Thắc mắc về thu-chi ở Hội sân khấu: Chuyện bình thường, ứng xử khác thường

07/06/2019 - 06:47

PNO - Nếu từ đầu, những người có trách nhiệm ở Ban AHNS trả lời thỏa đáng và công khai số liệu thu chi, có lẽ những bức xúc đã không lan tỏa nhiều như thế.

Thắc mắc về thu chi của Ban Ái hữu nghệ sĩ (AHNS) và Khu dưỡng lão Nghệ sĩ (KDL) không phải chuyện mới. Ít nhất đã hai lần, những câu hỏi về việc thu chi số tiền do các Mạnh Thường Quân đóng góp, cho thuê mặt bằng 133 Cô Bắc, đã được nêu trong các cuộc họp ban chấp hành (BCH) hoặc đặt trực tiếp với người có trách nhiệm của Ban AHNS; nhưng chưa lần nào được trả lời rõ ràng.

Cho đến sau bài viết về việc trụ sở Ban AHNS trở thành quán cà phê của Báo Phụ Nữ TP.HCM, Thường trực Hội Sân khấu TP.HCM (HSK) mới có cuộc họp chính thức để phản hồi với BCH về những vấn đề được báo nêu. Tới khi đó, hầu hết thành viên BCH mới biết số tiền cho thuê trụ sở 133 Cô Bắc (từ cách đây hơn 1 năm), tổng hợp các khoản thu từ đóng góp của Mạnh Thường Quân, tổng số thu chi hằng tháng, khoản dư tích lũy được và cả số công nợ đến hơn 800 triệu đồng.

Thac mac ve thu-chi o Hoi san khau: Chuyen binh thuong, ung xu khac thuong
Một phần nhà thờ Tổ ngành sân khấu đã trở thành quán cà phê

Khi vấn đề thu chi được xem là “chuyện riêng” của một số thành viên BCH HSK, những thắc mắc, nghi ngờ là điều khó tránh khỏi. Nhưng thay vì giải đáp để chứng minh sự minh bạch của Ban AHNS thì những người đặt câu hỏi lại bị cho là “người xấu”, hay gây hấn. Những câu chuyện chính thức hoặc không chính thức, với lời lẽ khá gay gắt về những người có ý kiến, được lan truyền, khiến nhiều người ngại (hoặc nản), không muốn (hoặc không dám) bày tỏ công khai, chỉ có thể “to nhỏ” với nhau.

Khoản hỗ trợ không thường xuyên của UBND TP.HCM và các tổ chức, cá nhân cho Ban AHNS, đặc biệt là khoản tiền cho thuê tài sản chung của giới nghệ sĩ (NS) sân khấu là để chăm lo cho các NS là hội viên HSK có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đương nhiên, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền yêu cầu sự minh bạch. Nếu từ đầu, những người có trách nhiệm ở Ban AHNS trả lời thỏa đáng và công khai số liệu thu chi, có lẽ những bức xúc đã không lan tỏa nhiều như thế.

Điều kiện gia nhập HSK cũng từng gây thắc mắc và cả ẩn ức. “Tiêu chuẩn nào, làm sao để trở thành hội viên HSK?” là một “khoảng trắng” với không ít NS, nhất là NS hoạt động nghệ thuật tự do. Việc giới hạn tuổi kết nạp hội viên cũng được xem là hạn chế của HSK khi đặt các NS lớn tuổi ra ngoài hội nghề nghiệp của mình.

Trong sáng 5/6, khi nhắc về KDL, thành viên Ban thường trực HSK cũng bày tỏ sự lo lắng về việc nơi đây hiện đang xuống cấp, nhưng không thể xây dựng mới hoặc sửa chữa, do HSK không có quyền sở hữu khu đất này; việc quản lý KDL hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn; một số phương án đã được đề xuất, nhưng còn vướng thủ tục… Trước những ý kiến của ban thường trực, sáng 6/6, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đến thăm KDL để có những ghi nhận chân thực về cơ sở vật chất và tâm nguyện của các NS.

Cuộc trò chuyện giữa phóng viên với bảo vệ KDL và các NS đang rất chân tình  thì mọi thứ thay đổi 180 độ, sau một cuộc điện thoại. Kết thúc cuộc điện thoại, bảo vệ KDL yêu cầu phóng viên không quay phim, không chụp ảnh. Nếu muốn quay phim, chụp ảnh hoặc phỏng vấn bất kỳ NS nào ở KDL, phải liên lạc với Ban AHNS và phải được sự chấp thuận (!?).

Hiểu công việc vất vả của những người làm công tác hội, chia sẻ khó khăn trong việc vận động kinh phí để chăm lo cho các NS già yếu, neo đơn và khâm phục sự kiên nhẫn, bền bỉ của những người trực tiếp chăm sóc các NS lớn tuổi ở KDL; nhưng cách ứng xử của một số thành viên trong Ban thường trực HSK lại quá khó hiểu. Những chuyện tưởng rất nhỏ, rất bình thường, lại được xử lý theo kiểu khác thường, khiến bao thắc mắc cứ mãi chồng chất. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI