Thạch Lam và những câu chuyện không bao giờ cũ

09/02/2023 - 08:50

PNO - Áp lực cuộc sống như một cái búa vô hình, đập nát những mộng mơ của tuổi trẻ. Tình yêu, lý tưởng phải nhường bước cho chuyện cơm áo đời thường.

Nhắc đến "Tự lực văn đoàn" và nền văn học Việt Nam những năm 1930-1940, người ta không thể bỏ qua Thạch Lam - chàng thư sinh mải miết đuổi theo cái đẹp và nỗi buồn. Ngoài tập bút ký trứ danh Hà Nội băm sáu phố phường, ông để lại dấu ấn khó phai trong lòng người đọc với nhiều tập truyện ngắn mang phong vị rất riêng như: Gió đầu mùa, Nắng trong vườnSợi tóc.

Rời xa nhân thế ở tuổi 32, số lượng tác phẩm mà Thạch Lam để lại không nhiều. Ngoài những sáng tác kể trên, tiểu thuyết Ngày mới là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của nhà văn yểu mệnh. Ở tiểu thuyết này, người đọc nhận thấy một Thạch Lam trưởng thành hơn về văn phong và tư duy nghệ thuật.

Cây bút nổi tiếng của "Tự Lực văn đoàn" đã mang đến cho độc giả một bức tranh xã hội với gam màu hiu hắt và ảm đạm. Sự bất lực của những trí thức trẻ trong bối cảnh nhiều biến động được miêu tả chân thực, gợi nhiều thương cảm. Khi chuyện cơm áo hàng ngày còn đè nặng trên vai, người ta đâu dám ước mơ và nuôi những mộng tưởng dời non lấp bể.

Nhân vật chính của tiểu thuyết Ngày mới là Trường, một chàng trai nghèo mới đậu bằng thành chung và đang có một tương lai rất dài ở phía trước. Mang khí chất của nhà nho, Trường coi nhẹ danh lợi, không ham giàu sang, cũng chẳng cần quyền cao chức trọng. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ của riêng Trường mà thôi.

Cảnh nhà sa sút đã lâu, mẹ của Trường luôn mong cậu con trai thứ học thành tài, kiếm được công việc có mức lương kha khá để chăm lo cho gia đình. Anh của Trường là Xuân đi làm đã lâu mà lương lậu chẳng được là bao, lại vẫn giữ thói chơi bời như con nhà có của ăn của để, nên gia đình cậu vẫn lâm vào cảnh “thiếu trước hụt sau”.

Tiểu thuyết Ngày mới của Thạch Lam. Ảnh: Quỳnh Anh
Tiểu thuyết "Ngày mới" của Thạch Lam. Ảnh: Quỳnh Anh

Giờ đây, mọi hy vọng của người mẹ đặt cả lên vai Trường. Không chỉ là chuyện học hành, công danh, mà cả chuyện hôn nhân đại sự, mẹ chàng trai ấy cũng tính toán cho con chu toàn rồi. Mẹ Trường đã để mắt đến cô Hảo, con gái nhà bà Hai từ lâu. Đó không chỉ là một cô gái khéo léo, quan trọng hơn, Hảo xuất thân trong một gia đình khá giả, cha mẹ cô đã chuẩn bị sẵn kha khá hồi môn cho con gái.

Mọi sự không được như mẹ Trường mong cầu. Cậu con trai thứ của bà đã bỏ qua một “đám tốt” để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Trường lấy Trinh, một cô gái ngoan, xuất thân từ gia đình nghèo mà anh cảm mến. Khi nghĩ đến tình cảm với Trinh mà từ chối Hảo, Trường chỉ thuận theo điều mà con tim mách bảo, chứ không tính toán gì cho mai sau.

Thạch Lam đã khai thác khá kỹ chuyển biến tâm lý của nhân vật Trường ở hai giai đoạn khác nhau của cuộc đời, từ khi còn là chàng trai trẻ độc thân, đến lúc trở thành trụ cột gia đình. Tâm lý nhân vật cũng theo đó mà chuyển biến rất nhiều.

Khi chưa trải chuyện đời, Trường vốn coi nhẹ tiền bạc, anh ta luôn nghĩ có thể sống yên vui, bình thản với đời sống đạm bạc. Đến khi lập gia đình, người đàn ông ấy mới nhận ra trước kia mình quá ngây thơ. Nỗi lo cơm áo luôn đè nặng lên vai một người chồng, người cha như chàng.

Nhìn thấy con thơ không có một bữa ngon, vợ suốt ngày phải vay mượn anh em, bạn bè để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, Trường cảm thấy buồn và bất lực. Sự bất lực ấy dần hủy hoại con người ta từ bên trong. Từ một chàng thư sinh nhẹ nhàng, Trường trở thành một con người bẳn gắt, khó tính, sẵn sàng nặng lời với vợ.

Bi kịch của Trường không hề mới trong các sáng tác của Thạch Lam. Hai nhân vật Trường và Trinh gợi cho độc giả nhớ đến Sinh và Mai, cặp vợ chồng trẻ cũng vì túng thiếu mà đánh mất hạnh phúc trong truyện ngắn Đói.

So với những truyện ngắn được ra mắt trước đó của Thạch Lam, Ngày mới cho thấy một bước tiến mới trong sáng tác. Nhà văn đã chú tâm đào sâu, khai thác những diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật qua từng tình huống. Qua đó, người đọc cảm nhận rõ nét hơn sự thay đổi bên trong mỗi nhân vật.

Từ một chàng thư sinh nhìn đời bằng con mắt giản đơn, đến người đàn ông thối chí, mệt mỏi vì đã làm việc đầu tắt mặt tối nhưng vẫn không đủ lo cho gia đình. Khi còn trẻ, Trường nghĩ mình sẽ sống một cuộc đời khác với người anh trai. Có thể không giàu có, nhưng chàng và Trinh sẽ hạnh phúc, luôn cư xử trìu mến và trân trọng nhau.

Thế rồi Trường và Trinh lại dẫm lên vết xe đổ của Xuân và Dung, nỗi lo cơm áo khiến con người ta chẳng bình tâm mà giữ nổi hạnh phúc.

Đọc Ngày mới là cơ hội để độc giả tìm lại một Thạch Lam rất quen. Dù đượm buồn nhưng đầy lãng mạn. Nhà văn có những cảm nhận trong sáng về tình yêu, cảnh hò hẹn giữa Trường và Trinh e ấp trao nhau nụ hôn bên giàn hoa lý làm cho người ta nhớ tới hai nhân vật Thanh và Nga trong truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan.

Dẫu chất đầy xung đột nội tâm, nhiều góc tối cảm hứng thế sự, nhưng độc giả vẫn nhận ra một Thạch Lam trong sáng và hướng thiện. Trải qua bao khó khăn, nhà văn vẫn muốn những nhân vật của mình đặt lòng tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn.

                                                                   Phương Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI