Khi những cơn mưa muộn không còn, trời vừa dứt ngọn Đồng chung, gió Chướng mới dợt lao rao. Đêm Bãi Ngao (Ba Tri, Bến Tre) sóng bổ gành ầm ù xa xăm như phát ra từ lòng đất. Hàng tre rậm rạp dọc lộ bờ làng, cây Song giá trước sân đình mới buồn buồn rụng buông đôi chiếc lá. Nắng chiều xế ngả sang vàng… Thì mấy cụ già khấp khởi nói: “Chà, tết tới rồi bây!”. Việc mùa màng đã xong, lúa lấp vụ cắt dí bồ, lứa heo đã xuất chuồng, bầy vịt chạy đồng rớt hột… Mọi người hăng hái bắt tay vào việc lo cho cái tết sao cho thiệt no đầy.
Thói người quê tôi ăn mặn uống đậm, làm khách thì ăn cho no, làm chủ phải đãi cho đầy. Họ không vẻ duyên, màu mè. Ai bảo họ “đói con mắt” họ cũng hịch hạc cười trừ. Tết nhà nào cũng kho Tàu nước dừa chục ký thịt với cả mấy chục trứng vịt. Lạp xưởng, khô cá khoai, khô đuối treo lủ khủ. Tôm khô, kiệu chua mấy keo trong chạn, bằng hữu đến nhà là “chiến đấu tốc hành”. Trước Tết nhà nào có đìa ao là lo tát bắt. Nhỏ thì thả xuống nuôi tiếp. Con nào ngon nhứt, sặc rằn, tai tượng bằng bàn tay xòe, cá lóc cỡ bắp chưn… thì rộng vô lu, dành cho gia chủ phòng khi ớn thịt mỡ. Thường cá nấu canh chua, me vắt hồi nào cũng sẵn.
Người quê tôi ăn to nói lớn, hào sảng và thực tế. Họ lì xì cho con trẻ những tờ tiền mệnh giá lớn, mới tinh. Chứ không theo nghĩa lấy hên. Rủi may là vận mệnh, kiết hung do ở cơ trời. Nhưng ai cũng tin rằng “đức năng thắng số, tâm chính quỷ thần kinh”. Người ta thích nhìn cái bao quát, không chăm chăm vào tiểu tiết. Sớm Mùng một xuất hành hướng nào cũng được, cứ đường ngay lối thẳng, lộ láng là đi. Ra cửa gặp gái hay bà bầu cũng chẳng làm sao, không chừng năm ấy thọ số… đào hoa!
Tuy rất thích coi bói nhưng người quê tôi không bao giờ hái lộc đầu xuân, huống chi là bẻ nguyên cả cành mà vác về. Người ta gần gũi đến mức thân thiện, chan hòa với thiên nhiên, cây cỏ.
Xửa xưa con nít ở đây mê tranh làng Hồ lắm. Gần tết mẹ đi chợ về mua cho bức tranh em bé ôm con gà là mừng “hết lớn”. Về sau thay vào đó là những bộ tứ bình in ốp-sét có chú thích hẳn hoi. Tuồng tích nói về gương hiếu thảo, trung trinh tiết liệt như Lưu Bình Dương Lễ, Lâm Sanh Xuân Nương, Thoại Khanh Châu Tuấn…
Không riêng nơi này, hình ảnh ông đồ già râu trắng, áo the thâm bày mực đen giấy đỏ đã từ lâu mai một. Thay vào đó là những tờ hồng đơn in kim nhũ. Trên bàn thờ giữa thường dán chữ phúc thiệt lớn hay bộ tượng thờ ghi: Cửu huyền thất tổ, như răng dạy con cháu phải luôn nhớ đến tổ tiên nguồn cội. Cửa cái thì "Ngũ phúc lâm môn", "Xuất nhập bình an" bên cạnh hình con cọp đã điểm nhãn điểm nhĩ, cầu mong cho gia đạo an hoà, trẻ con mạnh giỏi. Mấy tiệm buôn thì chuộng câu "Kim ngọc mãn đường" hoặc "Nhất bản vạn lợi".
Ngày xưa trên quê hương ngày xuân luôn vang tiếng pháo. Nay không còn nữa. Nhưng lắm khi lòng người cũng luyến lưu. Thay đó, những khi giao thừa quê nhà có bắn pháo bông, trẻ già trai gái ai ai cũng náo nức những niềm vui.
Có một món mà Mùng một tết người dân tôi không thể thiếu. Đó là coi cải lương. Suốt năm quanh quẩn chốn ruộng đồng, tết đến, trai gái trẻ già gì cũng vô chợ huyện “làm” tô hủ tíu cho đã thèm rồi đi coi cải lương. Đây là dịp cho mấy gánh hát mần ăn, có ngày hát 4 suất, đào kép khang cả tiếng, lên sân khấu chỉ còn… khào khào.
Mấy cô thôn nữ mặt hoa da phấn hớn hở nói cười rủ nhau vô tiệm chụp ít “bôi” hình làm kỷ niệm đầu năm. Vẳng nghe tiếng ồn ào nhiều âm sắc của khu hội xuân, lô-tô, chọi banh, thảy vòng vịt. Bụi tung mịt mù theo từng luồn gió xuân căng mẫy. Trên lộ nhựa, tiếng loong toong của những chiếc xe lam già nua cũ kỹ cùng những cỗ xe lôi mà đến chủ hãng Honda thoạt nhìn đã hãi. Chiếc nào cũng đơm đầy con nít ở giồng ở quê ra, đen thui, đầu vàng cháy nắng trong những bộ đồ xùng xình, mới cứng.
Mùng hai chợ bán đầy heo quay, bánh hỏi và rau sống ăn kèm. Ít nhiều nhà nào cũng mua về cúng tổ tiên, thần Tài. Mùng ba mần gà giò nấu cháo để nguyên con, cúng tiễn ông bà về núi.
Đến đây đâu phải là hết tết. Tháng này trở lên là tháng cúng lệ Kỳ yên. Tiếng trống đình khai hội làm nao nức lòng người. Cái “đinh” của lệ cúng đình là hát bội, diễn trên vỏ ca. Mỗi ngày ít gì cũng hát 2 thứ. Chưa tới giờ hát mà nối nhau trên đường làng là mấy bà lão tay cơi trầu, tay ghế đẩu,“bơi” riết vô xí phần gần vỏ ca nhứt đặng coi cho rõ mặt đào kép. Ai nấy hình như đều trẻ hẳn lại.
Khi ông Kế hiền mang gà luộc, thịt heo, gạo muối củi dầu đặt xuống chiếc tàu bông bằng bập dừa, be ván phất giấy màu thiệt đẹp, ra rạch mù u rìa làng cúng tống gió, đình xã nhà mãn hội. Mấy ông giặt phơi áo dài khăn đóng xếp vào rương, thở cái khì tiếc rẻ. Mấy bà buồn bã nhìn cơi trầu nhớ bạn cùng ăn. Ai ai cũng trông cho mau đến lệ năm sau.
Đến đó mới thấy hết tết. Với bản tính hào hiệp, rộng rãi, lạc quan và khoáng đạt, người quê tôi không sợ cực, sợ khổ, sợ lạnh, sợ rách. Họ chỉ sợ buồn, sợ làng xóm cô lập, sát vách nhậu không kêu, đám giỗ không rủ, gả con không mời… còn hơn là sợ nghèo sợ đói.
Lâm Triều An