Phóng viên: Nhìn vào câu chuyện ở 128C Đại La (Hà Nội), có thể thấy, nơi đây đã không được xem là một lưu ý trong quy hoạch dự án đường vành đai 2…
Thạc sĩ Nguyễn Yến Phi: Khoan bàn về giá trị kiến trúc và thẩm mỹ, những công trình cổ như khu biệt thự ở Đại La có giá trị lớn về mặt lịch sử và văn hóa, giữ vai trò như một chứng nhân lịch sử, với một “cuộc sống” rất dài qua nhiều thời kỳ khác nhau, đặc biệt là những sự kiện lịch sử quan trọng mang dấu ấn sâu đậm trong ký ức người dân Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.
|
Những hàng rào sắt, ô cửa sổ ở 128C Đại La vẫn còn được giữ lại nguyên vẹn qua thời gian |
Bởi thế, chúng cần được bảo tồn như một di sản văn hóa và lịch sử, chứ không phải lãng quên, hay tệ hơn là phá bỏ. Trên thế giới, trong một số trường hợp bất khả, nhiều thành phố đã dùng cách “dịch chuyển” toàn bộ tòa nhà ra khỏi vùng quy hoạch để bảo vệ nó. Phương pháp này đã được thực hiện hơn 100 năm nay.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến trái chiều. Bởi lẽ, tuy bảo vệ được cái “vỏ” của tòa nhà, nhưng vị trí của nó trong tương quan với cảnh quan xung quanh đã thay đổi. Khi công trình bị dời khỏi vị trí của nó, hoặc cảnh quan xung quanh nó thay đổi, thì nó cũng mất đi một phần giá trị lịch sử và “bản sắc” riêng. Có lẽ, điều chúng ta cần là Luật Di sản văn hóa và các đề án khảo cứu kỹ lưỡng, đặc biệt trong khu đô thị lõi (the historic urban core) nhằm tránh các trường hợp “tình cờ” phát hiện ra di sản đã bị lọt vào vùng quy hoạch và chẳng còn cách nào ngoài phá bỏ.
* Hiện nay, bảo tồn và phát triển đang ở thế đối kháng. Việc lội ngược dòng để giữ những gì còn lại sẽ bị đặt dấu hỏi: giữ lại để làm gì? Có không ít người cho rằng, điều đó cản trở cuộc sống hôm nay. Chẳng lẽ, không thể có một tiếng nói chung?
- Bảo tồn và phát triển là vấn đề gây tranh cãi ở tất cả đô thị trên thế giới, không riêng Việt Nam. Việc bảo tồn đô thị cần đảm bảo nhiều yếu tố: đời sống cư dân, bản sắc đô thị, thu hút du lịch và phát triển kinh tế. Nếu ta bảo tồn tất cả thì sẽ không có chỗ để phát triển. Điều cần tránh là “giữ nguyên” toàn bộ để phục vụ du lịch, vì như thế sẽ tạo nên những khu đô thị một màu, tăng giá sinh hoạt và đẩy dân địa phương ra khỏi khu dân cư.
Một trong những giải pháp là “thỉnh thoảng can thiệp”, nới rộng khi cần thiết, chứ không phải phá bỏ toàn bộ để đáp ứng nhu cầu, áp lực về giao thông hay những thay đổi trong đời sống sinh hoạt. Hoặc là, đưa những khu đô thị mới ra ngoài khu trung tâm (như Paris chẳng hạn), khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nhỏ và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng địa phương.
Có nhiều khu đô thị trên thế giới đã thành công trong việc cân bằng bảo tồn và phát triển. Nhưng để tìm được những giải pháp hợp lý, thì cần nghiên cứu kỹ lưỡng cơ cấu đô thị cũ, vì mỗi đô thị có lịch sử hình thành và phát triển khác nhau, nên không thể có mẫu số chung cho tất cả.
* Thời gian qua, ở nước ta, có xu hướng đập đi xây mới rất nhiều. Xin hỏi, trên thế giới, xu hướng quy hoạch kiến trúc đô thị hiện đại ra sao?
- Hiện nay, người ta không chỉ nhìn vào một công trình hay một nhóm công trình riêng lẻ, mà nhìn vào tổng thể của thành phố, đặc biệt là khu đô thị lịch sử lõi, như một thể thống nhất phức hợp nhiều lớp của lịch sử, với các công trình tiêu biểu và cơ cấu đô thị cũng như cảnh quan tự nhiên.
Khi đưa ra các đề án quy hoạch, các kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị phải tìm hiểu và tôn trọng cơ cấu đô thị cũ, các công trình kiến trúc có giá trị lịch sử văn hóa, phù hợp cảnh quan thiên nhiên, cũng như những vấn đề liên quan tới môi trường. Có vậy, các giải pháp đưa ra mới kết nối được quá khứ với hiện tại, có tầm nhìn về tương lai.
Việc bảo tồn đô thị là vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự tham gia không chỉ của những người có chuyên môn, mà cần hỗ trợ bởi Nhà nước, cũng như sự cộng tác của các tổ chức cộng đồng và địa phương. Việc thực hiện những đề án quy hoạch có ảnh hưởng tới các công trình lịch sử hay công cộng ngày nay không chỉ là phận sự của chính quyền hay các nhà chức năng, mà còn cần sự tham gia của cộng đồng dân cư qua các cuộc trưng cầu ý dân.
Với những công trình có giá trị đặc biệt quan trọng, cần được bảo tồn nguyên vẹn bằng mọi giá. Những công trình ít quan trọng hơn về mặt kiến trúc, thẩm mỹ nhưng có giá trị lịch sử, trở thành một phần tạo nên “cảm quan nơi chốn”, có thể được “tái sử dụng” hoặc làm mới, để nó vẫn là một phần trong bức tranh đô thị. Có khá nhiều công trình nổi tiếng trên thế giới thực hiện thành công điều này, ví như Bảo tàng Quốc gia hàng hải ở Đan Mạch tái tạo từ một ụ tàu cũ, hay Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Zeitz ở Nam Phi cải tạo từ các tháp chứa thóc.
* Cảm ơn chia sẻ của chị.
Đậu Dung (thực hiện)