Thắc thỏm nhìn app khi con đi mầm non

28/08/2019 - 07:52

PNO - Ngày đầu tiên đến trường, bé háo hức hòa nhập với bạn và chủ động lấy đồ chơi. Tuy nhiên, chỉ được ba ngày, sau đó, tôi nhận thấy bé ngày càng sợ khi chiếc xe máy của mẹ dừng trước cổng trường.

1. 

Mỗi chiều đón con, tôi đều thấy bé ngồi gọn lỏn trên chiếc ghế đặt ở góc tường trong khi tất cả các bạn ngồi dưới sàn nhà với đống đồ chơi đủ màu xanh đỏ. Mỗi ngày thông qua cô giáo, tôi được biết bé có tiến bộ, ăn giỏi hơn và ít khóc hơn. Tôi có phần yên tâm.

Đến khi trường gắn camera để phụ huynh theo dõi quá trình học tập của bé, tôi mới nhận thấy tình hình của bé rất bất ổn. Kể từ lúc được cô giáo dắt vào phòng học và đặt ngồi ngay ngắn trên ghế, thì suốt ngày, bé không rời chiếc ghế (trừ những lúc vệ sinh, thay đồ). Đến giờ hoạt động học tập hay tự khám phá, bé vẫn “yên vị” trên chiếc ghế nhìn các bạn. Các cô giáo không có nỗ lực gì để giúp bé mới hòa nhập với lớp.

Tôi dán mắt theo dõi màn hình camera suốt hai ngày và phát hiện, việc bé ngồi trên ghế suốt ngày như một sự mặc định “nên như thế”. Tôi đã trao đổi với cô nên để con học tập và vui chơi như các bạn. Cô giáo giải thích, do nhỏ hơn các bạn nên khi di chuyển trong lớp, bé hay bị ngã. Sau vài lần như vậy, bé chọn cách “cố thủ” trên ghế cho an toàn. Cô dẹp ghế đi thì bé lại khóc.

Cương quyết, tôi đề nghị dẹp chiếc ghế đi và chấp nhận việc bé khóc một, hai tuần. Tôi tin rằng với sự hỗ trợ của các cô giáo bằng cách cho bé ngồi cạnh các cô trong những ngày đầu, bé sẽ vượt lên nỗi sợ hãi và hòa nhập với các bạn. Chỉ ba ngày sau khi cô giáo dẹp ghế, bé đã tự tin ngồi dưới sàn, chọn món đồ chơi mình thích cùng với các bạn.

Thường xuyên theo dõi camera để yên tâm về con, tôi nhận thấy, hoạt động giáo dục dường như bị xem nhẹ, mặc dù rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, đây là giai đoạn “vàng” trong việc hình thành nhân cách cho trẻ.   

Theo dõi và so sánh chương trình ở các trường mầm non khác nhau, tôi thấy mục tiêu cũng như kế hoạch học tập chi tiết cho từng độ tuổi (bao gồm hoạt động học tập, tự khám phá, vui chơi…) được lên hằng tháng, nhưng chỉ diễn ra cho có. Những hoạt động mang tính chất học tập, rèn kỹ năng chỉ chiếm một phần nhỏ thời gian trong ngày (khoảng 10-15 phút/hoạt động, đối với lớp nhà trẻ) bé nào thích thì tham gia. Có vẻ như việc thu hút sự tập trung của các bé là vô cùng khó khăn nên giáo viên chỉ làm cho xong rồi thả đồ chơi ra cho các bé tự chơi. 

Việc các bé tự chơi có thể xem là hoạt động tự khám phá. Tuy nhiên, để hoạt động này mang lại hiệu quả, kích thích khả năng tìm tòi, sáng tạo của trẻ, vẫn cần sự quan sát, gợi mở của giáo viên. Thế nhưng, tôi nghe các giáo viên mầm non nói rằng “các bé còn nhỏ quá, biết gì đâu mà dạy”. Do đó, phần lớn thời gian, giáo viên tập trung vào nhiệm vụ chăm sóc hơn là giáo dục trẻ.

Thac thom nhin app  khi con di mam non

Giờ hoạt động ngoài trời vừa khiến trẻ thích thú vừa tăng cường hiệu quả giáo dục. Ảnh Minh họa

Cụ thể, việc đánh nhau, cào cấu, giành giật đồ chơi xảy ra thường xuyên trong các lớp nhà trẻ. Tuy nhiên, hành động của giáo viên thường là nhanh chóng kéo bé yếu hơn ra khỏi “cuộc chiến”. Tôi cố gắng đợi tiếp theo giáo viên sẽ làm gì để đứa trẻ đánh bạn biết đó là hành động sai thì hầu như không có. Có lẽ với cô giáo, việc bảo vệ những đứa trẻ khỏi trầy xước đã là hoàn thành trách nhiệm.

2.

Tăng cường kỹ năng giải quyết tình huống cho giáo viên mầm non

Vụ Giáo dục mầm non Bộ GD-ĐT vừa tổ chức tập huấn kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên mầm non. Nhận định kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm của giáo viên là một trong những nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng bạo hành trẻ, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Bộ GD-ĐT, cho biết, để giảm áp lực cho giáo viên, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ, các địa phương hỗ trợ bố trí đủ giáo viên. Đồng thời, tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên trong chăm sóc giáo dục trẻ. 

Ông Nguyễn Bá Minh chia sẻ, nếu giáo viên không có kỹ năng giải quyết tình huống sẽ tạo nên những áp lực rất lớn đối với giáo viên và trẻ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ. Hiện nay, do khó tổ chức tập huấn từng giáo viên nên chủ trương của Bộ GD-ĐT là tài liệu hóa những hướng dẫn, đẩy mạnh cung cấp dữ liệu trên mạng, E-learning cho giáo viên. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, nếu không có sự phối hợp tốt giữa cha mẹ trẻ và nhà trường, không có sự thống nhất về nội dung, phương pháp và mục tiêu giáo dục thì rất khó nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ.

Gửi con vào một trường mầm non công lập tại Q.7, TP.HCM được khoảng một tuần, mẹ của bé Phương Nhi (36 tháng tuổi) đã phải đi tìm một trường tư thục khác. Chị cho biết hôm trước, khi đến trường đón bé thì không thấy con đâu. Hỏi cô giáo thì cô bất chợt sững người. Cuối cùng, phát hiện bé ngồi khóc ngoài hành lang phía sau lớp học. Nguyên nhân là do mới đi học mấy ngày, bé còn lạ nên khóc miết. Dỗ hoài không được, cô giáo mang bé ra hành lang để bé “khóc cho đã” rồi quên hẳn đứa trẻ cho đến giờ phụ huynh đón. 

Sự việc khiến tôi nhớ đến một vài tình huống trong thời gian tìm trường cho con. Ở một trường mầm non, hoạt động chiều là để các bé chơi tự do. Chơi chán với mẩu sáp trên tay, bé Thiên Anh giật món đồ chơi của bạn còn đánh bạn một cái trước khi chạy đi. Cô giáo đến chỗ Thiên Anh, lấy lại món đồ chơi và bắt bé xin lỗi bạn. Tuy nhiên, Thiên Anh lại nhìn chằm chằm vào cô giáo với ánh mắt thách thức và nhất quyết không chịu xin lỗi.

Cô giáo phạt Thiên Anh đứng vòng tay ở góc lớp đến khi nào chịu xin lỗi bạn. Hơn 15 phút trôi qua, thấy bé nhất định không chịu mở miệng, cô giáo cầm điện thoại lên với giọng nhẹ nhàng: “Alô, bác sĩ phải không ạ? Nhờ bác sĩ xuống lớp Sơn Ca khám miệng bạn Thiên Anh giúp cô giáo với. Không biết bạn bị sâu răng hay gì mà bạn không mở miệng được”. Vừa nghe đến từ “bác sĩ”, Thiên Anh lí nhí: “Con xin lỗi cô! Xin lỗi bạn”. “Mà Thiên Anh có lỗi gì với bạn nè?”. “Dạ, con giật đồ chơi của bạn và đánh bạn”… 

Tôi không biết cách cô giáo trong trường hợp này có được xem là phương pháp sư phạm tốt hay không. Nhưng rõ ràng, nếu hiểu được tâm lý của trẻ và thêm một chút kiên nhẫn, tôi nghĩ giáo viên sẽ không cần dùng đòn roi, nhốt trẻ vào tủ quần áo hay đuổi ra hành lang lớp học như là cách để “khống chế” những đứa trẻ không biết nghe lời. 

Thu hút trẻ bằng sự vật hơn là nói suông

Giáo dục mầm non là cấp khó nhất bởi việc thu hút sự tập trung của trẻ trong một hoạt động nào đó vô cùng gay go. Để có thể hướng sự chú ý của các con trong một tiết học (dù chỉ là 15 phút), đòi hỏi giáo viên phải hiểu rõ tâm lý của trẻ, cũng như có sự đầu tư, chuẩn bị đầy đủ giáo cụ. Thực tế, sự tiếp nhận của trẻ đạt hiệu quả cao nhất là trực tiếp nhìn thấy sự vật để biết chứ không phải từ việc lắng nghe giáo viên thuyết giảng hay trình bày. 

Ví dụ, để một đứa trẻ nhận biết quả cam, giáo viên phải có quả cam và nhiều quả khác nữa. Nhưng để trẻ hướng sự chú ý vào hoạt động “nhận biết quả cam”, bản thân tôi lúc bắt đầu dạy sẽ phải “làm trò” để trước hết là thu hút sự chú ý của các bé vào hoạt động tiếp theo của mình.

Bằng cách giả động tác một con chim đang bay hướng đến một tấm rèm được kéo sẵn, tôi hướng sự chú ý của các con vào bí mật phía sau tấm rèm đó. Khi tấm rèm được kéo lên, một cái giỏ đựng đầy quả cam hiện ra. Đó là ấn tượng đầu tiên về việc nhận biết hình ảnh. Sau đó, các bé sẽ thích thú cầm trên tay quả cam để sờ mó nó. Hoạt động cuối cùng là các bé được nếm thử vị của trái cam. 

Bằng cách đó, giáo viên sẽ duy trì được sự tập trung của các con trong suốt tiết học. Do đó, dạy trẻ bằng cách rao giảng lý thuyết là một phương pháp thất bại. Ngoài phương pháp, điều cần thiết là cơ sở vật chất phải đầy đủ để tạo ra môi trường học tập cho trẻ. Thiếu sự đầu tư thì mục tiêu giáo dục ở lứa tuổi mầm non sẽ không đạt được.

, Trường mầm non 7A, Q.3

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI