Thách thức và thích ứng với El Nino

05/07/2023 - 05:57

PNO - Hiện tượng El Nino thường xảy ra trong 2 năm, có thể kéo dài 3 năm. Do đó, phải dự tính chu kỳ, kế hoạch chỉ đạo, ứng phó dài hơi.

Có thể coi El Nino là 1 trong 2 mặt của hiện tượng ENSO (El Nino: khô hạn, La Nina: lũ lụt) mang tính chu kỳ nên có thể dự báo, dự tính được khá chính xác. Ở Việt Nam nói chung, miền Trung, Tây Nguyên nói riêng, hầu như hạn hán nặng năm nào cũng đều có liên quan đến El Nino ở các mức độ khác nhau.

Nhiều ruộng lúa ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An bạc trắng, nứt toác do thiếu nước Ảnh: Phan Ngọc
Nhiều ruộng lúa ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An bạc trắng, nứt toác do thiếu nước - Ảnh: Phan Ngọc

El Nino xuất hiện sẽ gây ra nắng nóng nhiều nơi trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Ở Đông Nam Á, mức độ nắng nóng và thời gian kéo dài hay ngắn phục thuộc vào cường độ và thời gian hoạt động của El Nino. Cường độ của El Nino là độ gia tăng nhiệt độ nước biển nam Thái Bình Dương quanh vùng gần xích đạo so với bình thường, thời gian kéo dài 5-7 tháng, thậm chí nhiều năm. 

Sự gia tăng nhiệt độ nước biển càng lớn và thời gian hoạt động của El Nino càng kéo dài thì nắng nóng ở khu vực Đông Nam Á càng gay gắt, nhất là khi El Nino xuất hiện trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu. Nắng nóng luôn gắn liền với ít mưa, làm cho lượng nước mặt và ngầm của các hệ thống sông ngòi giảm sút nhiều, thậm chí là nghiêm trọng, dẫn đến hạn hán gia tăng và có lúc, có nơi ở mức nguy hiểm cho các hệ sinh thái.

Ở Việt Nam, khi không có El Nino hoạt động thì khu vực miền Trung và Tây Nguyên là trung tâm nắng nóng của cả nước, còn khi có El Nino thì lại càng nắng nóng hơn nhiều. Hệ thống sông ngòi ở miền Trung và Tây Nguyên có diện tích lưu vực nhỏ, độ dài lưu vực ngắn, độ dốc lưu vực lớn, dẫn đến khả năng tích trữ nước, duy trì dòng chảy mặt và ngầm thấp nên gặp năm có El Nino hoạt động mạnh và kéo dài thì 2 khu vực này hứng chịu nắng nóng và hạn hán rất gay gắt và nặng nề. 

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện tượng El Nino đã chính thức xuất hiện. Hiện tượng El Nino thường xảy ra trong 2 năm, có thể kéo dài 3 năm. Do đó, phải dự tính chu kỳ, kế hoạch chỉ đạo, ứng phó dài hơi. Hiện đã vào mùa mưa nên năm nay, nếu có hạn thì ở mức độ vừa, còn năm tới là năm hạn khốc liệt, đặc biệt ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Theo báo cáo của Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nguồn nước trữ tại các hồ chứa ở Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đạt khoảng 40 - 50% dung tích thiết kế, Trung Bộ khoảng 50 - 70%. Lượng nước trong các hồ thủy điện thường xuyên bổ sung nước cho hạ du như Bản Vẽ 38% (thấp hơn 14% so với trung bình nhiều năm), A Vương 44% (thấp hơn 18%)… Năm 2024 vẫn là năm hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn khốc liệt. Do đó, cần đưa ra kế hoạch ứng phó dài hơi ngay từ bây giờ. 

Trong ngắn hạn, vụ mùa tới, cần cân đối lại từng nguồn nước đến tiểu vùng xem những vùng nào bị hạn để có kế hoạch ứng phó sát sao. Về lâu dài, cần xây dựng khung, kịch bản theo nhiều mức độ để chỉ đạo, điều hành hằng năm, sẵn sàng các giải pháp để ứng phó và lập thêm các điểm quan trắc, đánh giá để đưa ra dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam thường xuyên đo độ mặn để kịp thời có phương án ứng phó tình trạng xâm nhập mặn - ẢNH: NGUYỄN DƯƠNG
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam thường xuyên đo độ mặn để kịp thời có phương án ứng phó tình trạng xâm nhập mặn - Ảnh: Nguyễn Dương

Hiện tượng El Nino được dự báo sẽ kéo dài trong 2 năm nên vụ đông xuân 2024-2025 có thể sẽ có đợt hạn rất nặng. Do đó, cần phải xây dựng kế hoạch theo tháng, theo quý ngay từ bây giờ, đồng thời có đánh giá khu vực nào chịu ảnh hưởng nặng nhất, khả năng cấp nước sản xuất. Phải xác định các vùng trọng điểm bị hạn và dự báo nguồn nước từ nay đến năm 2025, thậm chí 2026, để chủ động có các giải pháp.

Theo tôi, cần triển khai các giải pháp cụ thể sau đây để thích ứng với El Nino:

Sử dụng tối đa các hồ chứa để trữ nước trong mùa mưa lũ và vận hành cấp nước tiết kiệm. Lựa chọn cây trồng dùng ít nước trong mùa khô, lên lịch mùa vụ hợp lý, sử dụng nước đa mục tiêu (phát điện + tưới + môi trường…). 

Kết hợp sử dụng nước mặt và nước ngầm, bổ trợ nước ngầm trong mùa mưa. Dự báo dòng chảy đến mùa khô, ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, vận hành hồ chứa, công trình thủy lợi, phân phối cấp nước…

Thông báo, cảnh báo tới các hộ dùng nước và người dân để phối hợp dùng nước tiết kiệm. Mục đích cuối cùng là giảm tối đa các thiệt hại do hạn hán. Muốn vậy, phải tổng hợp các giải pháp trên cơ sở điều kiện cụ thể của từng vùng.

Tiến sĩ Tô Văn Trường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI