Thách thức chấm dứt dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030

01/12/2023 - 09:44

PNO - Những năm qua, Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những điểm sáng toàn cầu trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

 

Năm 2015, Liên hiệp quốc đặt ra mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 - Ảnh: AFP
Năm 2015, Liên hiệp quốc đặt ra mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 - Ảnh: AFP

Tháng 8/2020, giữa lúc thế giới cấp tập chuẩn bị đối phó với đại dịch COVID-19, Việt Nam công bố Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030. Điều đó cho thấy ngay lúc “dầu sôi lửa bỏng”, nước ta vẫn giữ vững cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc khống chế HIV/AIDS, căn bệnh từng được xem là “dịch bệnh toàn cầu” đã giết chết 40,5 triệu người kể từ khi nó xuất hiện vào năm 1990 cho đến cuối năm 2022. 

Những năm qua, Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những điểm sáng toàn cầu trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS khi giữ vững mục tiêu khống chế tỉ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dưới mức 0,3%, qua đó giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thành công này có được từ sự hỗ trợ về tài chính lẫn kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Chính phủ, và sự chung tay của cả cộng đồng.

Tuy nhiên, HIV/AIDS không phải là dịch bệnh dễ bị đánh bại, thậm chí nó đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và có nguy cơ quay lại nếu con người mất cảnh giác. Thật vậy, dịch HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, điều mà các chuyên gia gọi là “tảng băng chìm” của dịch HIV/AIDS.

Người nhiễm HIV nhóm MSM được xem là nhóm nguy cơ cao của HIV/AIDS bởi hành vi tình dục phức tạp của họ. Có người đã lập gia đình và dị giới nhưng vẫn muốn thử cảm giác MSM và quan hệ tình dục không an toàn, dẫn đến lây lan HIV trong cộng đồng. 

Một nỗi lo khác là tình hình trẻ hóa người nhiễm HIV/AIDS. Báo cáo về HIV của Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) công bố vào tháng Bảy năm nay cho thấy, tỉ lệ nhiễm mới ở nước ta thuộc nhóm dân số trẻ 16-29 tuổi là 33%. Con số này cao hơn số trung bình của châu Á - Thái Bình Dương là 26% và số trung bình toàn cầu 27%. 

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy người trẻ là đối tượng nguy cơ cao nhất nhiễm HIV bởi họ thường tò mò nhưng lại thiếu hiểu biết về các bệnh lây truyền quan hệ tình dục trong đó có HIV/AIDS. Việc quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình trong cuộc sống của họ, cũng làm gia tăng lan truyền HIV.

Phát biểu nhân ngày AIDS thế giới 2023, Tổng thư ký Liên hiệp quốc António Guterres cho rằng AIDS hoàn toàn có thể bị đánh bại vào năm 2030 nếu có sự dẫn dắt mạnh mẽ của cộng đồng. 

Theo đó, một trong những giải pháp cụ thể là cung cấp đầy đủ các dịch vụ và điều trị HIV/AIDS cho những ai có nhu cầu. Ngoài ra cũng cần tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức về HIV/AIDS, chống kỳ thị và phân biệt đối xử - đặc biệt là ở nhóm nguy cơ cao như người trẻ và MSM. Thực tế, rất nhiều MSM hoang mang, lo lắng khi biết mình hoặc bạn tình nhiễm HIV, nhưng họ lại ngại đi tư vấn, xét nghiệm hay điều trị vì sợ bị kỳ thị. Điều này khiến cho HIV lây truyền mạnh và khó kiểm soát.

Phan Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI