Nhiều người nghĩ, tết xa quê chắc chắn nhạt. Với chúng tôi - những người con đất Việt trên nước Đức - tết vẫn vẹn nguyên hình thức và ý nghĩa, ấm áp tình người. Chưa kể, sự đùm bọc nhau khi tết cổ truyền về, còn là niềm tự hào của chúng tôi.
|
Chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng để chia sẻ cho các gia đình khó khăn do COVID-19 |
Năm nào cùng vậy gia đình Việt - Đức của chúng tôi lại sum vầy bên nhau đón cái tết thứ hai trong năm: tết Việt Nam, sau lễ mừng năm mới của châu Âu. Bố mẹ chồng và tất cả thành viên trong gia đình chồng, kể cả bạn bè, hàng xóm người Đức đều háo hức đón tết truyền thống của người Việt.
Mẹ chồng tôi, một người Đức chưa hề đến Việt Nam, cứ đến đầu tháng 1 dương lịch hàng năm đều hỏi: "Sắp đến tết Việt Nam rồi con nhỉ?", hoặc: "Năm nay chúng ta sẽ lại làm mứt và tuyệt đối không thể thiếu bánh tét, nem rán".
Chị gái của chồng thì chuẩn bị những phong bao lì xì cho chúng tôi với mong muốn "sẽ cố gắng tạo ra đầy đủ không khí tết cổ truyền của người Việt trong gia đình, bởi chúng ta đã là một gia đình giao thoa văn hóa Việt - Đức. Và cũng là cách giúp em xoa dịu nỗi nhớ nhà“.
Chồng tôi, vì trót yêu Việt Nam nên năm nào cũng nhiệt tình giúp vợ chuẩn bị những phong tục truyền thống như tiễn ông Táo về trời, nấu những món ăn ngày tết để cùng nhau đón một năm mới trọn vẹn nhất và Việt Nam nhất.
Những năm vừa qua, trước giao thừa, chúng tôi thường hẹn nhau cùng gói những chiếc bánh chưng, rim những loại mứt truyền thống vào dịp tết, trao nhau những cành đào được chuyển từ Việt Nam sang. Các bạn Đức thì háo hức học cách gói bánh chưng, hỏi về những câu chuyện cổ truyền và phong tục đầu năm của người Việt. Người Việt thì cùng nhau ôn lại kỷ niệm năm mới của những ngày còn ở Việt Nam với những tràng cười giòn tan, ấm áp giữa mùa đông băng giá xứ người.
Tết là dịp để mọi người gạt bỏ bộn bề lo toan của cuộc sống mưu sinh để tận hưởng không khí quê hương nơi xứ người, được hít hà mùi thơm từ lá dong, lá chuối của những nồi bánh chưng đang sôi trên bếp. Tết là dịp các chị, các em được xúng xính trong tà áo dài truyền thống. Tết là dịp đặc biệt để các gia đình Việt Nam dạy cho con biết về cội nguồn. Tết là dịp để chúng tôi giới thiệu văn hóa Việt cho nhiều người bản xứ để họ hiểu hơn và đến gần Việt Nam hơn nữa.
Riêng với tôi, niềm vui năm mới bắt đầu từ những điều đơn giản và đầy yêu thương khi gia đình người hàng xóm mới mang tặng những sấp lá chuối trong vườn nhà mà họ đã gói ghém kỹ lưỡng, trữ đông lạnh từ cuối mùa thu để tặng tôi gói bánh chưng dịp tết, sau khi họ xem được một bộ phim về tết Việt Nam. Nỗi nhớ quê càng phần nào được xoa dịu khi hàng xóm xung quanh "canh me" đúng Giao thừa theo âm lịch để nói lời chúc mừng năm mới sức khỏe, hạnh phúc và không quên tặng lộc đầu năm là những bình hoa rực rỡ gốc châu Á…
|
Thành phẩm bánh chưng chúng tôi mang biếu bạn bè, hàng xóm |
Năm nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giãn cách xã hội kéo dài nên chúng tôi không thể gặp gỡ nhau cùng đón một năm mới. Tuy nhiên, tết Việt vẫn đủ sức lan tỏa khắp mọi nơi bằng tình người ấm áp và sự sẻ chia của cộng đồng. Hiện rất nhiều hội nhóm và cá nhân người Việt đã và đang tổ chức gói bánh chưng, làm giò, chả, nem rán, dưa kiệu, dưa hành, bánh mứt... để chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch gây ra. Phong trào được đông đảo người Việt tham gia trên khắp nước Đức ủng hộ.
Những phần quà được trao tay cũng là lúc yêu thương, tình người, tình dân tộc tương thân tương ái trở thành lửa yêu thương sưởi ấm lòng người con xa xứ. Ngay lúc nay đây tôi vẫn nhớ hai câu thơ mà chồng tôi, người luôn khẳng định "kiếp trước anh là người Việt Nam", viết tặng vợ: "Anh em người Việt chúng mình/Tuy xa vẫn vững bóng hình quê hương". Thế đấy dù ở đâu, hoàn cảnh ra sao, chúng tôi luôn có tết và luôn mang theo bóng hình Việt Nam.
Hồng Ánh (từ Đức)