Thạc sĩ - bác sĩ Hồ Mạnh Tường: “Hiếm muộn, dù nguyên nhân gì, người vợ vẫn chịu áp lực hơn cả”

30/12/2023 - 06:44

PNO - Bác sĩ Hồ Mạnh Tường nói, ông trăn trở khi phụ nữ phải chịu áp lực rất lớn về chuyện sinh con. Một cặp vợ chồng hiếm muộn, không cần biết nguyên nhân từ ai, thì người vợ vẫn phải gánh chịu áp lực từ người chồng, gia đình nhà chồng, hàng xóm và cả xã hội.

Vợ chồng thạc sĩ, bác sĩ Hồ Mạnh Tường (Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Mỹ Đức - TPHCM) - và phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan (Trưởng khoa Y Trường đại học Y Dược TPHCM) đã được mời làm đại diện Việt Nam tham gia biên soạn một chương của cuốn sách giáo khoa về thụ tinh ống nghiệm Textbook of Assisted Reproductive Techniques. Việc 2 bác sĩ Việt Nam được mời biên soạn một chương của cuốn sách này đồng nghĩa với sự khẳng định vị trí Việt Nam trên bản đồ chuyên ngành hỗ trợ sinh sản quốc tế, tạo tiếng vang lớn trên thế giới và tăng uy tín cho nền y học nước nhà.

Đây là cuốn sách uy tín hàng đầu của ngành hỗ trợ sinh sản trên thế giới, tài liệu nằm lòng của các bác sĩ trong lĩnh vực hiếm muộn. Tính đến nay, Textbook of Assisted Reproductive Techniques có bề dày lịch sử 20 năm. Cuốn sách này xuất bản lần đầu vào năm 1999 và nay đã xuất bản đến phiên bản thứ sáu. Trải qua bao nhiêu năm, số chương sách không có nhiều thay đổi, chủ yếu cập nhật kiến thức mới ở các kỹ thuật điều trị, mỗi mảng nội dung của sách thường gắn với một vài nhóm mạnh có danh tiếng trên thế giới, đa số ở các nước phát triển. Những người phụ trách viết các chương trong sách thường cố định, để thay đổi điều này phải có đột phá lớn. 

Bìa cuốn sách Textbook of Assisted Reproductive Techniques
Bìa cuốn sách Textbook of Assisted Reproductive Techniques

Khi hoàn cảnh tạo ra cơ hội

Phóng viên: Thưa bác sĩ, phải thỏa những tiêu chí nào mới được mời tham gia biên soạn cuốn Textbook of Assisted Reproductive Techniques

Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Mạnh Tường: Ban biên tập của Textbook of Assisted Reproductive Techniques là một nhóm chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm về chuyên ngành hỗ trợ sinh sản. Hiện nay, trên thế giới có 4-5 tạp chí lớn về chuyên ngành hỗ trợ sinh sản nhưng Textbook of Assisted Reproductive Techniques có uy tín và bề dày lịch sử lâu nhất. Không phải cứ triển khai tốt kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là được mời biên soạn sách mà phải đạt được bước đột phá và nhóm biên soạn phải có một nền tảng vững về cơ sở lý luận đối với vấn đề liên quan. Một trong những tiêu chí để được chọn làm nhà biên soạn cuốn sách này là có nhiều công trình được công bố quốc tế và được giới chuyên môn trên thế giới công nhận. 

* Cụ thể chủ đề của chương sách mà 2 bác sĩ được mời biên soạn là gì?

- Tôi và bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan phụ trách biên soạn chương sách có nội dung trình bày chi tiết lịch sử phát triển, cơ sở lý thuyết, phác đồ thực hiện và kết quả của kỹ thuật nuôi trưởng thành noãn trong ống nghiệm (IVM), thụ tinh trong ống nghiệm không cần kích thích buồng trứng bằng hoóc môn. 

Khi tham gia biên soạn cuốn sách này, kể từ ngày ký hợp đồng chính thức, chúng tôi có 10 tháng để chuẩn bị và gửi bản thảo. Việc viết một chương sách về IVM cũng không quá bỡ ngỡ với phía mình bởi trong vài năm nay, nhóm chúng tôi đã có nhiều bài viết đăng tạp chí y khoa quốc tế về IVM. Tuy nhiên, viết sách giáo khoa khác với viết bài nghiên cứu cho tạp chí y khoa. Đây là sách để người mới nhập môn hoặc các bác sĩ có thể tham khảo nhanh mà không cần nắm quá chuyên sâu.

Vì vậy, chúng tôi phải điều chỉnh văn phong cho phù hợp, giảm bớt những từ ngữ hàn lâm, có nhiều hình ảnh minh họa. Sau vài lần chỉnh sửa từ đại cương tới chi tiết (mất hơn 1 năm), khoảng tháng 9/2023, cuốn sách đã hoàn tất bản cuối cùng cho việc in ấn. Các quyển sách đầu tiên xuất hiện vào cuối tháng 12/2023 và sách dự kiến chính thức phát hành rộng rãi trên thế giới vào đầu năm 2024. 

Trang đầu tiên của chương sách 2 bác sĩ Việt Nam biên soạn
Trang đầu tiên của chương sách 2 bác sĩ Việt Nam biên soạn

* Thưa bác sĩ, cơ duyên nào để Việt Nam được mời trình bày về nội dung này bởi theo tôi được biết, chúng ta triển khai kỹ thuật IVM sau nhiều nước tới mấy chục năm?

- Thực ra, nói về cơ duyên dẫn tới việc được mời biên soạn cuốn sách danh giá tầm thế giới về chuyên ngành hỗ trợ sinh sản này thì ngoài sự nỗ lực của cả nhóm, chúng tôi cũng có chút may mắn. May mắn ở đây là do hoàn cảnh đưa đẩy và cơ hội mở ra đúng thời điểm.

Nói thật lòng, kỹ thuật IVM của ta đi sau các nước khác. Kỹ thuật IVM đầu tiên được thực hiện thành công từ hơn 30 năm trước ở Hàn Quốc và Úc. Tuy nhiên, khi đưa vào ứng dụng rộng rãi thì chưa như mong đợi. Trên thế giới, trước đây không có nhiều nơi đầu tư nhiều vào nghiên cứu phát triển kỹ thuật IVM, vì ở nước họ, chi phí tiêm thuốc kích trứng tương đối rẻ so với các chi phí khác.

Ngoài ra, ở nhiều quốc gia, nhà nước tài trợ toàn bộ chi phí thuốc kích thích buồng trứng cho các cặp vợ chồng làm thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chi phí cho thuốc kích thích buồng trứng chiếm từ 50 - 70% tổng chi phí làm thụ tinh ống nghiệm. Do đó, nhóm chúng tôi vẫn cho rằng cần kiên trì cải tiến kỹ thuật IVM, bởi vì nếu làm IVM thành công, không cần phải kích thích buồng trứng sẽ rất có lợi cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn nước ta. 

Thảo luận cùng Chủ tịch Hội Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản Malaysia (MSART) tại phiên Keynote Lecture, khai mạc Hội nghị thường niên MSART 2023
Thảo luận cùng Chủ tịch Hội Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản Malaysia (MSART) tại phiên Keynote Lecture, khai mạc Hội nghị thường niên MSART 2023

Can thiệp hỗ trợ sinh sản bằng IVM thì phụ nữ sẽ không cần phải tiêm thuốc kích trứng nữa, nhờ vậy giảm được đáng kể chi phí điều trị cũng như các tác dụng phụ không mong muốn cho sức khỏe. Điều đó gọi là hoàn cảnh tạo ra cơ hội.

Hồi trước, khi tiến hành làm IVM, giới chuyên môn vẫn không hiểu cơ chế phân tử của hiện tượng trưởng thành trứng. Lúc đó, tất cả đều chỉ nuôi cấy trưởng thành trứng 1 bước nên kết quả không cao. Tới năm 2011, có một nhóm nhà khoa học ở Mỹ về sinh lý động vật đã phát hiện được cơ chế sinh học phân tử đóng vai trò trong sự trưởng thành của trứng. Cách làm cũ (nuôi cấy 1 bước) không theo sinh lý tự nhiên nên kết quả trứng, phôi kém, tỉ lệ thành công thấp. Dựa trên các hiểu biết mới, các nhà khoa học ở Bỉ đã xây dựng ý tưởng phác đồ IVM cải tiến, nuôi cấy trứng trưởng thành 2 bước, gọi là CAPA-IVM (gần giống với cơ chế tự nhiên, nên trứng và phôi sẽ tốt hơn). Nhóm nghiên cứu ở Bỉ cũng áp dụng mô hình mới ở bệnh viện của họ nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi.

Biết được nhóm nghiên cứu ở Việt Nam có nhiều kinh nghiệm về IVM, nhóm nghiên cứu ở Bỉ mời nhóm bác sĩ ở Việt Nam hợp tác xây dựng phác đồ phù hợp. Tại Việt Nam, Trung tâm Thụ tinh ống nghiệm Bệnh viện Mỹ Đức (IVFMD) là nơi đi đầu thế giới trong ứng dụng và cải tiến phác đồ IVM trong điều trị hiếm muộn. Bác sĩ và chuyên viên phôi học của chúng ta rất khéo léo, tinh tế và nhiều kinh nghiệm hơn. Chúng tôi đã tự điều chỉnh và xây dựng một phác đồ chuẩn cho bệnh nhân của mình. Kết quả thu được vô cùng ngoạn mục, tỉ lệ thành công của CAPA-IVM so với kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm có tiêm thuốc kích trứng gần như tương đương.

Từ năm 2020 tới nay, Việt Nam đã công bố hơn chục bài báo cáo về kỹ thuật CAPA-IVM được làm theo cách mới trên các tạp chí quốc tế uy tín và được sự quan tâm của giới chuyên môn trên thế giới. Đó là cơ duyên khiến chương về IVM của cuốn Textbook of Assisted Reproductive Techniques “đổi ngôi”, giao lại cho nhóm chuyên gia của Việt Nam phụ trách biên soạn. 

Mỗi bệnh nhân hiếm muộn đều khiến chúng tôi trăn trở

* Thưa bác sĩ, hẳn phải có một dấu mốc nào đó khiến bác sĩ và đội của mình nhận ra rằng phải chọn phát triển IVM vì bệnh nhân? 

- Về y khoa, nói chung chúng ta không bằng các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia… Các trường đại học y khoa của ta cũng chưa được xếp hạng cao trên thế giới. Trong khi đó, thụ tinh ống nghiệm lại là kỹ thuật y khoa phức tạp, CAPA-IVM là cải tiến dựa trên kiến thức về sinh học phân tử. Nói tóm lại, hỗ trợ sinh sản là chuyên ngành y khoa cao cấp, kết hợp nhiều kiến thức và phác đồ y học và sinh học, trong đó IVM lại là quá trình sinh học phức tạp. 

Vợ chồng bác sĩ Hồ Mạnh Tường và Vương Thị Ngọc Lan
Vợ chồng bác sĩ Hồ Mạnh Tường và Vương Thị Ngọc Lan

Tôi nhớ, năm 1997, khi Bệnh viện Từ Dũ triển khai những bước đầu tiên cho nền móng của kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị của ta còn kém lắm. Trong khi đó, thụ tinh ống nghiệm lại phụ thuộc rất nhiều vào phòng thí nghiệm. Các bệnh viện lúc đó thiên về thuốc men, phẫu thuật; hệ thống phòng thí nghiệm chưa được đầu tư nhiều.

Trong một lần đi học ở nước ngoài, tôi đã trò chuyện với lãnh đạo của một bệnh viện phụ sản hàng đầu Việt Nam. Vị bác sĩ này cũng vô cùng trăn trở, ông chia sẻ bản thân đã đi khảo sát và thấy rằng Việt Nam chưa thể làm được kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm vì phòng thí nghiệm của chúng ta còn rất lạc hậu.

Thế nhưng chúng tôi vẫn quyết định làm, vừa làm vừa dò dẫm, tất nhiên không tránh khỏi sự chắp vá trong bối cảnh còn nhiều hạn chế.

Chúng tôi cứ suy nghĩ mãi về việc làm sao phải phát triển được IVM để giúp phụ nữ Việt Nam bớt thiệt thòi. Làm IVM thì không cần tiêm thuốc kích trứng sẽ tránh được nhiều nguy cơ sức khỏe cho phụ nữ. Dù nguyên nhân gây hiếm muộn là ở nam hay nữ thì các can thiệp chủ yếu toàn trên người vợ nên nữ giới phải chịu đựng rất nhiều. Mặt khác, nếu không cần tiêm thuốc kích trứng thì giảm được đáng kể chi phí điều trị. Như tôi đã nói, tiền tiêm thuốc kích trứng có thể chiếm đến 70% tổng chi phí một ca thụ tinh ống nghiệm. IVM làm thành công thì ngày càng nhiều phụ nữ Việt Nam tiếp cận dễ dàng với kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm và cơ hội làm mẹ sẽ đến cả với những chị em có thu nhập trung bình. 

Tôi vẫn nhớ như in dấu mốc khiến tôi và đội của mình nhận ra rằng việc chúng tôi chọn phát triển IVM là đúng hướng và điều đó tiếp sức cho chúng tôi bước tiếp tới bây giờ. Đó là khi chúng tôi đi học, nhận chuyển giao về IVM tại Nhật Bản. Với quá trình này, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Đồng nghiệp nước bạn không nói tiếng Anh nên việc trao đổi thông tin ít nhiều bị hạn chế. Vậy mà lúc trở về Việt Nam, chúng tôi tiến hành kỹ thuật IVM và đã thành công ngay ca đầu tiên.

Nói không quá lời thì khi nữ bệnh nhân ấy mang thai, vợ chồng họ và người thân vui một, có lẽ bác sĩ chúng tôi vui mười. Đối với người phụ nữ kia, niềm vui là đã được làm mẹ, gia đình nội ngoại sau nhiều năm mòn mỏi mong chờ đã được đón thành viên mới. Nhưng đối với những người làm nghề như chúng tôi, sự thành công của ca đầu tiên này có ý nghĩa rất lớn. Nếu thất bại với những ca đầu tiên, chưa chắc chúng tôi đã có động lực để đi tiếp và cải tiến IVM để có thể đạt được nhiều thành tựu như bây giờ. 

* Trong quãng thời gian gắn bó với chuyên ngành hỗ trợ sinh sản, sự mòn mỏi mong con của các cặp vợ chồng hiếm muộn có làm bác sĩ bị áp lực theo? Phải chăng rất nhiều câu chuyện của bệnh nhân đã bồi đắp thêm tình yêu và nỗ lực cống hiến nơi những người làm nghề?

- Mỗi bệnh nhân hiếm muộn đều khiến chúng tôi trăn trở, từ đó thôi thúc chúng tôi nỗ lực hơn. Tôi có thể nói rằng tình trạng hiếm muộn xảy ra trên toàn thế giới nhưng phụ nữ Việt Nam phải chịu áp lực rất lớn về chuyện sinh con đẻ cái. Ở châu Âu, Mỹ, phụ nữ hiếm muộn không chịu áp lực về tinh thần liên quan đến việc “phải sinh con” như phụ nữ nước ta. Tại Việt Nam, một cặp vợ chồng hiếm muộn, không cần biết nguyên nhân từ ai, thì người vợ vẫn phải gánh chịu áp lực lớn hơn cả. Áp lực đó đến từ người chồng, gia đình nhà chồng, hàng xóm và rộng hơn là cả xã hội. Họ có thể bị chồng, gia đình chồng ruồng bỏ mà nguyên nhân gây hiếm muộn chưa chắc là do họ.

Bên gia đình nhỏ
Bên gia đình nhỏ

Để minh chứng điều này, tôi xin chia sẻ câu chuyện về một cặp vợ chồng trẻ từ vùng quê miền Bắc lặn lội vào TPHCM khám hiếm muộn. Cô vợ khóc rất nhiều, nói với chúng tôi rằng bác sĩ hãy điều trị bằng mọi giá bởi cô ấy “phải có con”. Nếu lần này không mang thai, cô ấy sẽ không dám quay về nhà. Cặp vợ chồng này sống tại một ngôi làng. Thương cảnh vợ chồng trẻ lấy nhau vài năm vẫn chưa có tin vui, cả làng góp tiền cho họ đi chữa hiếm muộn. Có con không còn là vấn đề của riêng cặp vợ chồng này nữa mà được nâng tầm thành trách nhiệm, nhiệm vụ trước cả làng. 

Một trường hợp khác khiến tôi áy náy tới tận bây giờ. Nhiều năm trước, một nữ bệnh nhân bị hiếm muộn cùng chồng tới làm thụ tinh ống nghiệm và thất bại ở lần thứ nhất. Khi đó, kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm của chúng ta còn non trẻ, chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm.

Sau đó không lâu, tôi đã qua Singapore học và tìm ra những điểm còn khiếm khuyết. Chúng tôi nhớ ngay tới trường hợp nữ bệnh nhân đó, chủ động gọi điện mời vợ chồng chị quay lại làm thụ tinh ống nghiệm lần nữa. Câu trả lời bên kia đầu dây điện thoại khiến tôi thắt lòng. Chị bảo rằng không còn kịp nữa rồi, chồng chị đã ly hôn vì chị không thể có con. Bây giờ chị không cần làm thụ tinh ống nghiệm nữa. Những câu chuyện kể trên có thể cho ta thấy phụ nữ Việt Nam chịu nhiều áp lực, thiệt thòi thế nào khi không thể mang thai. 

Hiếm muộn cần được quan tâm nhiều hơn và xử trí sớm 

* Bác sĩ nhận định thế nào về tình trạng hiếm muộn tại Việt Nam hiện nay? 

- Các nước kinh tế càng phát triển thì tỉ lệ hiếm muộn cũng theo đó càng gia tăng. Theo những số liệu được thống kê ở nhiều nước trên thế giới, cứ 6 cặp vợ chồng lại có 1 cặp hiếm muộn (tỉ lệ 1/6). Hiếm muộn tăng có liên quan từ 3 yếu tố chính.

Thứ nhất là các cặp vợ chồng đang có xu hướng kết hôn muộn, trì hoãn sinh con. Khi lớn tuổi thì khả năng mang thai, sinh sản sẽ khó hơn. Tiếp đến là công việc căng thẳng, áp lực cuộc sống. Nhiều thống kê cho thấy các cặp đôi ở châu Á bị stress nhiều hơn ở châu Âu trong cuộc sống vợ chồng. Cuối cùng là sự ô nhiễm từ môi trường sống, hóa chất công nghiệp…

Nếu xét 3 yếu tố trên thì Việt Nam đều hội đủ. Bởi vậy không cần làm khảo sát cộng đồng cũng có thể biết được nước ta thuộc quốc gia có tỉ lệ hiếm muộn cao hàng đầu. Việc “phải có con” tại Việt Nam rất quan trọng nên tình trạng hiếm muộn cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn hơn. Vì thế, hiếm muộn là một vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn và xử trí sớm để tránh những hệ lụy đáng tiếc. 

Các bác sĩ đang tiến hành chọc hút trứng
Các bác sĩ đang tiến hành chọc hút trứng

* Như bác sĩ nhận định, nước ta thuộc những quốc gia có tỉ lệ hiếm muộn cao hàng đầu. Trong tình hình đó, chuyên ngành hỗ trợ sinh sản của nước ta đã đạt được những thành tựu gì?

- Thật đáng mừng là trải qua quá trình học hỏi, trau dồi, cải tiến kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hơn 20 năm qua, Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về kinh nghiệm và kỹ thuật. Riêng về thụ tinh ống nghiệm và các kỹ thuật liên quan, Việt Nam đang ở trình độ cao trong khu vực. Kỹ thuật IVM của Việt Nam được cho là nổi trội hẳn, tạo được tiếng vang trên thế giới. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tỉ lệ hiếm muộn ngày càng tăng. Nếu không được khám, chẩn đoán và điều trị sớm, việc điều trị sẽ càng khó khăn, kém hiệu quả và tốn kém nhiều. Trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng lớn tuổi cũng sẽ có sức khỏe và sự phát triển kém hơn. Vì vậy, Việt Nam cần có nhiều chương trình giáo dục về sức khỏe để các gia đình và các cặp vợ chồng hiểu biết, quan tâm hơn về vấn đề sức khỏe sinh sản. Ngành y tế cần phát triển các dịch vụ tư vấn, tầm soát, kiểm tra, điều trị sớm, hiệu quả cho các cặp vợ chồng có nhu cầu. 

* Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ. 

Thanh Huyền (thực hiện)

Nguồn ảnh: Facebook nhân vật, internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI