PNO - Nếu thế giới sách luôn mang đến cho trẻ những câu chuyện hay, thông điệp có ý nghĩa, truyền cảm hứng, nuôi dưỡng giấc mơ… thì mạng xã hội lại đầy rẫy những chương trình giải trí vô bổ, thậm chí nguy hại.
Người lớn đã nói với nhau rất nhiều về văn hóa đọc, những tiết đọc sách trong trường học, trách nhiệm của phụ huynh/gia đình hay thầy cô giáo/nhà trường trong việc nâng cao ý thức đọc, gìn giữ thói quen đọc sách của trẻ nhỏ. Nhưng, nếu chỉ là người lớn nói cho nhau nghe thì câu chuyện “thói quen đọc” hay “phát triển văn hóa đọc” cũng chỉ nằm trên bàn hội thảo, với những kỳ vọng… Giờ là lúc người lớn cùng “làm - thả con trẻ vào thế giới sách bằng những hoạt động thiết thực, sống động, dẫn dắt và ý nghĩa”.
Cho con những sân chơi thú vị
Buổi đọc mới nhất của dự án Cây xanh rì rào diễn ra vào sáng 4/4 tạo Thảo Cầm Viên. Có hai suất đọc: từ 8g-10g30 dành cho các bé trong độ tuổi từ 8-12 tuổi và từ 10g30-12g dành cho các bé từ 4-7 tuổi. Các tác phẩm được chọn đọc lần này là: Beautiful oops, The Tiger who came to tea (bản tiếng Anh) và Những chuyện kể của Thornton Burgess, Cổ tích muôn loài (bản tiếng Việt).
Cây xanh rì rào (dự án đọc sách cho trẻ của Kafka Bookstore) được khởi động trở lại từ ngày 14/3 sau thời gian gián đoạn vì COVID-19, diễn ra vào mỗi sáng (hoặc chiều) Chủ nhật, định kỳ 2 tuần/lần tại Thảo Cầm Viên. “Chúng tôi cũng khuyến khích phụ huynh đăng ký tham gia đọc sách cho các con, hiện đã có một số phụ huynh cùng tham gia với chương trình. Mặc dù số lượng trẻ nhỏ đến chưa quá đông, chúng tôi vui vì các em cứ mong chờ có sự kiện để được đi nghe đọc sách. Có phụ huynh chia sẻ rằng, tối tối con cứ bảo mẹ “làm cô Thảo Cầm Viên đi, để đọc sách cho con nghe” - chị Trần Thị Thanh Thuận, chủ hiệu sách Kafka, người sáng lập dự án - bày tỏ.
Trước đó, từ ngày 17-21/3, một triển lãm sách và hòa nhạc chủ đề Trái tim của mẹ - Điều kỳ diệu nhất trên đời cũng đã diễn ra tại Nhà xuất bản Kim Đồng (55 Quang Trung, Hà Nội). Không chỉ có sách, bạn nhỏ đến tham dự còn có thể nhìn ngắm những bức tranh minh họa từ cuốn sách Trái tim của mẹ (tác giả Phạm Thị Hoài Anh) được in khổ lớn, cùng những thông điệp ý nghĩa từ sách. Một trong những hoạt động khiến nhiều phụ huynh cảm động là Lời yêu thương gửi Mẹ. Những trái tim được sắp xếp khéo léo bên dưới thảm lá khô để các con đi tìm và tặng mẹ. Ban tổ chức cũng chu đáo chuẩn bị những chiếc ghế, thảm cói ở khu vực dành cho các em nhỏ tự do trải nghiệm, khám phá những trang sách dành cho lứa tuổi mình.
Đây cũng là lần đầu một dự án theo mô hình triển lãm sách - tranh - âm nhạc - tương tác - sân chơi vẽ tranh cho thiếu nhi được tổ chức. Chị Phạm Thị Hoài Anh, người thực hiện dự án cũng là người thường xuyên có mặt trong những chương trình đọc sách cùng trẻ nhỏ từ Hà Nội đến TP.HCM. “Tôi dành thời gian mỗi ngày ở triển lãm để quan sát các bé đến chơi. Nhiều bé nằm dài trên thảm cói say sưa xem sách hoặc tỉ mẩn ngồi vẽ thật nhiều trái tim lên tấm bưu thiếp để mang về tặng mẹ. Tất cả những khoảnh khắc đó đều khiến tôi cảm động bởi sự hồn nhiên và niềm vui giản đơn của trẻ nhỏ - những niềm vui mà vì nhịp sống đô thị bận rộn, gấp gáp các con đã không có cơ hội trải nghiệm và tận hưởng hằng ngày”- chị Hoài Anh chia sẻ.
Hưởng ứng việc đưa tiết đọc sách vào trường học, nhiều trường THCS ở thành phố đã thí điểm việc cho học sinh đọc sách như một giờ học chính khóa. Bên cạnh việc tổ chức những hoạt động đọc sách cho trẻ tại thư viện, trường học, tham gia các buổi giao lưu - tương tác tại Đường sách TP.HCM, việc mở rộng không gian đọc, “thả” con trẻ vào trang sách theo nhiều hình thức, trải nghiệm đa dạng như mở triển lãm - hòa nhạc, đọc sách dưới vòm cây cũng là điều rất đáng khích lệ.
Ngày 20/3 vừa qua, câu lạc bộ Truyền thông - MC nhí tổ chức Tiết học xanh, tại sân vườn Bảo tàng TP.HCM cho các em nhỏ tiếp cận bộ ba cuốn truyện tranh khổ lớn vừa phát hành của nhà văn Võ Diệu Thanh: Bí mật bên khóm hoa quỳnh, Chú ong bé bỏng và Khu vườn trong mơ. Nghe đọc truyện, chia sẻ cảm nghĩ về câu chuyện, được truyền cảm hứng thử nghiệm tự tay làm những chú chim, bướm dưới ánh đèn, tham quan và nghe thuyết minh về những hiện vật trong bảo tàng… là những gì các bạn nhỏ “thu hoạch” được từ buổi nghe đọc sách bên gốc cây vú sữa của Bảo tàng TP.HCM.
“Thả con vào môi trường nào, con sẽ trưởng thành theo môi trường ấy”
Tuổi hai người mẹ ấy chỉ cách nhau hơn một thập niên nhưng chia sẻ về câu chuyện “dỗ con ăn” thật khác. Chị Phạm Thị Thanh Nga (giáo viên, ngụ quận 7, sinh năm 1973) nhớ lại quãng thời gian chăm con nhỏ, bữa ăn nào cũng kiên nhẫn hàng giờ đồng hồ đút cơm cho con; lúc dỗ dành trong nhà, khi bồng bế con đi khắp xóm. Chị Ngọc Minh (quận 10, sinh năm 1986) thì khác. Cứ đến bữa ăn là con chị tha hồ xem YouTube. “Cho xem chương trình thì bé sẽ ăn nhanh hơn” - lý do đó khiến con chị Minh luôn được mẹ cho chơi iPad, điện thoại, tha hồ xem các chương trình trên mạng.
Chỉ trò chuyện sơ qua với hai bà mẹ đã thấy sự khác biệt trong cách giáo dục của hai thế hệ. Cha mẹ nghĩ rằng cho con xem YouTube thì con sẽ đỡ quấy nhưng hệ quả của việc này chính là đã vô tình tạo cho con bước đi đầu tiên trên con đường… nghiện YouTube.
“Thả con vào môi trường nào, con sẽ trưởng thành theo môi trường ấy” - nhà văn Võ Diệu Thanh nói. Thời đại công nghệ, con trẻ không thể tách rời không gian - môi trường xã hội với nhiều tiện ích từ iPad, smart phone. Song, nếu không được định hướng, trẻ có thể sẽ lạc vào thế giới ảo với vô vàn cám dỗ. “Tôi luôn nói với các bạn trẻ rằng, các bạn hãy tận dụng tối đa cơ hội, trải nghiệm. Đối với các con tôi, nếu muốn con tự đọc/tự học, tôi sẽ có cách “thả thính” - tức là phải dụ dỗ con rằng đọc xong nửa quyển sách thì được xem ti vi 30 phút chẳng hạn. Hãy từ từ hướng con trẻ đến việc đam mê tự học, tự khám phá thế giới sách” - phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Thanh Truyền chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín - giảng viên Trường đại học Tôn Đức Thắng - kể một câu chuyện anh tâm đắc: “Tôi từng đọc một cuốn sách có nội dung rằng, thầy dạy học trò về một con vật tưởng tượng có tên Columbius. Sau đó, thầy cho bài tập yêu cầu học sinh miêu tả lại con vật. Tất cả bài miêu tả đều bị chấm điểm 0. Khi học sinh khiếu nại thì thầy bảo, viết về một con vật không có thật là viết dối. Thông điệp mà người thầy muốn truyền cho học trò của mình là không phải cái gì thầy nói cũng đúng, các trò phải biết phản biện. Thế nhưng muốn phản biện được thì phải đọc nhiều”.
Nếu thế giới sách luôn mang đến cho trẻ những câu chuyện hay, thông điệp có ý nghĩa, truyền cảm hứng, nuôi dưỡng giấc mơ… thì mạng xã hội lại đầy rẫy những chương trình giải trí vô bổ, thậm chí nguy hại. Chỉ người lớn mới có thể kiểm soát được điều này. Mở cánh cửa cho con trẻ bước vào thế giới sách cũng cần đến bàn tay người lớn dìu dắt, tạo cơ hội. “Nuôi dưỡng niềm vui đọc sách cho trẻ không chỉ là trách nhiệm mà còn là một đặc quyền của cha mẹ. Khi cha mẹ mở ra một cuốn sách cùng con, họ có cơ hội để kéo con lại thật gần với mình; được trò chuyện, lắng nghe lẫn nhau; được quan sát con thật kỹ và thấu hiểu những thắc mắc, băn khoăn của con rồi chia sẻ niềm vui và những nụ cười. Cuốn sách chính là chất keo kết dính mối quan hệ cha - mẹ - con lành mạnh, bền chặt; là những viên gạch xây dựng một nền tảng gia đình vững vàng, giàu tình yêu thương” - chị Phạm Thị Hoài Anh bày tỏ.
Nhà văn Võ Diệu Thanh cho biết thêm, nhân dịp tác phẩm Quà tặng của ngày mai của chị đang có sức lan tỏa lớn, chị và một số giáo viên tại An Giang có kế hoạch phổ biến hoạt động giao lưu - trò chuyện về Sách và kỹ năng tự học tại các trường thuộc tỉnh An Giang trong thời gian tới. Cuốn sách ấy kể câu chuyện của “biệt tài tí hon” Nguyễn Khánh Hưng, từ nghiện game đến trở thành “thần đồng” đàn sến như một minh chứng rằng, việc đưa trẻ nhỏ rời xa các thiết bị công nghệ, game online không phải là điều bất khả.