"Thà lấy vợ công nhân, đừng nên lấy tiến sĩ"

02/06/2016 - 09:11

PNO - Tôi lấy được cô vợ đam mê nghiệp học hành, theo đuổi bằng cấp chán chê rồi quay ra coi thường chồng.

Khi quen em, em đã là một thạc sĩ triết học với lối sống rất khoa học và thông minh. Tôi bị em hớp hồn ngay từ lần đầu gặp mặt bởi sự dí dỏm, hài hước mà vẫn rất học thức của em.

Tôi chắc mẩm nếu lấy được em làm vợ thì cuộc sống gia đình sẽ vô cùng sung túc và văn minh. Rồi con cái tôi sau này cũng được thừa hưởng sự giáo dục của một bà mẹ gương mẫu.

Khi quen em, em rất thông minh, xinh đẹp, ứng xử dí dỏm, hài hước.

Tôi và em lấy nhau được hai năm, có với nhau một bé gái thì em quyết định học lên tiến sĩ. Dù chỉ là một anh kĩ sư quèn nhưng tôi cũng rất ủng hộ việc vợ học cao với hy vọng học thức càng cao, công việc, lương lậu của em sẽ càng ổn và đặc biệt là con tôi sẽ được hãnh diện về mẹ nó. Nhưng tôi đã lầm!

Kể từ sau cái ngày vợ tôi làm lễ bảo vệ luận án tiến sĩ và nhận bằng tiến sĩ, thái độ của em với tôi bỗng dưng thay đổi. Mỗi lần tôi và em có xích mích chuyện gia đình là em lại lôi cái danh tiến sĩ của em ra để lý luận với tôi.

Em bảo tôi là học được đến cái kĩ sư thì thấm thía vào đâu, hiểu gì bản chất này với bản chất kia, toàn những thuật ngữ triết học em lôi ra mổ xẻ, phân tích và nhồi nhét vào đầu tôi. 

Tôi sẽ không uất nghẹn nếu cô vợ tiến sĩ của tôi chỉ dừng ở mức lí sự cùn nhưng em lại ra cái vẻ khinh khỉnh, lôi bằng cấp ra để hạ thấp tôi. Dù ở đâu, hễ có cơ hội là em lại lôi mấy cái bằng giấy ấy ra để chứng minh mình giỏi, hơn người.

Từ ngày làm tiến sĩ, cô tỏ thái độ khinh khỉnh chồng, thường xuyên đấu khẩu với chồng để chứng tỏ bản thân.

Để lấy được cái bằng tiến sĩ cho em, bản thân tôi đã phải đánh đổi nhiều thứ. Em ngốn vào cái học vị tiến sĩ của em không biết cơ man nào là tiền của, thử hỏi tiền đó ở đâu ra!? Vì tôi mù quáng ủng hộ em hết mình mà oằn lưng ra làm, chạy vạy, thêm thắt được hơn trăm triệu chi cho em đủ thứ tiền mà em vẽ ra để lấy được cái bằng. Nào tiền thầy cô, quà cáp, nào tiền học song song hai ngoại ngữ, tiền đi ra nước ngoài nghiên cứu, lấy dữ liệu,… Còn em, tiền làm nhà nước, lương chả được mấy đồng, chả đủ tiền mua sữa cho con hàng tháng.

Đánh đổi tiền bạc là một chuyện, đánh đổi con cái là một chuyện còn tồi tệ và kinh khủng hơn. Suốt thời gian học lên tiến sĩ, em hết giam mình trong phòng nghiên cứu lại lên cơ quan nghiên cứu tiếp. Rồi suốt ngày em kêu bận, đau đầu, mệt mỏi, vì sợ em bị stress mà tôi đã phải gửi con về quê một thời gian. Con về quê quấy khóc vì thiếu hơi cha mẹ nên ông bà cũng không thể kham nổi, lại gửi con lên thành phố.

Cô vợ tiến sĩ quên thiên chức làm mẹ, vùi đầu vào công việc mà quên đi con cái.

Nhiều tối nó khóc đòi mẹ mà người bố như tôi muốn đứt từng khúc ruột, thử hỏi lúc đó em ở đâu!? Vợ người ta thì thủ thỉ với con cái, dạy dỗ con cái ân cần từng li từng tí, nghiên cứu cách chăm con từ trong nước đến nước ngoài, còn em thiên chức làm mẹ đó em cũng dành phần tôi. Tất cả những điều đó tôi cam chịu để em đạt được mục tiêu của mình.

Hy vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu. Những tưởng trở thành một tiến sĩ thực thụ rồi thì em sẽ dùng cái chức danh đáng ngưỡng mộ đó ra để dạy dỗ con, bù đắp cho con những thiếu sót bấy lâu của em. Ai ngờ, lấy được cái bằng, em lại vùi đầu vào công việc ở cơ quan với lí do là kiếm tiền bù. Thế còn con, em định để cho ai hả cô vợ tiến sĩ của tôi? Con bé cũng chập chững bước vào lớp 1 đến nơi rồi.

Tôi thực sự mệt mỏi với cô vợ tiến sĩ, nhiều lúc tôi chỉ ước thời gian quay lại tôi sẽ lấy một cô công nhân bình thường nhưng biết trân trọng tôi, trân trọng gia đình tôi và yêu thương, chăm lo cho con cái hết lòng, làm tròn trách nhiệm, thiên chức của người làm vợ, làm mẹ, thế là đủ.

Bảo Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI