Cũng may, khách hàng này còn giữ hóa đơn có in số sê-ri vàng nên công ty kinh doanh vàng tại TP.Biên Hòa chấp thuận mua lại miếng vàng theo giá niêm yết.
Người dân nên mua vàng tại các đơn vị đã được cấp phép để tránh mua phải vàng nhái
Vàng thau lẫn lộn
Vàng nhái SJC vẫn là vàng, có thể đủ trọng lượng nhưng không phải do SJC sản xuất hoặc tuổi vàng non (chỉ từ 95-97%), bị bào mòn ở góc, được dập khuôn, đóng bao bì của SJC. Do SJC chưa được phép mua vàng nguyên liệu nên người dân mua vàng nhái phải bán vàng ở nơi khác với giá vàng nguyên liệu, thấp hơn giá vàng SJC thật từ 2,5-3 triệu đồng/lượng. Công ty SJC cho biết, trong quá trình thu mua, vẫn thường phát hiện các miếng vàng nhái thương hiệu SJC, thường gặp nhất là vàng miếng SJC loại 1 lượng đã bị mài mòn (bào), không đúng trọng lượng tiêu chuẩn, hoặc bị làm nhái (cả bao bì), không đúng chất lượng vàng miếng SJC 9999.
Mặc dù SJC đã đưa ra hướng dẫn cụ thể cách phân biệt vàng nhái và vàng thật, nhưng theo các chủ cửa hàng vàng, người tiêu dùng bình thường khó phân biệt đâu là vàng thật, đâu là vàng nhái. Chủ tiệm vàng Kim Bảo (đường Phan Văn Hớn, H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, thỉnh thoảng, vẫn có người cầm vàng SJC ra nhờ xem giúp vàng thật hay vàng nhái, nhưng ngay cả người làm trong lĩnh vực vàng cũng không thể phân biệt được bằng mắt thường.
Hiện trên các diễn đàn mạng, nhiều người tỏ ra lo lắng, không biết vàng miếng SJC họ đang giữ là vàng SJC thật hay nhái. Họ không dám đem ra cửa hàng vàng SJC để kiểm định vì nếu là vàng nhái, theo nguyên tắc, Công ty SJC phải cắt vàng ra hoặc bấm lỗ làm dấu trên miếng vàng rồi mới trả lại cho khách (để tránh tình trạng vàng nhái SJC tiếp tục lưu hành trên thị trường) và nếu số lượng vàng nhái lớn, SJC sẽ thông báo để cơ quan công an thu giữ, điều tra.
Việc quản lý vàng đang bị thả nổi
Theo chuyên gia cao cấp về tài chính - ngân hàng, tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ, có lỗi không nhỏ của cơ quan quản lý khi để xảy ra tình trạng vàng thau lẫn lộn này, nhưng rốt cuộc chỉ có người tiêu dùng phải chịu thiệt. “Vàng nhái tràn lan, chênh lệch giá trị của vàng thật SJC và vàng nhái cao, trong khi việc quản lý vàng hiện đang bị thả nổi” - tiến sĩ Tuệ nhận định.
Mặc dù vàng nhái tràn lan, nhưng các báo cáo kiểm tra của các ngành chức năng không hề nhắc đến vàng. Theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, khi phát hiện vàng nhái, vàng giả, nhiệm vụ của chi cục là kiểm tra nguồn gốc thông qua hóa đơn, chứng từ mua bán, còn Ngân hàng Nhà nước, Sở Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ kiểm định chất lượng vàng. “Vì có đặc thù riêng, không giống các loại hàng hóa thông thường nên khi kiểm tra vàng, chúng tôi phải phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi chưa nhận được thông báo đề nghị phối hợp kiểm tra của hai đơn vị trên” - đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM nói.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện vàng miếng SJC không còn sức hút với người dân như trước đây, lượng giao dịch vàng miếng SJC ngày càng ít nên việc quản lý mặt hàng này không được chú trọng. Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM - cho biết, trước đây, người dân thích mua vàng miếng SJC vì cho rằng đây là vàng đạt chuẩn nhất, khó bị làm nhái, làm giả. Tuy nhiên, từ khi thị trường xuất hiện vàng nhái SJC, cộng với việc giao dịch vàng SJC có nhiều bất tiện nên người dân đã không còn “mặn mà” với vàng miếng SJC, chuyển sang mua vàng nguyên liệu. Trước đây, vàng miếng SJC sản xuất đủ loại, 1 lượng và dưới 1 lượng nhưng hiện vàng miếng SJC chủ yếu là vàng 1 lượng, loại dưới 1 lượng rất ít. Nguyên nhân là do Ngân hàng Nhà nước có quy định hạn chế mua vàng miếng dưới 1 lượng trong các tổ chức tín dụng. Việc không bán vàng miếng có trọng lượng thấp cũng ảnh hưởng đến sức mua của người dân vì đại đa số người dân có thói quen trữ vàng theo từng chỉ.
“Hiện nay, cả nước chỉ có 22 ngân hàng, 16 doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng SJC. Để tránh mua phải vàng nhái, người dân chỉ nên mua vàng SJC tại các địa chỉ được cấp phép của Ngân hàng Nhà nước. Khi mua, nên yêu cầu xuất hóa đơn ghi rõ số sê-ri để có thể khiếu nại khi gặp sự cố” - ông Nguyễn Văn Dưng hướng dẫn.
Song theo tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ, ngoài việc người dân chọn đúng điểm giao dịch, điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước cần phải có giải pháp rút ngắn cách biệt giá vàng thế giới và trong nước, để giảm mức lợi nhuận trong kinh doanh vàng và giảm tình trạng làm nhái vàng để kiếm lời.
22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được kinh doanh vàng miếng SJC
Các ngân hàng gồm: ACB, VietinBank, BIDV, Agribank, DongA Bank, Maritime Bank, Techcombank, Nam A Bank, HDBank, OCB, Southern Bank, Sacombank, SCB, TPBank, VietABank, VPBank, Eximbank, SEA Bank, MB Bank, SHB, MHB, OceanBank.
Các doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý TP.HCM - Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam; Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam (AJC); Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu; Công ty cổ phần Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI; Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam; Công ty TNHH một thành viên Kim Ngọc Phú; Công ty TNHH Mi Hồng; Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Ngọc Hải; Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Ngọc Thẫm; Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ); Công ty TNHH Vàng bạc Phúc Thành; Công ty cổ phần Thương mại vàng bạc đá quý Phương Nam; Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín; Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC); Công ty cổ phần Đầu tư vàng Phú Quý; Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
Nhiều thương hiệu trong lĩnh vực từ hàng gia dụng, thời trang, tới mỹ phẩm… đang ghi nhận doanh số tăng vọt khi chuyển đổi bán hàng qua hình thức livestream.
Quyết định giảm lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến giá vàng thế giới giảm mạnh, giá vàng SJC trong nước giảm gần 1,2 triệu đồng/lượng.