Vĩnh biệt đạo diễn - NSND Huỳnh Nga

Thả một dấu lặng chất chứa...

23/02/2020 - 23:32

PNO - Ông yên nghỉ. Còn bà, bao nhiêu năm hương lửa, giờ vẫn ngồi đó, như chờ ông sau mỗi đêm diễn, trong mỗi chuyến ông đi dựng vở ở tỉnh xa...

Trong gia tài nghệ thuật đồ sộ của đạo diễn - NSND Huỳnh Nga, tôi và các nghệ sĩ đoàn 2-84 may mắn vừa được gom góp vừa được thừa hưởng. Nếu Đời cô Lựu là một trong những tác phẩm kinh điển của nghệ thuật ca kịch cải lương, thì tài năng và tầm vóc của người tạo dựng nên nó - trên nền kịch bản của soạn giả Trần Hữu Trang đã chứng thực một đạo diễn Huỳnh Nga tinh tế, chuẩn mực, sang trọng. Ông không thích vẽ vời, chẳng chuộng sự ồn ào, hoành tráng. Ở ông là chất mộc mà thâm trầm, “thật” mà “đẹp”, cái đẹp nhuần nhụy và trữ tình, bay bổng và hào sảng. Rồi bất giác, thả một dấu lặng chất chứa, bùng nổ…

NSND Bạch Tuyết và NSND Minh Vương trong vở Đời cô Lựu - một dấu ấn dàn dựng của 
đạo diễn - NSND Huỳnh Nga
NSND Bạch Tuyết và NSND Minh Vương trong vở Đời cô Lựu - một dấu ấn dàn dựng của 
đạo diễn - NSND Huỳnh Nga

Trên sàn tập Đời cô Lựu, đến phân cảnh hội đồng Thăng (NSND Diệp Lang) cật vấn cô Lựu, những phác thảo đường dây ban đầu, đạo cụ không thể thiếu là cây ba-toong cho thấy thói “trưởng giả học làm sang“ của tay hội đồng. Ông lặng lẽ đến cạnh tôi, thì thầm: “Ở đoạn này, anh muốn để mặc cho hội đồng Thăng đay nghiến, chì chiết, la lối, Bạch Tuyết hoàn toàn im lặng, cả di chuyển em cũng gần như… bất động, thậm chí em như không thở vậy, cho đến khi tiếng ba-toong nện xuống sàn, em làm được không?”. Tôi gật đầu.

Trích đoạn vở Đời cô Lựu

Hôm diễn phúc khảo, tôi tuân thủ đường dây của đạo diễn. Những oan khuất, uất nghẹn lẫn tủi hổ và mặc cảm phụ tình như thể dồn nén hết trong sự câm lặng - báo trước cơn giông tố sẽ ập đến, tôi “nhốt” hết vào trong ánh nhìn, dáng đi, cách dâng gậy để sau câu thoại “mười chín, hai mươi năm, xương cha nó cũng mục huống gì xương con…”, tiếng ba-toong tọng xuống nền nhà, Lựu trong tôi vỡ ào như thác đổ. Tiếng gào thét tận tâm can của người vợ phụ chồng, người mẹ bị dứt bỏ con, của những bất công mà kẻ yếu thế phải gánh chịu, của phận người vong nô trong cảnh nhà tan, nước mất.

Đó là một chỉ đạo đường dây diễn xuất tài nghệ mà chỉ có những đạo diễn tài năng, làm đúng “chức phận” của mình, vẽ nên những đường nét chủ đạo cho vở diễn. Theo gợi ý và chỉ dẫn của đạo diễn Huỳnh Nga, sự giảng giải và uốn nắn của thầy tôi - NSND Phùng Há, ở màn dâng gậy, tôi giữ tư thế chân trụ, chỉ xử lý một, hai kỹ thuật thân đoạn, còn lại tập trung dồn nén cho âm thanh - không lời (thoại). Nó không hẳn là tiếng khóc, chẳng phải tiếng la, nó là thanh âm của sự câm lặng, phẫn uất, công phá trong cái vỏ bọc sang trọng mà cầm tù một phận số tôi đòi.

Tôi mang ơn ông một “phép tính” diễn xuất tuyệt vời như thế. Và nợ ông, một ân tình trong cõi nghệ thuật, sau cái vẻ thầm lặng, nhẫn nại ấy, lại thắp sáng cho bao nghệ sĩ biểu diễn vầng hào quang lộng lẫy. Để ngay thời khắc ấy, mấy ai chịu ngoái nhìn vào hai bên cánh gà, mà bắt gặp mái tóc bạc xoăn, ánh mắt nheo nhìn, khuôn mặt lúc nào cũng nhăn nhó, khó chịu, ông vẫn luôn ở đó.

***

NSND Bạch Tuyết thắp hương tiễn biệt NSND Huỳnh Nga tối 22/2 - Ảnh: Hòa Bình
NSND Bạch Tuyết thắp hương tiễn biệt NSND Huỳnh Nga tối 22/2 - Ảnh: Hòa Bình

Tối 22/2, tôi đến thăm ông. Bóng đêm ngập lối vào nhà tang lễ. Chỉ có quầng ánh sáng nhẹ nhàng hắt lên gương mặt trầm tĩnh, dí dỏm, có chút kiêu bạc của người đạo diễn tài hoa. Như những ngày ông vẫn lặng lẽ ngồi nơi hàng ghế đầu, kiên nhẫn, bao dung chờ lớp cháu con là diễn viên, nhạc công tới trễ trong các buổi tập tuồng. Không một lời trách mắng. Vẫn tận tình chỉ dẫn. Đôi chút càm ràm. Thương ông, thương cả cho mình, cải lương vẫn dạt dào, chỉ có người ca hát cải lương đang tự phụ lòng nhau…

Ông yên nghỉ. Còn bà, bao nhiêu năm hương lửa, giờ vẫn ngồi đó, như chờ ông sau mỗi đêm diễn, trong mỗi chuyến ông đi dựng vở ở tỉnh xa. Tôi chỉ biết nắm tay người ở lại, bái biệt người ra đi, kịp gieo lại cho nhân gian những vở tuồng hay, những vai diễn đẹp…

NSND Bạch Tuyết

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI