch sinh con; tập trung cho vai diễn này trong khoảng thời gian căng thẳng khi COVID-19 bùng phát. |
* Nhưng lo lắng mãi cho một người, nhắc nhở mãi chuyện chăm sóc bản thân, hẳn cũng mệt mỏi? Anh có bao giờ nghĩ nếu dành năng lượng đó để tập trung cho sự nghiệp thì mọi thứ đã phát triển hơn?
Thái Bình: Tôi vẫn có thời gian cho công việc và những sở thích của mình như chụp ảnh. Tôi chọn múa vì muốn khám phá, thử sức bản thân và cũng là để được ở bên cạnh Yến. Lần đầu gặp Yến, tôi bị thu hút bởi cách Yến tỏa sáng trên sân khấu. Sau bao nhiêu năm, ấn tượng đó vẫn vẹn nguyên. Tôi yêu Yến như những gì Yến vốn có. Gia đình là món quà thiêng liêng. Phải có duyên lắm mới gặp được và gắn bó với nhau. Yến cũng trở thành điểm tựa cho tôi trong những giai đoạn tôi suy sụp tinh thần.
|
Tình yêu của Thái Bình và Hoàng Yến khởi nguồn từ múa và gắn kết nhờ múa |
* Việc giấu đi những nỗi lo có làm tăng khoảng cách giữa anh chị?
Hoàng Yến: Trước đây, chúng tôi thường tranh luận với nhau vì cái tôi người nào cũng lớn nhưng mọi tranh luận đều dừng trong công việc. Nhiều đồng nghiệp khuyên tôi dù sao anh ấy cũng là chồng, tôi nên nhẹ nhàng hơn, tiết chế lại một chút. Tôi nghĩ rằng tranh luận để cùng tiến bộ như giữa đồng nghiệp với nhau là điều nên. Tính tôi nói xong, nói hết thì thôi. Bình thì trầm tính nên thường im lặng. Rời khỏi sàn tập, những cãi vã ấy cũng không còn.
Từ lúc có bé Pika, chúng tôi không cãi nhau nhiều. Tuy nhiên, có những khoảng thời gian, trước áp lực về nhiều thứ, chúng tôi ít nói chuyện với nhau. Lâu dần thành quen nhưng cả hai đều hiểu và lo lắng cho đối phương. Tôi cũng học cách sống tích cực hơn, lành mạnh hơn và biết tự chăm sóc mình hơn. Nếu như trước đây, tôi lao theo múa một cách bạt mạng thì hiện tại, gia đình là quan trọng nhất. Tất nhiên múa vẫn quan trọng nhưng nay tôi biết dành thời gian cho gia đình hơn. Nếu không có gia đình ủng hộ, động viên, chúng tôi đã không thể vẫy vùng với ước mơ và đam mê.
|
Bé Pika là món quà, là niềm an ủi cho cha mẹ sau những sóng gió |
* Và hy vọng của anh chị dành cho nghề múa là gì?
Hoàng Yến: Tôi hy vọng có thêm nhiều cơ hội đảm nhận những vai đáng nhớ như Kiều. Tôi cũng mong mỏi khán giả muốn biết và biết đến múa nhiều hơn.
Thái Bình: Vợ chồng tôi cố gắng cân bằng giữa công việc ở nhà hát và các lời mời biểu diễn bên ngoài để múa có thể tiếp cận đến nhiều người hơn và bản thân chúng tôi có thể học hỏi thêm những điều mới mẻ. Chúng tôi cũng đẩy mạnh xây dựng hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội với hy vọng lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người và cũng để múa được nhiều người biết đến hơn.
* Cảm ơn anh chị đã chia sẻ.
Thư Hiên (thực hiện)
Ảnh: nhân vật cung cấp