|
Ảnh: Vũ Hàn Linh |
Với người Pháp thì những kỳ nghỉ giáng sinh, năm mới đã qua đủ lâu để trở lại nhịp sống thường nhật. Còn đối với một người Việt Nam nơi đất khách như tôi thì theo bản năng, những ngày cận Tết này lại thấy lòng xốn xao khó tả.
Bữa nay là buổi dạy tiếng Pháp “tất niên” cho nhóm học viên ở Việt Nam, để các bạn bước vào kỳ nghỉ Tết, về quê với cha mẹ, ông bà hay xách ba-lô lên đi đón xuân theo cách của riêng mình. Nếu như còn ở Việt Nam thì chắc hẳn tôi cũng sẽ vô cùng háo hức: nào là trang trí nhà cửa, mua sắm đồ mới, nào là chuẩn bị tất niên, chụp hình đón xuân,... Nhưng khi “đang ở một nơi rất xa” thì tâm trạng tôi giờ đây chỉ là nỗi trống vắng.
Theo quán tính, tôi lại vào các trang mạng cộng đồng người Việt để tìm chút hương vị Tết, vì nơi tôi ở rất ít người Việt Nam. Nhưng kỳ lạ thay, khi Tết chỉ còn cách chừng hơn một tuần mà không khí năm nay vẫn trầm lắng quá. Nếu như mấy năm trước, người ta ì xèo rao bán đủ mọi thứ trên đời thì giờ đây, hãn hữu mới thấy có người quảng cáo bán bao lì xì, còn hầu như không thấy ai bán đồ ăn ngày Tết. Có lẽ những người có điều kiện sống không ổn định đã kịp rời Pháp trong hai năm qua bằng đường “giải cứu” nên diễn đàn Việt không còn là nơi “kiếm cơm” mùa Tết nữa.
Với những người ở lại, câu hỏi được quan tâm nhiều hơn là “Bao giờ mới có chuyến bay thương mại về Việt Nam”. Đại dịch ập đến quá bất ngờ nên ít nhất là 3 cái tết nay, người Việt định cư tại Pháp chưa được về quê. Tôi còn nhớ tết năm kia, mọi người hẹn nhau tết năm ngoái về; năm ngoái lại hẹn nhau Tết năm nay về. Còn năm nay đã cận Tết rồi mà ai nấy vẫn thắc thỏm chờ tin mở cửa.
Trên các diễn đàn, người ta tranh luận sôi nổi chuyện có về Việt Nam dịp Tết được không. Ai cũng mong được về một cách đường hoàng trên các chuyến bay đáp xuống Việt Nam, thay vì phải qua các ngả Campuchia, Thái Lan hay Singapore với không ít rủi ro chực chờ. Thấp thoáng đã xuất hiện một vài thông tin về các chuyến bay thương mại cận Tết. Nhưng chưa kịp vui thì đa số bà con đã phải thất vọng vì giá vé quá cao (khoảng 2.500 euro cho vé một chiều so với mức 500 euro trong điều kiện thường), nằm ngoài khả năng chia trả của đông đảo người Việt là du học sinh hay những người có thu nhập thấp đến trung bình.
Cũng như nhiều bạn bè, tôi không hy vọng có thể về quê ăn Tết năm nay, lòng tự nhủ xác định được tinh thần thì sẽ bớt nhớ quê, nhớ Tết hơn. Quen được 3 cô bạn người Việt trong vùng, chúng tôi hẹn nhau “ăn Tết” chung vào dịp đầu năm con hổ. Cũng sẽ chỉ là dịp thưởng thức một vài món ăn truyền thống và ngồi nói chuyện Tết cho thỏa bản năng Việt trong lòng mỗi đứa con tha phương nhớ về đất mẹ.
Hàn Linh, cô bạn tôi sống ở Paris cũng chung tâm trạng khi gia đình chuẩn bị đón cái Tết xa quê lần thứ 4. Không thể về Việt Nam, Linh cố gắng giúp cô con gái nhỏ 5 tuổi của mình hiểu được ý nghĩa Tết Việt bằng cách tạo nên một bầu không khí “Tết” nhất có thể: trang trí nhà cửa thì hoa đào, hoa mai, chậu quất; đồ ăn thì bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, thịt kho trứng, canh khổ qua, vv...; nghi lễ thì cúng tất niên, đón giao thừa, chúc tết, lì xì. “Trước kia mỗi năm em đều thu xếp về ăn Tết quê nhà, nhưng giờ đã 4 cái Tết không về được. Em chỉ thấy buồn vì nếu được về giai đoạn này, con của em sẽ hiểu được tết Việt vui như thế nào. Sau này bé đến tuổi đi học thì Tết sẽ khó mà về được”, Linh tâm sự.
Nghe bạn nói, tôi cũng không biết phải an ủi thế nào. Đúng là trong thời buổi dịch bệnh hoành hành và vì đại cuộc, mỗi chúng ta đều đang phải âm thầm hy sinh những mong muốn chính đáng của bản thân. Với ai đó có thể chỉ là một cái tết phương xa, nhưng với từng cá thể riêng biệt, có lẽ Tết xa quê còn ẩn chứa nhiều mất mát hơn thế.
Tata Vân