Chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ: có trái luật?
Theo Nghị định 79/2012/NĐ-CP (đang được áp dụng hiện hành), tại khoản 1 điều 19 có quy định cụ thể về điều kiện thí sinh dự thi nhan sắc trong nước như sau: là nữ công dân Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có vẻ đẹp tự nhiên (chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ); có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên; không có tiền án; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đáp ứng các tiêu chí của cuộc thi do BTC quy định.
Tuy nhiên, ngày 1/2 tới đây, Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thi người đẹp… sẽ có hiệu lực, thay thế cho Nghị định 79/2012/NĐ-CP hiện hành. Trong đó, phần quy định về thi người đẹp trong nước, luật chỉ kiểm soát đơn vị tổ chức, hoàn toàn không có điều khoản nào quy định đối với người dự thi.
|
Nguyễn Thị Thành từng bị thu hồi danh hiệu Á khôi 1 (Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017) vì tám chiếc răng sứ |
Ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho biết mỗi cuộc thi sẽ có đề án, quy chế riêng để tuyển lựa thí sinh theo quy định mới. Những nội dung này được trình bày trong đề án tổ chức cuộc thi, gửi đến UBND cấp tỉnh nơi diễn ra cuộc thi. Đây cũng là cơ quan quản lý nhà nước cấp phép theo quy định mới.
Như vậy, trong thời gian tới, không chỉ thi người đẹp quốc tế, mà ngay cả trong nước cũng sẽ được thả lỏng hơn.
Đặt hết trách nhiệm cho đơn vị tổ chức có thực sự an tâm?
Thực tế, có một số sự can thiệp như: làm răng sứ, cắt mí… không làm thay đổi quá nhiều về nhân dạng, nhưng trước đây đều không được chấp nhận. Hiện tại có rất nhiều hình thức chỉnh sửa không xâm lấn như: nắn xương mặt, nâng ngực tiêm mỡ tự thân, tiêm chất làm đầy… Vì thế, quy định hiện hành trong Nghị định 79/2012/NĐ-CP đã không còn bắt kịp thực tế. Thậm chí, khi còn giữ quy định này, một số sân chơi cũng đã để thí sinh có chỉnh sửa nhỏ “lọt cửa”, nhiều nhất là trường hợp răng sứ - có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Nhiều cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia của nhiều nước cũng không hạn chế thí sinh đã qua phẫu thuật. Các sân chơi quốc tế, đều không cấm việc này. Không ít người đẹp Việt sau khi đăng quang cũng lập tức “tân trang” để dự thi quốc tế. Vì thế, sự tháo bỏ quy định cũ ở một mặt nào đó cũng là điều đương nhiên để tiếp cận gần hơn với các cuộc thi và thí sinh quốc tế.
Tuy nhiên, với nghị định mới, nỗi lo sẽ nhiều hơn vui mừng. Sẽ ra sao nếu một cô gái chưa thành niên, chưa hoàn thiện về mặt nhận thức, tư duy, vẫn được chấp nhận tham gia một cuộc thi nhan sắc trong nước?
|
Theo quy định tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP, thí sinh dự thi nhan sắc trong nước chịu nhiều quy định ràng buộc |
Nỗi lo thí sinh dự thi nhan sắc đều có trình độ học vấn thấp hoặc chưa tốt nghiệp trung học phổ thông cũng không thừa. Thêm nữa, khi quy định “không có tiền án, không trong thời gian chịu trách nhiệm hình sự” bị hủy bỏ, rào cản nào để kiểm soát nhân thân, hành vi của các thí sinh này? Trong khi hoa hậu vẫn đang là hình mẫu được cộng đồng đề cao, xem trọng.
Rõ ràng, trừ quy định cấm phẫu thuật thẩm mỹ, thì một số nội dung trong Nghị định 79/2012/NĐ-CP vẫn còn phù hợp và được xem như tấm chắn hữu hiệu để sàng lọc các đối tượng dự thi nhan sắc. Xóa bỏ toàn bộ nội dung của nghị định cũ để áp dụng cái mới hoàn toàn, liệu đây có phải là sự thay đổi an toàn?
Các cơ quan chức năng đang muốn đưa những cuộc thi nhan sắc trở về với vị trí chỉ là chương trình mang tính giải trí đơn thuần, khi luật định cởi mở hơn: đưa quyền cấp phép về cho địa phương, bỏ nhiều quy định với BTC, thí sinh… Tuy nhiên, khi trong thực tế, những sân chơi nhan sắc vẫn đang có tầm ảnh hưởng lớn với công chúng, đặc biệt với thế hệ trẻ, thì mọi sự đổi thay cần thận trọng và không nên vội vã.
Vẫn cần có những khuôn khổ nhất định để định hướng giá trị thẩm mỹ cho công chúng, lẫn người tham gia dự thi. Trong đó, việc tuyển lựa thí sinh chất lượng là một trong những điều quan trọng.
Theo như quy định mới thì trách nhiệm này, gần như thuộc về BTC và địa phương đăng cai, chứ không còn thuộc những cơ quan cấp cao như Cục Nghệ thuật Biểu diễn, hay Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch những đơn vị đầu tàu, có chuyên môn lẫn tầm nhìn.
UBND tỉnh, thành - một chủ thể mới toanh trong nghị định về biểu diễn và thi sắc đẹp - liệu có nhìn thấy được những đặc thù của các sân chơi nhan sắc như cơ quan quản lý nhà nước có chuyên môn về lĩnh vực này để đưa ra quyết định phù hợp?
Trên lý thuyết, việc nới lỏng các quy định sẽ đặt trách nhiệm lên vai các đơn vị tổ chức, buộc họ phải cẩn trọng để bảo vệ uy tín thương hiệu và thể hiện trách nhiệm với công chúng, cộng đồng. Nhưng thực tế, không ít đơn vị tổ chức khi luật còn nghiêm, chặt, vẫn cố tình lách, hoặc làm trái luật. Khi luật định được nới lỏng, liệu niềm tin có trở thành xa xỉ, khi quyền quyết định đang được trao gần như trọn vẹn cho đơn vị tổ chức?
Mỗi nghị định sẽ có thông tư hướng dẫn đi kèm, hy vọng cơ quan quản lý sẽ sớm nhìn thấy những bất cập để tiếp tục có sự điều chỉnh hợp lý hơn. Hoạt động quản lý cần cởi mở, nhưng không có nghĩa là thoáng quá mức.
Trung Sơn