TPHCM - ngày 25 tết - đã thôi cảnh xe cộ đông đúc, khi phần lớn người dân tứ phương đã trở về với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nhưng đâu đó rải rác khắp mảnh đất Sài thành, vẫn còn những người trẻ chọn ở lại với công việc để những ngày sau tết, gia đình không phải chịu áp lực tiền nong. Tết xa chắc chắn phải nhớ nhà, nhưng hoài bão về một tương lai tốt đẹp đã khiến họ vững chân hơn.
Chờ con vài năm nữa
Đã 2 năm kể từ ngày trở thành sinh viên Trường đại học Công thương TPHCM, Hoàng Thị Kim Anh (quê Đắk Nông) chưa tìm lại được cơ hội tận hưởng không khí tết quê nhà. Cha mẹ ly dị từ khi Kim Anh còn nhỏ, mẹ vào Bình Dương làm công nhân nuôi hai chị em Kim Anh ăn học. Đến khi vào đại học, Kim Anh dường như dốc hết mọi thời gian, sức lực để có thể vừa học, vừa làm, đỡ đần phần nào khó khăn cho mẹ. 25 tết, mẹ gọi điện bảo Kim Anh cùng về quê, nhưng cũng như năm trước, Kim Anh quyết định ở lại thành phố làm phục vụ nhà hàng xuyên tết.
|
Kim Anh tin sự lựa chọn hiện tại của mình sẽ mang lại những điều tốt đẹp trong tương lai |
“Ở quê mẹ con tôi không có nhà, phải ở ké nhà ông bà ngoại. Nhưng nhà của ông bà cũng chỉ là một căn phòng nhỏ nằm trong ủy ban xã, được người ta thương tình cho ở nhờ vì ông bà làm bảo vệ ở đây. Tôi cũng nhớ nhà, nhớ ông bà nhiều lắm, nhưng hoàn cảnh buộc mình phải cố gắng hơn vì tương lai”, Kim Anh tâm sự.
Hay tin cháu gái không về, ông bà cũng gọi điện khuyên răn, thuyết phục. Những giây phút ấy, Kim Anh thật sự trân quý giá trị của gia đình, mỉm cười đáp: “Ông bà ráng đợi con nhé, khi nào con về con lại lì xì cho thật nhiều”.
Tắt điện thoại, ngồi một mình trong căn nhà trọ, Kim Anh bắt đầu nhớ lại những giây phút ở quê, khi cùng ông bà, mẹ và em gói bánh chưng, làm quà tết. Trong không gian nhỏ bé vốn không thuộc về mình, tiếng nói cười vẫn rộn rã, thâm tình. Mùng Hai tết, cả nhà lại rồng rắn qua nhà bác cả ăn uống, chúc tết những người trong họ hàng. Càng nghĩ, nỗi nhớ nhà càng lớn, và quyết tâm học tập, làm việc và cải thiện đời sống càng trỗi dậy trong tâm trí Kim Anh.
“Tôi chỉ mong ông bà và mẹ sẽ luôn khỏe mạnh, vui vẻ, đợi được đến ngày con học hành, làm việc thành công để có thể báo hiếu cho ông bà, đón cùng ông bà nhiều cái tết hơn. Còn với bản thân, tôi không hứa bất cứ điều gì, chỉ biết mình chắc chắn sẽ luôn luôn cố gắng vì một tương lai tốt đẹp hơn”, Kim Anh bày tỏ về kỳ vọng năm mới của mình.
Mong kinh tế sớm ổn định
Năm đầu tiên ăn tết xa nhà, Đinh Thị Mai Linh - sinh viên Trường đại học Luật TPHCM - chỉ biết tìm niềm vui qua những cuộc điện thoại cùng gia đình. Ba Linh bị bệnh tiểu đường, mẹ thì không có sức khỏe tốt nhưng cả hai đều làm công việc thuần nông nhiều năm nay. Vậy nên ngoài thời gian ngồi trên giảng đường, Linh tranh thủ làm PG (nữ tiếp thị) để kiếm thêm thu nhập. Những ngày cận tết, biết vé xe lên đến 600.000 đồng cho một chuyến TPHCM - Đắk Lắk, em quyết định dời việc sum họp đến một thời gian nữa.
|
Có thể còn nhiều cái tết xa nhưng Mai Linh tự tin rằng mình sẽ luôn mạnh mẽ |
Khi vào đại học, Linh chọn ở ký túc xá cùng nhiều người xa lạ để tiết kiệm chi phí. Nhưng từ những ngày cuối tháng Chạp, phòng chỉ còn mỗi một mình Linh. “Ai xa quê mà không thấy nhớ, thấy bạn bè về hết mình lại càng nhớ hơn. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình thì mình phải chấp nhận, tập cách làm vui thôi. Qua tết vé xe hạ nhiệt, mình lại thu xếp về với cha mẹ mấy hôm liền”, Mai Linh chia sẻ.
Thời gian không đi làm, Linh luôn gọi điện về cho cha mẹ. Nghe tả về cái không khí lành lạnh, cha dọn nhà, mẹ làm bánh thuẫn, mứt dừa, mứt gừng như mọi khi mình vẫn từng, Linh bất giác mỉm cười. Dù ở xa nhưng với Linh, tết không xa. Tết vẫn ở đây khi mỗi thành viên trong gia đình đều luôn nhớ về nhau.
Ngày nhận được thông tin Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM gửi tặng quà tết cho sinh viên xa nhà, Linh không giấu nổi hạnh phúc. Một phần quà tuy không quá nhiều về vật chất, nhưng nó đầy ắp tình cảm với một đứa con xa quê như Linh. Linh gọi điện về cho mẹ, khoe con cũng có quà, có bánh mứt trong nhà như ba mẹ. Tết bỗng vui khi không ai bị bỏ lại.
“Tôi chỉ mong kinh tế sớm ổn định, công việc đồng áng của ba mẹ khấm khá hơn. Tôi cũng sẽ cố gắng thật nhiều để dù sau này có ra sao vẫn được đón tết tại quê hương, được tận hưởng không khí đầm ấm, hàng xóm quây quần bên đống lửa giao thừa, rồi lần lượt đi chúc tết từng nhà trong xóm nhỏ”, Mai Linh vừa mong mỏi, vừa hồi ức.
Vì những trải nghiệm mới
Còn Đỗ Văn Hiếu - sinh viên năm hai Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - lại có nhiều lý do hơn cho một cái tết xa nhà. Những ngày cuối năm, em nhận được thông báo quán ăn nơi mình đang làm phục vụ không nghỉ tết. Nghĩa là, muốn nhận đầy đủ lương, nhân viên phải làm đến chừng 30 tết, quá muộn và quá đắt cho một chuyến về nhà, khi tiền vé đã lên đến 600.000 đồng - xấp xỉ 6 ngày công sinh viên của Hiếu.
“Đây là năm đầu tiên tôi ở lại TPHCM, vì về ngang thì sẽ mất tiền công mà tôi định chắt bóp đóng học phí cho kỳ sau. Những năm trước tôi sẽ về rất sớm nên năm nay cha mẹ rất trông, tôi phải nói rõ là con cũng muốn ở lại đây một năm để xem không có cha mẹ thì con vận động như thế nào, con sẽ học được gì thì cha mẹ mới đồng ý”, Văn Hiếu nói.
|
Văn Hiếu tìm thấy những trải nghiệm mới mẻ tại thành phố nhộn nhịp |
Dù quyết tâm ở lại phố thị nhưng những buổi chiều đi làm, thấy bạn bè kéo vali ra bến xe, hay khi lướt Facebook thấy họ hàng cập nhật hình ảnh ở nhà, Hiếu vẫn không khỏi nhớ nhung. Nhưng rồi Hiếu lại tự nhủ rằng hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, phải học cách vực dậy tinh thần, tập trung làm việc để tích lũy cho một chuyến về quê sau. Tết này, Hiếu vẫn sẽ chúc tết tất cả người thân, họ hàng qua điện thoại, như một khẳng định rằng Hiếu chẳng khi nào quên quê hương của mình. Và để bản thân cũng có một mùa tết ý nghĩa, thời gian không đi làm, Hiếu sẽ đến những địa danh trong thành phố như đường hoa TPHCM, phố ông đồ… để tham quan, chụp ảnh.
“Tôi mong rằng sức khỏe của mẹ sẽ ngày càng tốt lên. Tôi sẽ cố gắng để học hỏi thêm nhiều điều, trang bị nhiều kinh nghiệm và kiến thức để sớm trở thành người thành công, có thể chăm lo cho cha mẹ và hỗ trợ cho em gái học hành. Ba mẹ đợi con trai nhé”, Hiếu nhắn nhủ đến gia đình của mình.
Tết xa chắc sẽ chẳng đầm ấm như một cái tết sum vầy, nhưng tết xa sẽ không quá đơn độc khi người ta vẫn đang cố gắng vì tương lai của chính mình và gia đình.
Trang Thư