Thà đành dở dang

16/10/2017 - 18:00

PNO - Chiếc xe chao nghiêng khiến người đàn ông đi sau giật mình, thắng gấp kèm tiếng quát: 'Đi đứng kiểu gì thế?'. Dòng tin nhắn vừa nhận từ số máy lưu tên 'bố Cò' đã lấy mất hồn vía chị.

“Cho anh cơ hội để về với con và em”. Anh nhắn như thế sau hai năm bốn tháng mười một ngày rũ bỏ chị mà đi.

Tha danh do dang
Ảnh minh họa

Hơn mười năm trước, quê chị rộ lên phong trào trồng cây dó bầu để cấy nuôi trầm hương nhân tạo. Lúc ấy, nhiều nhà chưa biết cách lấy trầm nên phải thuê thợ từ nơi khác về thu hoạch. Cơ duyên đưa đẩy anh vào làm cho nhà chị. Anh ở lại mấy tháng thì bén duyên luôn với con gái chủ nhà. Ba mẹ chị mừng, vì con gái đã một lần dang dở, trong khi anh nhanh nhẹn, tháo vát, thạo nghề. Ba chị hứa khi hai người lấy nhau, ông sẽ cắt đất cho làm nhà, giao luôn mấy héc ta trồng dó bầu để làm ăn. Anh thuận tình, còn chị dù chưa thực sự yêu cũng mềm lòng khi nghe giọng nói miền ngoài ngọt ngào của anh.

Khi đám thợ rời làng là lúc anh chị nên duyên. Có điều, khi ba chị giục anh về quê làm giấy tờ để hoàn tất thủ tục kết hôn, anh cứ ngần ngại. Mãi khi cu Cò lên hai tuổi, chuyện giấy tờ vẫn chưa xong. Ba chị buộc phải cân nhắc chuyện cắt đất, giao sổ đỏ cho vợ chồng con gái; còn anh thì lấy cớ đó để hục hặc chị, nào là nhà chị lừa anh vào tròng, con gái lỡ duyên nên kiếm cớ ràng buộc…

Có lần, chị phát hiện anh vẫn hằng tháng chuyển tiền về quê. Hỏi thì anh mắng, bảo chị ích kỷ, tiền anh kiếm ra thì anh có quyền tiêu. Chị không cãi, chỉ thấy buồn cười, bởi sau vụ thu hoạch trầm năm đó, quê chị cũng bỏ luôn nghề trồng dó bầu; anh chỉ quẩn quanh những việc linh tinh, chi phí hằng tháng đều do một tay chị. Chị chấp nhận cuộc sống hôn nhân bạc bẽo, bởi một lần dở dang khiến chị như “chim sợ cành cong”. Cái phần “bí mật” anh cố gắng giữ, chị không tìm hiểu nữa. Biết càng nhiều, có khi tim lại càng đau. Ở vùng quê này, mang cái tiếng “bỏ chồng” oan nghiệt lắm. Chị sợ ba mẹ mình lại buồn.

Tha danh do dang
Ảnh minh họa

Nếu không vì hai con, chắc chị đã tìm cách kết thúc cuộc sống dằng dặc đau khổ này. Phải mất một thời gian khá dài chị mới có thể trở lại bình thường, dù tim vẫn nhói lên khi có ai vô tình nhắc tên anh. Chị đã cố gắng sống, giấu đi những giọt nước mắt tủi hờn. Từ ngày anh đi, chị biết, ba mình luôn sống trong dằn vặt vì cho rằng đã đẩy con vào nơi không đáng. Chị tự hứa sẽ quên đi tất cả những thứ thuộc về anh.

Nhưng mặc cho chị cố chịu đựng, sau một lần cãi vã, anh đột nhiên bỏ nhà đi. Ba chị an ủi con: “Cũng may, chẳng liên quan giấy tờ tài sản gì nên đỡ phức tạp”, nhưng chị vẫn thấy đau. Dẫu yêu thương không sâu đậm, tình cảm “đầu gối tay ấp” bấy nhiêu năm đâu dễ gì rũ bỏ ngay, nhất là khi con trai đêm ngủ vẫn giật mình gọi bố. Nhiều lúc, chị muốn đi tìm anh để hỏi sao lại tàn nhẫn với chị như thế. Nhưng một dòng địa chỉ chị còn không có thì biết tìm anh nơi đâu. Suốt bao năm sống chung, chị chỉ biết quê anh ở một vùng ven sông Hồng.

Quyết tâm là thế, nhưng khi dòng tin nhắn đến, chị thấy mình yếu đuối. Đã bao nhiêu lần chị định xóa số nhưng lại không thể, bởi đó là kênh liên hệ duy nhất giữa con chị và cha nó. Sâu thẳm trong tim, chị vẫn đợi một cuộc điện thoại từ anh, dẫu biết sẽ lao xao. 

Lam Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI