Tết xưa - tết nay: Giật mình vì những khác biệt

16/02/2021 - 05:59

PNO - Vạn vật xoay vần, cách người Việt mình ăn tết mỗi thời một khác.

Xưa: vui như chợ tết – Nay: sắm hết online

Ngày xưa, khi nhà cửa đã dọn dẹp hòm hòm là lúc mẹ cho tôi đi chợ tết. Đâu chỉ là niềm vui được sắm đôi ba tấm áo mới, đó còn là cả một niềm háo hức của những đứa trẻ vì được tham gia vào bầu không khí náo nhiệt và khẩn trương ít có thường ngày. Hàng hóa nhiều hơn, ai nấy đều bận bịu, chỉ đứng ngắm thôi cũng đã thấy rộn ràng, phấn khởi. Sắm tết đâu chỉ là công việc phải làm, nó còn là niềm vui của các bà nội trợ.

Thế nhưng nhịp sống hiện đại đã sinh ra cái gọi là sắm tết online. Bánh kẹo, rượu mứt, gạo nếp, đồ khô, thậm chí đến thực phẩm tươi sống cũng có thể mua qua mạng. Nhờ thế mà chị em được phần nào thảnh thơi hơn để dành thời gian cho việc khác. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, càng nhiều bà nội trợ thành phố lựa chọn cách mua sắm tiện dụng này.

Chị Lê Anh (34 tuổi) là nhân viên văn phòng tại Hà Nội có chia sẻ: “Công ty làm tới hết ngày 28 tết mới được nghỉ, chỉ có 2 ngày để vừa dọn dẹp vừa sắm sửa. Biết thế nên từ giữa tháng 1 dương lịch mình đã lên danh sách đồ cần mua và tranh thủ giờ nghỉ ở công ty  để lướt Shopee, Tiki và Lazada mua đồ tết.” Nhanh chóng, tiện lợi, hàng giao tận nhà, thế nhưng có lẽ chúng ta lại dần đánh mất một thú vui ngày tết.

Xưa: đến nhà chúc tết – Nay: hội ngộ online

Ngày xưa, ba ngày tết là dịp để người ta hội ngộ, cất công đến tận nhà anh em, bạn bè để nói với nhau câu chuyện đầu xuân. Một ly rượu nồng, một chén trà thơm, hỏi thăm chuyện làm ăn trong năm cũ và chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới.

Có thể nói, sự phổ biến của chiếc điện thoại thông minh và mạng xã hội đã thay đổi sâu sắc nếp sinh hoạt, giao tiếp của con người. Và chuyện chúc tết bạn bè, người thân cũng không còn ngoại lệ. Đặc biệt là xuân Tân Sửu này, khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, người Việt chọn cách chúc tết qua mạng xã hội bằng những tin nhắn, cuộc gọi video.

Xưa: 4 bát 6 đĩa – Nay: tối giản cỗ chay

Mâm cỗ tết truyền thống của người miền Bắc phải đủ lệ bộ: Bốn bát gồm canh măng hầm chân giò, canh bóng thả nấm, canh miến, bát chim hầm. Sáu đĩa gồm xôi gấc, giò lụa, thịt đông, nem rán, cá kho, gà luộc, chè kho. Mỗi món đều có yêu cầu riêng, phải chế biến tỉ mỉ, bày biện cầu kỳ.

Tuy những cái tết sau này không còn duy trì đủ lệ bộ như trước kia, nhưng phần đông các gia đình vẫn có xu hướng bày biện mâm cỗ cúng nhiều món, mất công sức chuẩn bị rồi ăn không hết. Những năm trở lại đây, một bộ phận các bà nội trợ hiện đại đã chọn cách tối giản hóa mâm cỗ tết. Nhiều người còn chuyển sang cũng chay để hệ tiêu hoá nhẹ nhàng, lành mạnh.

Chị Lan Hương (Hà Nội) chia sẻ: "Em có thói quen cúng cỗ chay đơn giản và rất nhanh. Em hay nấu rau củ nhanh gọn, mua sẵn các món đậu, khoai chiên, bánh chay thì cho vào nồi chiên không dầu, bật lò trong lúc nấu món khác. Thế nên chỉ khoảng 30 phút là xong mâm cỗ. Có thể với mọi người thấy món tết nhà em sơ sài quá, nhưng với em vậy là đủ. Vì em nghĩ mình thành tâm khi nấu và cúng mới quan trọng. Chứ nấu xong lại ăn không hết, quá lãng phí."

Trên các diễn đàn của phụ nữ, chị em chỉ nhau những phương pháp nấu nướng có lợi cho sức khoẻ, cách nấu nhanh, vừa ăn, cách lựa món ngon và đảm bảo dinh dưỡng để tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí mà cả nhà còn yên tâm giữ dáng sau tết.

Mâm cỗ chay cúng tất niên nhà chị Lan Hương - Ảnh: Facebook nhân vật
Mâm cỗ chay cúng tất niên nhà chị Lan Hương - Ảnh: Facebook nhân vật

Vạn vật xoay vần, cách người Việt ăn tết mỗi thời một khác. Cứ mỗi mùa xuân về, người có tuổi lại hoài niệm về những cái tết xưa, thương nhớ cái thời mộc mạc và thắm tình người. Thế nhưng thời gian không thể dừng, cuộc sống liên tục vận động, sẽ còn nhiều những thay đổi trong cách thức đón năm mới của người Việt.

Thu Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI