Thả hoa đăng, phúc khí cầu tại lễ hội: Từ văn hóa, đến lo ngại về môi trường

04/02/2023 - 16:11

PNO - Nhiều người bày tỏ sự lo ngại với việc thả hoa đăng, phúc khí cầu sẽ gây ảnh hưởng môi trường, khi một lượng lớn vật liệu nhựa được sử dụng.

 

Thả hoa đăng là hoạt động phổ biến trong các lễ hội đầu năm, đặc biệt dịp rằm tháng Giêng
Thả hoa đăng là hoạt động phổ biến trong các lễ hội đầu năm, đặc biệt dịp rằm tháng Giêng

Tối 3/2 (13 tháng Giêng âm lịch), 4.000 hoa đăng được thả xuống sông Đồng Nai trong khuôn khổ Lễ hội chùa Ông (Thất phủ cổ miếu). Trước đó, vào buổi sáng, một con rồng làm bằng bong bóng và gần 1.000 quả phúc khí cầu được thả lên trời, cũng trong sự kiện này.

Trước đó, tối 2/2, hàng trăm hoa đăng được thả xuống sông Sài Gòn (tại khu vực chùa Diệu Pháp, quận Bình Thạnh, TPHCM). Tại Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, ở chùa Tượng Sơn (xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cũng diễn ra hoạt động thả đèn hoa đăng… 

Đầu năm mới, đặc biệt thời điểm rằm tháng Giêng, là lúc hoạt động thả hoa đăng rất phổ biến tại nhiều lễ hội, chùa chiền. Người dân thả hoa đăng cầu bình an, gửi gắm những mong ước tốt đẹp cho năm mới.

Tuy nhiên, hoạt động này gây ra không ít băn khoăn về vấn đề môi trường ở thời điểm hiện tại. Hoa đăng thường được làm bằng giấy, bằng nhựa, hoặc mút xốp, có nến để trong ly thủy tinh để tránh gió mạnh thổi tắt. Vì thế, nhiều người lo ngại sau khi sử dụng xong, những đèn hoa này sẽ “đi đâu về đâu”, hay sẽ tồn đọng trong sông nước đến hàng chục năm sau vẫn chưa thể phân hủy?

Thả đèn hoa đăng tại chùa Diệu Pháp, quận Bình Thạnh, TPHCM) vào dịp rằm tháng Giêng
Thả đèn hoa đăng tại chùa Diệu Pháp, quận Bình Thạnh, TPHCM) vào dịp rằm tháng Giêng năm 2019

Nhiều ngôi chùa hiện đang bố trí lực lượng tình nguyện viên để vớt hoa đăng sau khi thực hiện xong nghi lễ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, liệu họ có thể vớt được 100% hay không, khi số lượng đèn lên đến hàng trăm, hàng ngàn chiếc? Hoạt động này cũng đang được mở rộng quy mô ở nhiều nơi.

Theo quan sát tại một buổi thả đèn hoa đăng vào dịp này cách đây 4 năm, lực lượng tình nguyện viên rất khó để vớt được toàn bộ hoa đăng vì trời tối, gió và sóng khiến các ngọn đèn bị đẩy đi khá xa. Còn với phúc khí cầu, việc thu hồi gần như là không thể. 

Nhiều quả bóng bay được thả trong hoạt động thả phúc khí cầu
Nhiều quả bóng bay được thả trong hoạt động thả phúc khí cầu

Nguyện cầu bình an, gửi gắm những mong ước cao đẹp là nhu cầu chính đáng của con người. Hoa đăng là hình ảnh, gắn liền với văn hóa Phật giáo qua lịch sử hàng ngàn năm. Thượng toạ Thích Nhật Từ (Phó trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, Phó viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho biết hình ảnh hoa đăng có nhiều ý nghĩa.

Đầu tiên, hoa đăng thể hiện cho lòng thành kính của người tu học với đức Phật, ở góc độ tín ngưỡng. Trong nhiều bài kinh phật sử dụng hình ảnh ánh sáng làm ẩn dụ. Thắp sáng ngọn đèn trong hoa đăng tượng trưng cho việc thắp sáng ngọn đèn trí tuệ, dẫn dắt, chỉ lối con người đến những điều tốt đẹp, khép lại bóng tối, nỗi đau. Ánh sáng cũng tượng trưng cho chân lý. 

Trong đời sống, từ xưa người dân cũng quan niệm thả hoa đăng để mong cầu hòa bình, cầu bình an cho người sống và cầu siêu độ cho người đã khuất... Những mong ước này cũng hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, những lo ngại về ô nhiễm môi trường là điều đáng suy xét. Nên chăng đi liền với thả hoa đăng là những giải pháp được chuẩn bị từ đầu (sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, số lượng, quy mô, cách thức thu gom...) để giải quyết triệt để những lo ngại trên, nhằm mang đến hình ảnh đẹp cho hoạt động văn hóa, lễ hội.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI