Thách thức nào cho TPHCM trong năm học 2022-2023?

03/09/2022 - 14:37

PNO - Năm học 2022-2023, TPHCM đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi ngành giáo dục tiếp tục có nhiều giải pháp, phát huy sự năng động, sáng tạo, vì học sinh…

Áp lực học sinh tỷ lệ nghịch với cơ sở vật chất

Thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM cho thấy, mỗi năm thành phố tăng khoảng 20-30 ngàn học sinh, tăng nhiều nhất ở bậc tiểu học, THCS và tập trung ở các quận, huyện như Q.12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, TP.Thủ Đức và huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… do đây là những khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, mật độ dân số cao, dân nhập cư đông.

Trong khi đó, về cơ sở vật chất, trường lớp tại TPHCM giai đoạn 2017-2022,  thành phố chỉ tăng thêm 288 trường, tăng chủ yếu ở mầm non, tiểu học. Tính đến nay, so với chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, thành phố ước đạt 294 phòng.

Áp lực học sinh tỷ lệ nghịch với cơ sở vật chất trường lớp là thách thức lớn của TPHCM thực hiện nhiệm vụ năm học
Áp lực học sinh tỷ lệ nghịch với cơ sở vật chất trường lớp là thách thức lớn của TPHCM thực hiện nhiệm vụ năm học

Tuy nhiên, số trường lớp xây mới chưa theo kịp với áp lực tăng dân số cơ học cao tại TPHCM. Số học sinh mỗi năm mỗi tăng khiến sĩ số học sinh/lớp còn đông, nhất là ở cấp tiểu học. Đến thời điểm năm học 2021-2022, sĩ số trung bình cấp học này là 38,5 học sinh/lớp, ở nhiều quận huyện vượt lên trên 40 học sinh/lớp như TP.Thủ Đức, Q.12, Gò Vấp, Tân Phú, Tân Bình, huyện Hóc Môn, cá biệt Q.12 lên đến 45,7 học sinh/lớp, Hóc Môn là 45,1 học sinh/lớp.

Số học sinh mỗi năm mỗi cao, trường lớp chưa đáp ứng kịp không chỉ khiến sĩ số học sinh/lớp đông, mà còn kéo theo tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp, không có sự đồng đều ở nhiều quận, huyện, như Q.12 mới đạt 25,6%,Tân Phú là 27,5%. Toàn thành phố con số này là trên 76%.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu thẳng thắn nhìn nhận: “Với sĩ số học sinh/lớp đông, có khi trên 50 em/lớp thì không thể nào đảm bảo học sinh học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học như mục tiêu đặt ra của Chương trình GDPT 2018. Sĩ số học sinh/lớp cao cũng đặt ra nhiều áp lực cho giáo viên trong việc dạy học theo hướng cá thể hóa, đòi hỏi giáo viên phải vận dụng nhiều giải pháp sáng tạo hơn nữa để tiếp cận học sinh”.

Thách thức “kép” về đội ngũ 

Cô Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) nhận định, với lộ trình đổi mới giáo dục hiện nay, giáo dục lấy học sinh làm trung tâm thì áp lực đặt lên vai giáo viên ngày càng lớn.

“Áp lực lớn nhưng mức lương chưa tương xứng với những gì thầy cô bỏ ra, đặt ra thách thức cho nhà trường trong việc chăm lo đời sống đội ngũ để giữ chân thầy cô”, hiệu trưởng này chia sẻ. 

TPHCM đứng trước thách thức kép về đội ngũ giáo viên
TPHCM đứng trước thách thức "kép" về đội ngũ giáo viên

Ông Võ Minh Tuấn Kiệt, Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.11 thông tin, năm học 2022-2023, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn quận gặp khó về đội ngũ giáo viên ở nhiều bộ môn, trong đó thiếu cục bộ ở môn tin học, âm nhạc, mỹ thuật, lịch sử, tiếng Anh. Hiện tại, các cơ sở giáo dục phải linh hoạt những giải pháp như hợp đồng, thỉnh giảng, hoán đổi, chia sẻ… để đảm bảo đội ngũ đứng lớp trong năm học, đảm bảo chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, thiếu giáo viên cũng khiến các trường bị động.

Năm học 2022-2023, TPHCM cần gần 5.200 giáo viên, đặc biệt là giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018. Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, lương của một giáo viên tại TPHCM mới ra trường khoảng 3 triệu đồng, cộng thêm các phụ cấp đặc thù của thành phố thì tổng thu nhập khoảng 5 triệu đồng, còn thấp so với đời sống ở một siêu đô thị như TPHCM. Đây là thách thức để giữ chân đội ngũ, tuyển dụng giáo viên, đặc biệt là các bộ môn đặc thù như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.

Thách thức đi đầu về đổi mới giáo dục "một cách thực chất"

Tại lễ tổng kết năm học 2021-2022 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023 của ngành giáo dục TPHCM, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, khó khăn của ngành giáo dục cũng là khó khăn chung của cả thành phố. Ông kỳ vọng về một nền giáo dục thành phố tiên phong song trung thực, thực chất, "thậm chí chấp nhận về sau để đổi lấy thực chất trong giáo dục”.

Thách thức trong đi đầu về đổi mới giáo dục, song song với đổi mới một cách thực chất
Thách thức trong đi đầu về đổi mới giáo dục, song song với đổi mới một cách thực chất

Bí thư Thành uỷ TPHCM nêu rõ, để thực hiện đổi mới, ngành giáo dục cần bắt đầu từ sự gương mẫu của các thầy cô giáo, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, trung thực, không thành tích ảo, xây dựng hệ thống tiêu chí thi đua khen thưởng, nói thật làm thật, chấm điểm thật, thành tích thật, chống sự giả dối…

“Đổi mới trước hết là đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp tiếp cận, thậm chí phải dũng cảm thay đổi chính mình, từ lãnh đạo quản lý đến thầy cô giáo, từ chỗ dạy học ép buộc thay đổi qua dạy học cởi mở hơn, lắng nghe tiếng nói học sinh, có nhiều sự tương tác hơn giữa thầy và trò…”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI