Thách cưới để chứng tỏ con mình có giá, không ngờ con thành osin nhà chồng

06/04/2018 - 06:00

PNO - Gia đình nhà trai bất ngờ khi nghe nhà gái dẫn lễ: “phải đủ 5 lễ lớn, mỗi lễ kèm 1 triệu, riêng tiền phong bì lễ đen là 50 triệu”.

Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông ở nông thôn. Lớn lên, tôi được một người bác họ đưa lên thành phố nuôi ăn học. Vì thế, nhìn tôi không đến nỗi quê mùa. Học xong đại học, tôi tự thi tuyển vào làm ở một công ty nước ngoài với mức lương khá cao.

Thach cuoi de chung to con minh co gia, khong ngo con thanh osin nha chong
Ảnh minh họa

Trời phú cho tôi  làn da trắng, vóc dáng cân đối, giọng nói trong trẻo nên khá nhiều người để ý. Trong số các chàng trai theo đuổi, tôi chọn anh – một người có sự nghiệp vững vàng. Gia đình anh có cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý lớn nhất nhì thành phố. Ba mẹ anh cũng rất ưng ý tôi. Quen nhau được hai năm, chúng tôi có ý định tiến tới hôn nhân.

Từ ngày đi làm, thỉnh thoảng tôi có về thăm nhà và chu cấp đều đặn cho ba mẹ nuôi em. Tôi không hề biết ở làng tôi còn tồn tại tục lệ thách cưới. Nhà nào thách cưới càng cao chứng tỏ con gái nhà đó có giá. Hôm hai nhà gặp nhau bàn chuyện cưới xin còn có sự chứng kiến của trưởng làng.

Vì đường sá xa xôi nên ba mẹ anh có gọi điện xin xuống thăm nhà rồi bàn chuyện cưới hỏi luôn. Sau khi chọn xong ngày làm đám hỏi thì ba tôi đưa ra lời thách cưới theo tục lệ của làng. Gia đình nhà trai tỏ ra bất ngờ khi nghe nhà gái dẫn lễ: “phải đủ 5 lễ lớn, mỗi lễ kèm 1 triệu, riêng tiền phong bì lễ đen là 50 triệu”.

Nhưng ba mẹ anh vẫn điềm đạm trả lời: “nhà gái đưa ra lễ như vậy chúng tôi không có ý kiến gì, sẽ xin về lo liệu đầy đủ”. Sau ngày đó, ba mẹ tôi rất vui vì cả làng biết chuyện nhà tôi thách cưới cao nhất từ trước đến nay mà nhà trai không xin bớt.

Thach cuoi de chung to con minh co gia, khong ngo con thanh osin nha chong
Ảnh minh họa

Riêng anh bực bội, ba mẹ anh không nói gì nhưng tỏ vẻ không hài lòng. Tôi đã to tiếng với ba mẹ về chuyện này. Ba đã mắng tôi không biết điều, ông bảo: “đất có lề quê có thói, nuôi con gái mấy chục năm giờ thách cưới mấy chục triệu còn ít, chẳng lẽ ba mẹ cho không mày, họ lại cười cho”.

Ba còn dẫn câu chuyện có nhà sợ con gái ế, thách cưới vài thứ lèo tèo khiến mọi người xì xào bàn tán. Vài tháng sau, mọi chuyện dần lắng xuống, đám cưới của chúng tôi diễn ra suôn sẻ, nhà trai đi lễ vật như đã hứa.

Tôi không biết ba mẹ chồng tôi đã để bụng chuyện thách cưới. Mới cưới về, mẹ chồng đã nói thẳng: “ba mẹ bỏ tiền mua con về đây thì con phải sống sao cho biết điều”. Bà còn bảo, bà khinh nhà tôi nhưng muốn giữ danh dự cho con trai nên mới chiều theo cái tục thách cưới “quái gở” đó.

Sau đó, bà giao luôn mọi việc trong nhà cho tôi. Tôi vừa đi làm vừa quán xuyến việc nhà không có thời gian nghỉ. Chưa kể, có khách đến nhà chơi, bà lại lôi chuyện thách cưới ra phàn nàn theo kiểu: “thời buổi này, còn chuyện bán con gái nữa đấy ông/bà ạ”. Bà ỷ tôi có lương cao nên hầu hết mọi chi phí sinh hoạt trong nhà đều do tôi trang trải. Bà còn bóng gió, nhà tôi thách cưới cao thì giờ tôi lo mà trả. Tôi buồn và mệt mỏi nhưng không biết làm sao, tâm sự với chồng, anh cũng tảng lờ đi.

Khi con trai tôi chào đời, bà nội trông cháu lại được thể nhồi nhét vào đầu con những câu đại loại như: “mẹ mày do ông bà mua về đấy” hay “may mày là con trai đấy, chứ con gái thì sau này mẹ mày cũng bán thôi”. Tôi đã rất buồn khi con trai mới biết nói đã hỏi: “mẹ là ô –sin bà mua về à”.

Thach cuoi de chung to con minh co gia, khong ngo con thanh osin nha chong
Ảnh minh họa

Tôi nghĩ mình đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc nếu không có tục thách cưới nặng nề ở quê nhà. Và giá như, tôi tìm hiểu kĩ tục lệ để bàn bạc trước với chồng và ba mẹ thì mọi chuyện không đến nỗi như bây giờ.

Hiền An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI