PNO - Không còn phải lo ngại vấn đề kiểm duyệt khắt khe như trước, dòng phim kinh dị trong nước giờ đang đứng trước một thách thức mới, đó là áp lực phải nâng cao chất lượng.
Chưa bao giờ phim có yếu tố kinh dị bùng nổ như năm nay. Ngoài ba tác phẩm Nhà không bán, Chuyện ma gần nhà, Người lắng nghe: Lời thì thầm đã ra mắt, còn khá nhiều phim khác đang xếp hàng chờ ra rạp như Bóng đè, Kẻ đào mồ, Vô diện sát nhân. Không chỉ gia tăng về số lượng, dòng phim này còn thắng lớn phòng vé năm nay, trong đó Chuyện ma gần nhà thu hơn 60 tỷ đồng, Nhà không bán hơn 40 tỷ đồng.
Sự lên ngôi này trái ngược với số phận của phim kinh dị hồi năm ngoái, khi chỉ hai phim ra rạp là Thiên thần hộ mệnh, Song song, nhưng đều thất bại doanh thu. Một nguyên nhân góp phần vào thắng lợi phòng vé của các phim kinh dị ra rạp từ đầu năm đến nay là nhờ kiểm duyệt cởi mở. Các cảnh ma quỷ, tâm linh trong Nhà không bán, Chuyện ma gần nhà được miêu tả một cách trực diện, trần trụi hơn. Những vấn đề “nhạy cảm” như ngoại cảm, trò chuyện với người đã khuất, quan niệm ba hồn bảy vía… cũng được đề cập, trong khi trước đây hiếm nhà làm phim nào chạm đến vì sợ khó được duyệt.
Vài phim kinh dị gần đây chất lượng không như quảng cáo, khiến các phim kinh dị sắp tới sẽ phải vất vả hơn để chinh phục người xem. (Trong ảnh: một cảnh của phim Vô diện sát nhân)
Trước đây, dưới sức ép của khâu kiểm duyệt ngặt nghèo, các phim kinh dị Việt đều chung cảnh: phim ma nhưng không có ma. Các nhà làm phim khi bị chê liền dễ dàng vịn vào cớ kiểm duyệt để biện minh, nhưng giờ đây khi rào cản kiểm duyệt này không còn, khán giả khó chấp nhận lý do này, và càng mong muốn cao về chất lượng. Sự phổ biến của những bộ phim kinh dị ngoại cũng khiến người xem phim Việt càng có sự đòi hỏi, so sánh. Đạo diễn Lê Văn Kiệt - người từng làm Ngôi nhà trong hẻm (2012) và có tác phẩm mới Bóng đè dự kiến ra rạp ngày 18/3 - chia sẻ: “Điện ảnh Việt đã thay đổi chóng mặt kể từ lúc tôi bắt đầu làm phim ở đây. Khâu kiểm duyệt cũng có những thay đổi tích cực. Tôi thấy những bộ phim đã có thể mạnh dạn thể hiện những câu chuyện hay, điều mà tôi nghĩ khó thể làm được ở mười năm trước. Khán giả bây giờ khá khó tính và đã xem nhiều bộ phim hay khắp thế giới nhiều năm nay. Điện ảnh Việt Nam cũng đã phát triển rất mạnh, điều này làm tôi phấn khởi, nhưng đồng thời cũng là thử thách và động lực cho các bộ phim của tôi. Tôi nghĩ mọi người sẽ thưởng thức những điều mới mẻ trong Bóng đè. Đây là một bộ phim độc đáo dành riêng cho khán giả Việt - những người yêu thích dòng phim giật gân, đồng thời mong muốn một câu chuyện cảm động”.
Bài toán niềm tin
Ngoài áp lực phải nâng cao chất lượng để chứng minh phim dở không phải do bị hội đồng kiểm duyệt can thiệp, các nhà làm phim kinh dị hiện nay còn phải nỗ lực để lấy lại niềm tin của khán giả, bởi một vài phim gần đây gây hụt hẫng khi ra rạp vì chất lượng thực không như quảng cáo. Chẳng hạn Rừng thế mạng được quảng cáo là phim sinh tồn, kinh dị đầu tiên của Việt Nam, nhưng yếu tố sinh tồn trong phim chưa thỏa mãn người xem, khi miêu tả nhân vật chính là một phượt thủ có kinh nghiệm nhưng không có những kỹ năng cơ bản sống trong rừng như nhóm lửa, định vị phương hướng. Yếu tố tâm linh trong phim cũng không rõ nét, mà hầu hết chỉ là những ảo giác trong đầu nhân vật, trong khi bối cảnh câu chuyện diễn ra trên cung đường Tà Năng - Phan Dũng nổi tiếng với những câu chuyện “ma đưa lối quỷ đưa đường” bí ẩn.
Phim Chuyện ma gần nhà có tiềm năng, có ý tưởng mới mẻ, nhưng hoàn toàn không tương xứng với những gì đơn vị sản xuất, phát hành tâng bốc là “phim kinh dị nặng đô của điện ảnh Việt”. Những cảnh kỹ xảo, tạo hình ma trong phim “giả trân”, các tình tiết kinh dị đa số là ảo giác và mơ, đồng thời bị lạm dụng quá nhiều gây nhàm chán, tính liên kết các câu chuyện yếu. Chưa kể phim được quảng cáo là dựa trên “truyền thuyết đô thị”, nhưng lại kể những truyền thuyết chưa ai từng nghe qua, hay từng được truyền tai, mà chỉ là những truyện do biên kịch viết ra.
Không tâng bốc quá đà như Chuyện ma gần nhà, phim Người lắng nghe: Lời thì thầm lại quảng bá theo kiểu đánh lạc hướng. Các hình ảnh ma mị, rùng rợn trong phim được dùng làm chất liệu để truyền thông khiến người xem chờ đợi sẽ được thưởng thức một tác phẩm rất đáng sợ, nhưng thực tế thể loại chính của phim là tâm lý, yếu tố kinh dị chỉ là phụ.
Trailer Chuyện ma gần nhà:
Điều khó chịu nhất với khán giả khi xem phim không phải là phim dở, mà là những bộ phim quảng bá không đúng sự thật. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến phim, mà còn liên lụy đến nhiều phim khác ra rạp sau đó. Tệ hơn, điều đó có thể còn tạo ra định kiến không thích xem phim Việt. Phim kinh dị đã vượt qua một quãng đường dài khó khăn bởi vấn đề kiểm duyệt. Giờ đây, khi nút thắt này được cởi, vấn đề tiếp theo là phải nâng cao chất lượng để giành lại lòng tin của khán giả. Khó khăn mới này sẽ là một thách thức rất lớn, bởi hội đồng duyệt có quyền quyết định cho phim ra rạp hay không, nhưng khán giả mới chính là người quyết định sự sống còn của một bộ phim tại rạp.