Những ngày lang thang bán kẹo kéo, những năm tháng phơi lưng dưới cái nắng bỏng da… đã kết thúc với chàng trai Khmer Thạch Sớt. Trở thành quán quân Tuyệt đỉnh song ca, Thạch Sớt viết lên câu chuyện cổ tích có thật cho mình và gợi niềm cảm hứng cho nhiều người nơi quê nhà.
Thạch Sớt gây ấn tượng với ngoại hình to cao, nước da ngăm đen, khuôn mặt sáng sủa, ưa nhìn. Ở Tuyệt đỉnh song ca, chỉ với bài Duyên kiếp hát cùng Minh Thảo, Thạch Sớt đã trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất có liên quan đến chương trình.
Từ bé, Thạch Sớt đã bộc lộ năng khiếu ca hát, cứ vừa làm vừa hát, vừa đi vừa hát, hát theo bất kể bài hát nào mình nghe được từ xung quanh. Thậm chí Sớt còn mê hát hơn mê học. Đến một ngày, Sớt xin cha nghỉ học. Ở vùng quê Cầu Kè - Trà Vinh, chuyện nghỉ học giữa chừng chẳng có gì lạ, người cha gầy gò của Sớt cũng hiểu hơn ai hết rằng con trai mê hát hơn mê học.
Nghỉ học, Sớt vào chùa tu tập ba năm, theo phong tục của dân tộc mình. Hoàn tục trở về nhà, mỗi khi nhìn cha già bị những cơn đau hành hạ, Sớt biết mình cần phải kiếm tiền bằng mọi cách. Bốc vác, thợ hồ… bất kể việc gì có thể làm, Sớt đều đến xin làm.
Thế nhưng, ca hát đã nằm trong huyết quản, dù bạc mặt dưới nắng, Sớt vẫn không quên mình đã từng thích hát ra sao. Buổi tối, anh tìm đến các tụ điểm lô tô để xin được hát. Công việc này vừa để kiếm thêm chút tiền cho cuộc sống, vừa thỏa mãn niềm đam mê ca hát âm ỉ từ rất lâu, dù Sớt chỉ được trả vài chục ngàn đồng, có khi chẳng được đồng nào. Sớt không buồn, anh vẫn cứ tìm đến và không nản chí.
Anh biết, ở xứ nghèo, vài chục ngàn đồng không phải ai cũng dễ dàng kiếm được. Mà, với Sớt được hát là đã được nhiều thứ. “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi qua lời ca tiếng hát có thể mang đến cho mọi người niềm vui”, Sớt thật thà chia sẻ.
Chuyện hát ca của Thạch Sớt cứ thế mà hình thành. Chưa hề học qua trường lớp thanh nhạc, không biết rõ về nhạc lý, kỹ thuật… anh gần như chỉ nghe người khác hát rồi ca theo, theo cách cảm nhận của riêng mình. Không những vậy, anh chàng còn không giỏi tiếng Việt. Thế nhưng, anh “thấm” boléro đến mức chính anh cũng không ngờ.
Một ngày, Sớt xin cha lên Sài Gòn tìm cơ hội kiếm tiền. Biết mình chẳng thể từ chối con, đất nghèo chẳng thể giữ chân con, nhưng lòng người cha quặn thắt khi vài tháng sau nghe Sớt “khoe” rằng giờ anh đã kiếm được tiền từ việc đi hát kẹo kéo. Đó là những ngày khác của Sớt, vì không quen biết, không có mối quan hệ, không thể xin hát được ở đâu, Sớt mua thùng kẹo kéo rồi cứ thế mà hát.
Bất cứ vỉa hè nào có người là Sớt dừng lại hát. Không biết người ta có mua kẹo không, Sớt cứ hát trước đã. Những bài boléro được anh cất lên, có khi trong đêm mưa tầm tã, có khi bên vỉa hè đầy mùi rượu bia, có khi trên cung đường vắng ngắt.
Anh nói, mình từng được mời bia và cũng từng bị xua đuổi, quát nạt. Người ta thỉnh thoảng dành cho anh tiếng cười thương hại, người khác nhìn anh với ánh mắt dè bỉu. Chẳng sao cả, với anh, chỉ cần đó là số tiền do anh lao động mà có. Khinh khi của người đời, anh để lại phía sau vòng bánh xe mình.
“Nói chung Thạch Sớt là một “ca” rất... khó đỡ. Ở cậu có cái hiền lành của một nhà sư, cái chân chất cục mịch cố hữu của bản thân. Dù không đánh giá cao khả năng thanh nhạc của cậu nhưng tôi vẫn ghi nhận những điểm sáng của Sớt: lạ, đẹp trai, có giọng thiên phú, hát lên là biết Thạch Sớt, được tổ đãi và đây là yếu tố rất quan trọng và có thật đối với cậu ấy”, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng - huấn luyện viên của Thạch Sớt tại chương trình Tuyệt đỉnh song ca, nhận xét.
Nam ca sĩ cho biết, trong quá trình đồng hành cùng Thạch Sớt, anh đã bao phen “điên đầu”, điều mà anh chưa từng gặp phải trong vài chục học trò của mình: “Ai mà xem tôi và Dương Triệu Vũ tập cho Thạch Sớt với Minh Thảo thì cũng sẽ “lên máu” vì tức điên. Thạch Sớt tiếp thu rất chậm, tôi chưa từng thấy ai như vậy. Nhưng mà không hiểu sao khi lên sân khấu thì cậu ấy khác hẳn, hoàn toàn khác biệt”.
Đàm Vĩnh Hưng nói đến bây giờ anh vẫn cho rằng việc chọn Thạch Sớt là một cú liều lĩnh của mình. Nhưng việc ở quá lâu trong showbiz khiến anh biết rằng Thạch Sớt có một điều mà thị trường âm nhạc đang thiếu: sự chân chất và thẳng thắn đầy bản năng, đến mức cái gì không thích là không làm rất cứng nhắc.
Trước khi chung kết chương trình chục ngày, Sớt đòi dừng thi và bỏ sang… Campuchia. Hai huấn luyện viên phải dùng đủ chiêu tâm lý, Sớt mới chịu quay về. Hoặc cho dù trong quá trình tập luyện, Đàm Vĩnh Hưng và Dương Triệu Vũ hướng dẫn đến thế nào, lên sân khấu Thạch Sớt vẫn trở về là Thạch Sớt, tiết mục của anh chàng và Minh Thảo luôn luôn khác xa so với những gì được chỉ dẫn. “Nhờ vậy bài trình diễn đêm chung kết hú hét, quay micro, cười nói thoải mái, mất trật tự đến hồn nhiên thế”, Đàm Vĩnh Hưng tiết lộ.
Khi được đặt trong không gian quen thuộc, giai điệu quen thuộc, Thạch Sớt không còn bị bó hẹp bởi bộ vest nặng nề. Anh chàng được thoải mái nhảy múa với trang phục dân tộc và trở về với chính mình. Anh thuyết phục khán giả bằng chính bản thân mình chứ không phải bằng những kỹ năng sân khấu hay điều gì khác.
Với phần thưởng 500 triệu đồng, Thạch Sớt đã hiện thực hóa giấc mơ, không chỉ cho anh mà còn gợi niềm hy vọng cho bao người. Ở vùng quê yên ắng đến buồn tẻ ấy, giờ đi đâu người ta cũng nhắc về Thạch Sớt.
Ngày anh đăng quang, điều đầu tiên mẹ anh làm là… khóc. Bà khóc như mưa, như thể bao tủi nghèo lâu nay giờ có dịp bộc lộ bằng nước mắt. Cha anh, lần đầu tiên đặt chân lên Sài Gòn là vào đêm chung kết theo lời mời của Ban tổ chức chương trình, mang theo hai trái dừa dứa để biếu hai huấn luyện viên của con mình. Người cha ấy giờ mắt ngời hạnh phúc, đi đâu cũng nhắc về “thằng Sớt của tui”.
Riêng Sớt, được sự hỗ trợ của Đàm Vĩnh Hưng, bắt đầu lưu diễn nhiều nơi, thu âm CD… Cuộc đời anh sẽ sang trang mới, anh được hát trong những không gian đẹp đẽ hơn, cha mẹ anh có tiền trị bệnh. Anh bước vào đời, mang theo câu chuyện cổ tích có thật, mà khá lâu rồi, truyền hình thực tế mới đem lại cho khán giả.
Nguyên Vĩnh