Năm 2020 có nhiều biến động khó lường, nhưng Việt Nam đã kiểm soát được COVID-19 một cách khá ấn tượng. Sau hai tháng trì hoãn do đại dịch, Thủ tướng Việt Nam cũng đã chủ tọa Hội nghị cấp cao ASEAN 36 họp trực tuyến (26/6). Dư luận đánh giá cao tuyên bố cứng rắn của Chủ tịch ASEAN về tranh chấp ở Biển Đông phản ánh đoàn kết cao hơn của ASEAN cũng như vai trò lớn hơn của Việt Nam khi làm Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Lập trường ASEAN cứng rắn hơn
Dư luận đánh giá cao tuyên bố của Chủ tịch ASEAN năm 2020, “đã khẳng định nguyên tắc UNCLOS 1982 là cơ sở duy nhất để phán quyết về quyền lợi hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích chính đáng tại các vùng biển”. (ASEAN finally pushes back on China's sea claims, Richard Javad Heydarian, Asia Times, 30/6/2020).
Lần đầu tiên, tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN làm rõ lập trường cứng rắn hơn về tranh chấp ở Biển Đông. Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cam kết đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN và sự gắn bó chiến lược. Tuyên bố cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho đàm phán về COC, hoan nghênh các biện pháp làm giảm căng thẳng và tránh sự cố rủi ro, hiểu lầm hay tính toán nhầm.
Tuyên bố của ASEAN phê phán cơ sở của Trung Quốc đòi chủ quyền ở Biển Đông. Lập trường cứng rắn hơn của ASEAN là do Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN đã vận động các nước khu vực đoàn kết để giải quyết tranh chấp. Đại dịch đã cản trở họp cấp cao ASEAN theo cách truyền thống để các nhà lãnh đạo ASEAN có thể kết nối trực tiếp. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 36, Thủ tướng Việt Nam đã gián tiếp chỉ trích “những hành động vô trách nhiệm vi phạm luật quốc tế”. Trung Quốc và Mỹ đã tập trận quy mô lớn tại Biển Đông vào đầu tháng 7/2020, xô đẩy tranh chấp khu vực tại Biển Đông tiến gần hơn tới xung đột giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.
Phản ứng của Mỹ mạnh hơn
Chính quyền Trump đã hoan nghênh tuyên bố của ASEAN. Ngày 29/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết: “Mỹ hoan nghênh các nhà lãnh đạo ASEAN đòi tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết theo luật quốc tế, trong đó có UNCLOS. Trung Quốc không được phép coi Biển Đông như vương quốc riêng của họ. Chúng tôi sẽ lên tiếng mạnh hơn về vấn đề này”.
Tuyên bố cứng rắn của Mike Pompeo trùng hợp với việc Mỹ điều động nhóm tác chiến gồm ba tàu sân bay là USS Ronald Reagan, USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt tới Tây Thái Bình Dương (tháng 6/2020). Theo Wall Street Journal (ngày 4/7), hai tàu USS Ronald Reagan và USS Nimitz được 4 chiến hạm hộ tống, bắt đầu tập trận lớn tại Biển Đông vào ngày độc lập của Mỹ (4/7), sau khi đã tập trận tại vùng biển Philippines (28/6). Những hành động nói trên tiếp nối các hoạt động của hải quân Mỹ vào tháng 4/2020 để hỗ trợ cho Malaysia thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, nhằm đối phó với hoạt động quấy rối và bắt nạt của Trung Quốc.
Trong khi COVID-19 đang gây tổn thất cho nhiều nước, Trung Quốc không giảm bớt hành động bắt nạt của họ ở Biển Đông. Từ ngày 1-5/7, Hải quân Trung Quốc tập trận tại vùng biển Hoàng Sa, làm gia tăng đối đầu Mỹ - Trung ở khu vực, trước tin đồn dai dẳng là Trung Quốc có thể tuyên bố lập khu nhận diện phòng không (ADIZ) tại Biển Đông.
Trong cuộc tập trận hợp đồng tác chiến đó, Trung Quốc đã sử dụng các tàu chiến thế hệ mới (như tàu tuần dương có tên lửa điều khiển “Type 052D” và khinh hạm có tên lửa điều khiển “Type 054A”) và tên lửa mới diệt tàu sân bay “DF-21D và DF-26” có thể nhắm vào các tàu sân bay của Mỹ.
Theo các nhà phân tích, lần đầu tiên trong sáu năm qua, Mỹ điều nhóm tác chiến gồm ba tàu sân bay đến khu vực để đối phó khi Trung Quốc hành động cứng rắn bắt nạt các nước ở Biển Đông, đẩy họ xích lại gần Mỹ và từ bỏ chiến lược phòng ngừa. Diễn biến đó làm tăng rủi ro vì tính toán nhầm và biến Biển Đông thành vùng nguy hiểm nhất.
Thách thức và cơ hội mới
2020 là một năm đầy biến động, các nước ASEAN phải đối phó với đại dịch, đứng trước các thách thức và cơ hội to lớn tại một bước ngoặt lịch sử. Một là hành động bắt nạt của Trung Quốc tại Biển Đông tăng lên. Hai là hệ quả kinh tế của đại dịch COVID-19 rất lớn và khó lường. Ba là một số nước ASEAN bị Trung Quốc phân hóa và thao túng.
Đại dịch COVID-19 làm thế giới thay đổi quá nhiều, vượt qua các khái niệm thông thường. “Sự gắn kết và chủ động thích ứng” của ASEAN hay “Bản sắc và vai trò trung tâm” của ASEAN đòi hỏi phải đổi mới tư duy và thể chế, nếu không muốn bị mắc kẹt và trở thành “vịt què” bởi nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp vào nội bộ nước khác. Nhưng nếu Việt Nam biết tranh thủ cơ hội mới thì vẫn có thể “biến nguy thành cơ”.
Toàn cầu hóa làm thay đổi thế giới trong mấy thập niên qua, nhưng gần đây đã bị suy yếu và phải nhường bước cho chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lập đang trỗi dậy ở Mỹ và các nơi khác trên thế giới. Thay vì giúp thế giới đối phó với đại dịch COVID-19 thì toàn cầu hóa đã làm cho đại dịch lan nhanh hơn và rộng hơn. Tuy toàn cầu hóa chưa chết hẳn nhưng muốn giúp nó tồn tại trước thách thức mới, cộng đồng thế giới phải tìm cách khác.
Nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp của ASEAN theo thuyết ZOPFAN đã được “năm nước ASEAN” khởi xướng từ năm 1967. Khi được mở rộng thành “mười nước ASEAN” từ năm 1997, ASEAN tuy “càng đông càng vui” trong thập niên đầu, nhưng trong thập niên tiếp theo khi Trung Quốc trỗi dậy và muốn biến Biển Đông thành cái ao nhà của họ thì ASEAN bắt đầu bị Trung Quốc phân hóa và thao túng, làm an ninh khu vực bất ổn.
Ngày 11/2, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã tuyên bố Hiệp định VFA (Visiting Forces Agreement) giữa Manila và Washington (ký năm 1998) sẽ chấm dứt sau 180 ngày. Theo Carl Thayer, đây là dấu hiệu phản ứng của Tổng thống Duterte tức giận vì Mỹ đã từ chối cấp visa cho bạn ông là Thượng nghị sĩ Ronald Muff Dela Rosa.
Nhưng ngày 4/6, Ngoại trưởng Teodoro Locsin bỗng thông báo đảo ngược quyết định gây tranh cãi nói trên, chờ quyết định cuối cùng sau 180 ngày. Carl Thayer nói với BBC (4/6), tuy bốn năm qua Duterte ngả theo Trung Quốc, nhưng nay thất vọng vì Trung Quốc viện trợ kinh tế quá ít nhưng bắt nạt quá nhiều. Trong khi đó, Washington tăng cường vận động sau hậu trường để cải thiện hợp tác với Manila, gồm thương vụ mua vũ khí 2 tỷ USD. \
Thay lời kết
Kinh tế Mỹ lớn hơn kinh tế Trung Quốc 50% và GDP bình quân đầu người của Mỹ gấp 6 lần Trung Quốc. Các chuyên gia lập luận rằng: “Nếu Mỹ không thể tồn tại như một siêu cường toàn cầu, thì làm sao Trung Quốc có thể trở thành một siêu cường như vậy?”. Tuy họ chỉ trích BRI (Sáng kiến Vành đai và Con đường - Belt and Road Initiative) và nhấn mạnh các nước nhận viện trợ của Trung Quốc có thể sa vào bẫy nợ, nhưng họ quên rằng Trung Quốc cũng mắc nợ rất lớn vì BRI. Các chuyên gia của CSIS (Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế - Center for Strategic and International Studies) dự đoán rằng ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ giảm mạnh vào năm 2020.
Theo một chuyên gia phân tích của CFR, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hệ lụy của đại dịch COVID-19, và tăng cường cạnh tranh quân sự làm gia tăng rủi ro xung đột Mỹ - Trung tại Biển Đông. Nhưng Mỹ có thể ngăn chặn hay làm giảm thiểu xung đột quân sự tại Biển Đông bằng cách kết hợp sáng kiến ngoại giao với thế răn đe quân sự mạnh hơn.
Nguyễn Quang Dy