Tết xưa với nghệ sĩ: Miền ký ức ngọt ngào

08/02/2019 - 13:30

PNO - Tết ngày ấy gắn liền với những khó khăn, vậy mà tất cả đều nhớ, đều tiếc và muốn quay về.

Phi Nhung: Tết xưa nghèo, mặc cái áo cũ cũng thấy vui

Đã 40 năm trôi qua nhưng cái tết của những năm 7, 8 tuổi vẫn hằn sâu trong ký ức ca sĩ Phi Nhung. 

“Hồi đó chưa đến tết tôi đã tính lịch từng ngày. Trước tết 1 tuần nhà sẽ làm bánh tét, bánh ú vì người Gia Lai không làm bánh chưng như nhiều vùng khác. Cả đêm tôi ngồi trông nồi luộc bánh, vui lắm nên không ngủ được. Hết bánh tét đến ngày làm bánh in, rồi bánh thuẫn, mứt dừa, mứt gừng... cứ vậy cho đến giáp tết. Có năm ông ngoại đi chợ, bởi nhà nghèo không mua được chậu mai nên mua chậu bông vạn thọ về chơi tết, vậy thôi mà tôi cũng xé bìa giấy rồi mua kim tuyến về làm 3 cái thiệp treo lên. Chậu nhỏ lắm nên treo 3 cái thiệp là không thấy hoa đâu nữa”, Phi Nhung bồi hồi nhớ lại.

Tet xua voi nghe si: Mien ky uc ngot ngao
Phi Nhung vẫn luôn hoài niệm về tết xưa dù khó khăn, thiếu thốn nhưng nhiều niềm vui.

 “Tôi nhớ như in cảnh các chị ủi quần áo để mùng Một diện đi chơi. Nhà nghèo nên đồ mới của tôi cũng là đồ cũ của mấy dì may lại, nhưng như vậy là đẹp lắm rồi. Khoảng 7-8 giờ tối đêm giao thừa là tôi bắt đầu đếm giờ. Ông bà ngoại kêu con cháu ra, dặn sáng mùng Một không được đi đâu chơi, phải đi chùa trước, không được đến nhà người khác. Tôi vừa vui vừa hồi hộp chờ đến ngày mai để mặc đồ mới đi chùa với ngoại. Sáng mùng Một đi chùa về, tôi vội chạy ra sân xem còn viên pháo nào ông đốt chưa nổ thì nhặt lại cất.

Đến trưa, ông bà ngoại mới gọi vào lì xì. Sang mùng 2 chị em tôi mới được đi chơi lô tô, hội chợ. Tôi nhớ khi đó không có nhiều đồ mới nên qua mùng Một, tôi gặp đứa bạn đổi áo cho nhau để thành áo mới của mình. Nhớ tết xưa lắm, nhắc lại là thấy hồi hộp”, Phi Nhung tâm sự.

Tet xua voi nghe si: Mien ky uc ngot ngao
Tết xưa, được lì xì, đi hội chợ... là nữ ca sĩ vô cùng thích thú.

Năm đầu tiên sang hải ngoại sinh sống, làm việc, tết đến xuân về là khoảng thời gian khó phai mờ trong lòng Phi Nhung bởi cảm giác thương nhớ quê hương, gia đình. “Tôi canh giờ bên Mỹ ban đêm thì Việt Nam là ban ngày, cứ đếm từng giờ để lén gọi điện về quê chúc tết. Hồi đó mua được cái card 20 đồng thì nói được vài chục phút thôi nhưng gọi về nghe giọng ông bà ngoại, giọng mấy dì là khóc sướt mướt.

Tôi cứ hỏi đi hỏi lại mấy câu không ra sao cả. Ai đời từ Mỹ gọi về hỏi ở nhà ăn gì, làm gì, có làm mứt dừa không, mứt dừa màu gì, làm mấy lọ mứt dừa, có đốt pháo không, rồi hỏi pháo dài hay ngắn... Vừa hỏi vừa khóc, bên Việt Nam mọi người cũng khóc cho tới khi hết tiền điện thoại. Lần đó, tôi xém bị đuổi vì nói chuyện quá lâu với gia đình, ở đó họ chỉ cho 10 phút thôi nhưng tôi nói đến vài chục phút. Cái tết đầu tiên trên đất khách năm 1988 đáng nhớ như vậy đấy”, Phi Nhung bồi hồi nhớ lại.           

Phương Thanh: Nhớ mùi bếp lửa nấu bánh chưng

Với Phương Thanh, tết xưa hay tết nay thì việc thờ cúng, nghi lễ trong ngày tết phải được thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Ngày trước, Phương Thanh ỷ lại mẹ nhưng nay chị phải tự làm lấy. Khoảnh khắc giao thừa, ngày đầu năm mới, Phương Thanh không kiêng kị nhiều nhưng luôn cẩn trọng để mang đến niềm vui, phước lộc may mắn cho gia đình.

Tet xua voi nghe si: Mien ky uc ngot ngao
Phương Thanh nhớ tết xưa qua mùi bánh chưng và bếp củi đượm nồng

Tết xưa với chị là những buổi theo mẹ đi chợ, ngồi xem gói bánh rồi thức canh nồi bánh tết. “Tôi vẫn thích nhất việc nấu bánh chưng. Từ khi gia đình chuyển vào miền Nam sống, thói quen này không còn nữa. Ngày còn nhỏ, tôi nhớ cứ mỗi độ tết về phải gói và nấu đến mấy chục cặp bánh chưng. Tôi không biết gói nhưng cảm giác ngồi canh nồi bánh, mùi lửa quyện vào mùi bánh đượm nồng hương vị ngày tết. Năm tôi mang bầu bé Gà, gia đình lại bày ra nấu bánh chưng. Cả nhà quây quần bên nhau, vừa nấu bánh, vừa canh, vừa ăn bánh mứt, vừa đánh bài rồi lăn ra ngủ nếu thích… Tết vậy mà vui”, nữ ca sĩ chia sẻ.

Theo Phương Thanh, việc giữ phong vị truyền thống tết xưa trong xã hội hiện đại ngày nay rất khó. Mỗi gia đình, mỗi cá nhân chỉ có thể cố giữ chúng trong phạm vi nhỏ, còn mặt bằng chung của xã hội phải chịu tác động từ những thay đổi của sự phát triển.

Cẩm Ly: Luôn chờ khoảnh khắc đoàn viên với Minh Tuyết, Hà Phương

Cẩm Ly bảo nếu kể chuyện tết xưa, chị có thể kể cả ngày vẫn không hết chuyện. Trong những kỷ niệm ấy, hình ảnh 2 cô em gái Minh Tuyết, Hà Phương luôn hiện hữu. "Tôi luôn chờ mong đoàn viên với Hà Phương, Minh Tuyết và ba mẹ trong ngày tết như ngày xưa. Dù không còn ở bên nhau nhưng chỉ cần thấy mặt nhau là vui”, Cẩm Ly chia sẻ. Minh Tuyết và Hà Phương đang sống tại Mỹ và rất bận rộn với công việc nên để sum họp gia đình cũng khá khó khăn.

Tet xua voi nghe si: Mien ky uc ngot ngao
Với Cẩm Ly, ký ức về tết xưa vẫn luôn sống mãi trong tâm trí dù đã quen với nhịp tết hiện đại.

Tết xưa của Cẩm Ly gắn với những phiên chợ nhộn nhịp hay cảnh gia đình chung tay vào bếp. Nữ ca sĩ hồ hởi kể về những ngày xưa tràn ngập niềm vui: “Ngày trước hay bây giờ cũng vậy, tôi đều thích tự tay chuẩn bị mọi thứ trong gia đình từ bánh mứt, dưa món cho đến thức ăn dịp tết. Mẹ tôi vẫn la hoài vì thấy tôi cực quá mà còn chạy đôn chạy đáo để lo như vậy. Nhưng kỳ thực, tôi không an tâm lắm nếu đồ ăn không do chính tay mình nấu. Nhiều năm rồi, tôi vẫn đi chợ An Đông, chỉ vào một cửa tiệm duy nhất để mua đồ, chen chúc mệt lắm nhưng không bỏ được thói quen này.

Đi chợ hoa, năm nào cũng mua đúng những loại đó, nhưng vẫn chen vào chợ từ lúc sáng, đi tới đi lui, ngắm cho thoả thích. Có năm, đi chợ hoa đến tận 1 giờ sáng mới về đến nhà. Anh Minh Vy (chồng Cẩm Ly) cũng la nhưng tôi thích vậy nên chẳng bao giờ bỏ được. Với tôi, những đồ vật hay bất kỳ miền ký ức nào cũng đẹp, cũng đáng để nhớ trong đời”.

Tet xua voi nghe si: Mien ky uc ngot ngao
Ba chị em Cẩm Ly, Minh Tuyết và Hà Phương hội ngộ trong một chương trình truyền hình.

Tết ngày xưa của Cẩm Ly còn là lúc làm album Tình xuân, mỗi năm lại được tụ hội với anh em, đồng nghiệp. Ngoài công việc, nữ ca sĩ miêu tả đây cũng là dịp tụ năm tụ bảy để “quậy tới bến". Nhưng nay để quy tụ được dàn nghệ sĩ kỳ cựu này trong cùng một sản phẩm là chuyện khó thể thực hiện.

Ca sĩ Đông Đào: Nhớ tiếng pháo đêm giao thừa, mùi vải mới

Hơn 20 năm đi hát, Đông Đào chưa được đón cái tết nào trọn vẹn với gia đình. Chị thường trở về nhà khi khoảnh khắc giao thừa đã qua. Dù có niềm vui với công việc, được gặp khán giả trong khoảnh khắc giao thừa nhưng với Đông Đào, tình thân vẫn là trên hết. Năm nay, con trai của nữ ca sĩ sang Mỹ du học nên Đông Đào dự định có thể không nhận diễn dịp tết năm nay để dành thời gian sang Mỹ đón tết cùng con.

Tet xua voi nghe si: Mien ky uc ngot ngao
Ca sĩ Đông Đào nhớ tết xưa qua mùi vải của quần áo mới.

Những ngày đất trời vào xuân cũng là lúc Đông Đào rộn ràng nhớ lại những ngày xưa, dù đón tết thiếu thốn nhưng niềm vui thì luôn tràn đầy. “Tôi nhớ cảm giác thức canh đợi giao thừa, nghe pháo nổ. Mùi nhang hoà quyện vào không khí trong lành của đêm xuân càng làm mọi thứ thêm đẹp đẽ. Sau khi cúng giao thừa, tôi sẽ được ăn mứt, ngồi quây quần bên cha mẹ nghe kể chuyện ngày xưa.

Tết ngày xưa thiếu thốn, con trẻ thường chỉ được một bộ quần áo để mặc đúng ngày đầu năm, vì thế luôn trân trọng. Áo quần mới mẹ mua treo sẵn, cứ mỗi lần đi qua đi lại tôi lấy tay mân mê, ngửi mùi vải mới, háo hức trông đến ngày mùng Một để được diện”, Đông Đào nhớ lại. 20 năm theo nghề ca hát, có cuộc sống đủ đầy, thường xuyên mặc quần áo mới nhưng cảm giác về tết xưa với Đông Đào vẫn là kỷ niệm khó thể thay thế. 

Quý Bình: 30 tết vẫn còn ngoài ruộng

Quý Bình xuất thân trong một gia đình làm nghề nông có 9 anh chị em. Thời thơ ấu của anh cũng đã trải qua những cái tết khá khó khăn nhưng không thể làm ngày xuân mất vui. “Những mùa tết trong quá khứ với anh em chúng tôi chưa bao giờ đủ đầy về vật chất, nhưng không thiếu tình cảm, hạnh phúc. Tôi may mắn vì mình từng trải qua tuổi thơ như thế. Nếu sinh ra trong một gia đình giàu có, có lẽ đã không có Quý Bình hôm nay.

Có một năm, đến đêm 30 tết, cả nhà tôi vẫn còn quần quật ngoài ruộng vì chưa xong việc. Năm ấy, mẹ tôi phải chắt chiu lắm mới mua được cho 9 đứa con bộ đồ mới, nhưng lại bị mất trộm hết. Gia đình tôi đã khó khăn, lại phải nhìn người khác ăn tết trong sự đủ đầy thì không thể nào không chạnh lòng. Nhưng nhờ những điều như thế, anh chị em tôi mới biết yêu thương, quý trọng nhau và luôn hướng về gia đình lớn dù hiện tại, ai cũng đã có hạnh phúc riêng”.

Tet xua voi nghe si: Mien ky uc ngot ngao
Tết xưa của Quý Bình gắn với những cực nhọc nơi ruộng đồng.

Đến nay, các anh em trong gia đình của Quý Bình vẫn giữ được thói quen sum họp ngày tết, dù bận rộn đến mấy. Ngày 30 tết, dù đang ở nơi đâu họ đều quy tụ về nhà để quây quần nấu bánh chưng, bánh tét, làm dưa chua, khổ qua hầm... Tối mùng 2, đại gia đình khoảng hơn 30 người sẽ quy tụ trước sân để hát, tổ chức cho các bé thi vẽ tranh, viết câu chúc tết, lớn nhỏ đều tham gia. Sau đó, từng gia đình sẽ xếp hàng, con cháu mừng tuổi cha mẹ. Mỗi dịp quây quần bên nhau, anh em Quý Bình đều nhắc nhớ về khoảng thời gian cực khổ đã qua để biết trân trọng sự đầy đủ hiện tại.

“Ngày còn khổ cực, chúng tôi đã yêu thương, đùm bọc nhau như thế thì không có lý do gì để lúc đã ổn định, khá giả lại bỏ đi những truyền thống tốt đẹp như vậy. Chúng tôi duy trì để con cháu về sau này vẫn còn biết, còn nhớ và thực hiện tốt. Chính vì thế, mọi người rất thích đến gia đình tôi vào ngày này. Tôi cũng thường hay chia sẻ khoảnh khắc này với khán giả thông qua mạng xã hội. Vì vậy không bao giờ tôi nhận show ngày 30 và mùng 2”, Quý Bình chia sẻ.

Thành Lâm - Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI