|
Phải chăng đàn ông ra nước ngoài thì được thoải mái thử những cuộc tình chóng vánh (Ảnh minh họa) |
Nhân chuyện lùm xùm trong giới văn nghệ sĩ, dư luận ồn ào, người bênh vực, kẻ chỉ trích. Những ý kiến trái chiều bộc lộ tảng băng ngầm trong quan niệm xã hội, đặt ra nhiều câu hỏi không dễ trả lời. Việc dư luận quan tâm bày tỏ thái độ cũng thể hiện sự đa chiều, rộng rãi của dư luận.
Ý kiến thẳng thắn nhất, nghịch nhĩ nhất, nhưng có lẽ cũng được khá đông người (âm thầm) đồng ý, cho rằng đàn ông ra ngoài (cũng là ra nước ngoài) có chuyện này chuyện nọ là bình thường, ai cũng muốn thử cái khác, cái lạ… ai bị phát hiện là do... xui!
Chắc chắn trong số những người tán thành có cả đàn ông, đàn bà. Chuyện là, tại sao khi xa nhà người ta hay dễ dãi? Các chuyên gia cho rằng, đó là tình trạng thoát khỏi ức chế, một kiểu ảo tưởng về tự do của con người. Trước hết là suy nghĩ mình đã ở xa, xa đến nỗi “không ai biết”. Không phải chỉ đàn ông, cả phụ nữ cũng có tâm lý ấy.
Với đàn ông, đó có thể là ham muốn tình dục, mong muốn thử nếm của lạ. Người ta cũng không ít lần chứng kiến các quý bà sa ngã, hay vài phụ nữ giàu có thò tay ăn cắp trang sức, đồng hồ, thậm chí chỉ là món hàng giá trị nhỏ trong siêu thị. Điểm lại, mỗi năm báo chí nêu không ít vụ phạm pháp theo kiểu đó. Công chúng ngỡ ngàng vì ở nhà họ là người không đến nỗi, không hiểu sao ra nước ngoài lại
làm thế.
Ở đây có chuyện không hiểu biết pháp luật, nhưng động cơ mạnh hơn là vì người ta xa rời cái khung cảnh xã hội họ phải trải qua thời gian, từng bước hình thành vị trí của mình; nơi có nhiều ràng buộc; nơi các quy tắc, luật lệ được đại diện bởi sự quen thuộc đã khắc vào tâm trí thành phản ứng xã hội. Xa rời bối cảnh đó, cũng là xa rời cái chuẩn mực mà xã hội công nhận mình, kỳ vọng vào mình, người ta thành vô danh. Một kẻ vô danh dễ cẩu thả, không chỉ với bản thân mà còn với những mối quan hệ mà họ nghĩ là đã để lại ở nhà, rất xa.
Tuy nhiên, cái kiểu “làm không ai biết thì không có tội”, kiểu thả lỏng bản năng… không thể đẩy lên thành “văn hóa” đàn ông. Thời nay, nói đến “trọng nam kinh nữ” nghe có vẻ xa xôi, như chuyện của một ngàn chín trăm hồi đó… Thời mà các bà mẹ chồng trừng mắt nghiêm giọng nói với con dâu: “Chồng bây có thêm em út, cũng là chuyện nhỏ, bây là vợ phải biết chiều chồng”. Thời mà ngay cả mẹ ruột cũng khuyên con gái: “Đàn ông mà con, ra đường ong bướm thôi, chớ vợ cái con cột, dại sao mà bỏ”. Thời, ở vào thế yếu, sống kiếp lệ thuộc, phụ nữ đành ngậm ngùi chịu đựng kiếp “chồng mình ra đường thì không còn là chồng mình”.
Vậy mà, đến bây giờ, chuyển sang thời 4.0, phụ nữ tự mình nuôi thân, có quyền tự sinh con… cái dấu vết của sự “khinh nữ” đó vẫn nguyên si và lộ ra khi có điều kiện phát biểu. Với tư duy “đàn ông thử của lạ” là chuyện bình thường, đàn bà tự dìm hàng mình, tự khinh mình khi coi phe mình là “hàng mới” của đàn ông. Đàn bà tự coi thường mình, cũng là coi thường đàn ông.
Cũng có ý cho rằng, nói đàn ông dù có vợ con, ông nào không ham của lạ mới không bình thường, là một kiểu đá xéo của phụ nữ, khuyên nhau “đàn ông là như vậy”, thì đàn bà tụi mình cũng dại gì mà “một chồng”. Tuy nhiên, lối nghĩ này cũng đẩy cả hai phái vào bế tắc, bởi thả lỏng bản năng chưa bao giờ được xem là tự trọng, tôn trọng người khác.
Tình một đêm, tình qua đường không thể xem là chuyện vui chơi giải trí xả stress. Với đa số bà vợ, khó mà tha thứ chuyện các ông chồng ăn vụng chùi mép. Vậy nên, các bà khác bênh vực đàn ông bằng cách cho đây là chuyện giải trí bình thường cũng như giúp kẻ ăn vụng chùi mép một cách lộ liễu. Đây là chuyện coi thường vợ con, một cái tát rát mặt vào hạnh phúc gia đình.
Cũng không thể nói theo kiểu “ai chẳng có lần…” để kết luận phải chấp nhận đây là “chuyện bình thường thôi”. Đó là cách lập luận lấy cái xấu để đánh vào tâm lý của người khác, nhấn mạnh đến khía cạnh tiêu cực trong tính cách của con người để người ta không dám lên tiếng bênh vực cái tốt, cái tích cực.
Tranh luận thế nào đi nữa, cũng khó có thể chấp nhận đây là việc “bình thường”. Chuẩn mực văn hóa ở đâu cũng là chuẩn mực. Quan niệm cho đó là chuyện thường là hạ thấp phẩm giá của các đức ông chồng, là tiêu hủy niềm tin.
|
Nếu đã có hình bóng vợ con, sẽ biết nói không với những trò vui chơi giải trí không lành mạnh (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) |
Các bà vợ nói riêng, và phụ nữ nói chung, nên mừng vì vụ tranh luận công khai này. Đây là một cơ hội để nói lại một điều tưởng chừng đã cũ: người chung thủy, người tự trọng, dù trước cám dỗ ngọt ngào đến mấy, vẫn giữ mình. Nếu đã có hình bóng vợ con trong tim, anh sẽ nói không với những chuyện “vui chơi giải trí” có thể khiến những người thân yêu đau lòng. Đó mới là chuyện bình thường.
Hoàng Mai