Thách thức từ “trường học số”

25/11/2023 - 06:09

PNO - Nguồn thông tin đa dạng và luôn sẵn sàng cung cấp của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo cho học sinh nhiều cơ hội học tập mới lạ, hấp dẫn. Nhưng đồng thời, nó cũng có thể biến học sinh thành “người thụ động” nếu không được định hướng rõ ràng.

 

Một tiết học tiếng Anh của học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng, quận Gò Vấp - ngôi trường đã có nhiều ứng dụng chuyển đổi số
Một tiết học tiếng Anh của học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng, quận Gò Vấp - ngôi trường đã có nhiều ứng dụng chuyển đổi số

Các chuyên gia cho rằng, khoảng 2 năm tới đây, có đến 6,5 triệu đầu việc đòi hỏi người thực hiện phải có năng lực số. Nếu chưa hình thành năng lực này và tham gia công cuộc chuyển đổi số của thế giới, học sinh sẽ trở nên lạc hậu. Do đó, ngành giáo dục TPHCM đã đặt ra nhiệm vụ trước mắt đến năm 2025 phải xây dựng thành công 50 trường học số.

Nhanh chóng thích nghi thời cuộc

Vừa qua, Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức quyết định thí điểm xây dựng “Trường học số Google” tại Trường tiểu học Linh Chiểu, Trường THCS Hoa Lư và Trường THCS Trần Quốc Toản 1. Các trường học khác trên địa bàn cũng được yêu cầu vận động theo. 

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng GD-ĐT - thông tin, mô hình này cho phép tất cả hoạt động quản lý, dạy học liên quan trong nhà trường đều được ứng dụng công nghệ số, bằng những ứng dụng có sẵn và miễn phí. Qua đó, tạo không gian số để giáo viên và học sinh tương tác an toàn, bảo mật. Việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) cũng sẽ hỗ trợ các hoạt động dạy và học hiệu quả hơn. Với chương trình hỗ trợ tập huấn của Google, năng lực số của giáo viên, nhân viên các trường học sẽ được nâng cao. Từ đó hình thành đội ngũ nòng cốt để tiếp tục lan tỏa kinh nghiệm dạy học, tự đào tạo lẫn nhau. 

Tại Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp), ông Dương Hữu Đức - Hiệu trưởng nhà trường - cũng cho biết, nhà trường đã thực hiện chuyển đổi số theo yêu cầu của Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp từ vài năm trước. Trong đó, có những công việc tiêu biểu như chuyển rất nhiều báo cáo giấy thành báo cáo online; sử dụng các phần mềm trực tuyến quản lý điểm, tài chính, tài sản, chuyển trường, số liệu nhà trường, học bạ điện tử; dùng dữ liệu số để lưu trữ; dạy học trực tuyến… “Chuyển đổi số không chỉ hỗ trợ nhà trường mà còn giúp học sinh tiếp cận cách học mới, sử dụng công nghệ tốt. Đặc biệt, các em có thể mạnh dạn khai thác tài nguyên trên ứng dụng K12 Online, trên Google…” - ông Dương Hữu Đức nói.

Sở GD-ĐT TPHCM nhận định, việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ AI mang đến cho ngành giáo dục nhiều lợi ích. Cụ thể là mở rộng không gian lớp học liên trường, liên quốc gia; định hướng nghề nghiệp chính xác hơn trên cơ sở ghi nhận các hoạt động, tương tác trên môi trường số, hành vi truy cập, sở thích của học sinh; xây dựng nguồn dữ liệu tương đối đầy đủ của mỗi học sinh để việc dạy học hiệu quả và an toàn. 

“Công nghệ hiện đại giúp cho con người tiếp cận khối lượng tri thức khổng lồ, nhất là khi AI ngày càng phổ biến trong môi trường giáo dục và được dự báo sẽ thay thế 80% công việc của con người. Vì vậy, giáo dục cần giúp cho học sinh phát triển được khả năng làm chủ công nghệ, sử dụng công nghệ một cách đúng đắn để phát huy những năng lực cá nhân khi tham gia vào xã hội số” - ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - nhấn mạnh.

Cần định hướng rõ ràng cho học sinh

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bảo Quốc cũng cho rằng, chuyển đổi số trong giáo dục cần được xem là một chiến lược dài hạn với những cải cách quyết liệt, triệt để. Trong đó, công nghệ không phải yếu tố quan trọng nhất mà chính sự quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo cơ sở giáo dục; tư duy, nhận thức tiến bộ và sẵn sàng thay đổi của đội ngũ viên chức trong nhà trường; sự phối hợp và đồng thuận của cha mẹ học sinh mới là điều đưa đến thành công.

Tán thành quan điểm trên, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên cũng cho rằng, khó khăn đầu tiên trong việc triển khai hoạt động xây dựng trường học số là tình trạng các trường không hiểu tại sao lại có và phải triển khai mô hình này. Phòng GD-ĐT đã làm công tác định hướng, tổ chức hội thảo để giáo viên và người quản lý hiểu rõ vấn đề. Cơ sở vật chất cũng là một phần khó khăn, nhưng vì TP Thủ Đức sẽ nhận được gói đầu tư máy tính nên sẽ sớm ổn định. Còn những khó khăn liên quan đến kỹ thuật hoặc các vấn đề khác, phòng sẽ liên tục tổ chức hội thảo để tháo gỡ, đi vào những ứng dụng thực tế để giáo viên có thể nắm rõ và làm việc nhanh hơn. 

Việc ứng dụng công nghệ AI cũng tồn tại nhiều quan điểm trái chiều. Trong đó, công tác định hướng, dẫn dắt để học sinh không lệ thuộc vào AI là nội dung rất quan trọng. “Giáo viên phải là người định hướng cho học sinh rằng đây là công cụ hỗ trợ chứ không thể thay thế con người. Đơn giản như việc ChatGPT có thể viết bài cho học sinh nhưng yêu cầu của giáo viên thì mỗi ngày mỗi  khác, khi chấm bài sẽ biết ngay là ai làm. Dạy học theo kiểu mới bắt buộc giáo viên và học sinh đều phải hết sức sáng tạo vì mọi thứ đã có hết rồi” - ông Nguyên chia sẻ. 

Chuyên gia Lê Anh Tiến - CEO Công ty cổ phần Công nghệ Chatbot Việt Nam - cũng cho rằng, tích hợp chuyển đổi số và sử dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, lượng thông tin lớn và khó kiểm soát từ AI có thể trở thành một thách thức cho giáo viên khi buộc họ phải cố gắng định hình thông tin cho học sinh. Do vậy, giáo viên cần xác định mục tiêu học tập cụ thể cho lớp học, sau đó sử dụng công cụ lọc và tổng hợp, phân loại thông tin trước khi cung cấp cho học sinh. 

Đồng thời, thầy cô cũng cần khuyến khích sự phản hồi từ học sinh để biết cách các em muốn nhận thông tin; tạo điều kiện để các em phân tích thông tin và đưa ra quyết định dựa trên đánh giá cá nhân. Điều này sẽ đảm bảo rằng AI chỉ là công cụ hỗ trợ, chứ không thể thay thế quá trình học tập tự nhiên của học sinh. 

Trang Thư

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI