Tết vui từ "trăm thứ không tên"

21/01/2023 - 07:58

PNO - Niềm vui ngày tết thuở nhỏ của tụi tôi trước hết là được nghỉ học nhiều ngày để chơi cho đã, kế đến là được ba má sắm quần áo mới, được dẫn đi chợ huyện để “cho biết chợ tết với người ta”.

Quê tôi ngày xưa là một vùng quê nghèo thuộc miền Tây Nam bộ. Ngày ấy, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác, tuy nghèo khó nhưng đều chuẩn bị ăn tết từ rất sớm. Cuối tháng mười một âm lịch là ngoại tôi bắt đầu làm dưa kiệu. Nhà ít người nhưng năm nào, ngoại tôi cũng làm cả thau củ kiệu. “Cho bà con lối xóm mỗi nhà một keo ăn lấy thảo” - ngoại giải thích. Người nhà quê xứ tôi là vậy, cứ nhà này làm dưa kiệu thì nhà kia làm dưa củ hành, nhà nọ làm tương ớt, bánh phồng, bánh tráng… biếu qua biếu lại, nhà nào cũng đủ đầy.

Bước vào đầu tháng Chạp, hừng sáng thức dậy là nghe tiếng chày quết bánh phồng nếp, phồng mì thình thịch khắp xóm. Nhà nào cũng tranh thủ quết sớm để còn cán bánh và đem phơi bánh ngay từ những tia nắng đầu tiên trong ngày.

Hồi xưa, bánh phồng, bánh tráng hay các loại bánh mứt tết đều tự làm ở nhà chứ không mua hàng chợ như bây giờ. Quê tôi ngày ấy, nhiều nhà thường làm mứt dừa, mứt chuối, mứt bí, mứt gừng. Bà ngoại tôi rất khéo tay, tết nào bà cũng làm cả chục món mứt “không đụng hàng” để đãi khách, như: mứt đậu cô-ve, mứt mận, mứt khóm, mứt bưởi, mứt khổ qua, mứt cà chua…

Đám cháu nhỏ tụi tôi cũng được phân công nhiệm vụ xăm mứt. Mỗi đứa được ngoại phát cho một cây xăm, với đầu xăm gồm hàng chục mũi kim nhọn bằng đồng. Chúng tôi thách đấu xem đứa nào xăm nhanh, mũi xăm đều và sản phẩm lành lặn, không bị dập nát thì sẽ thắng. Giám khảo đương nhiên là bà ngoại của tôi. Phần thưởng là được ăn những miếng mứt đầu tiên sau khi sên và phơi nắng xong. Chỉ đơn giản vậy mà rất vui. Tụi tôi vừa xăm mứt vừa đùa giỡn, cười nói râm ran, có đứa sơ ý, xăm một phát vô ngón tay, xịt máu. Vậy mà vẫn cười, cả đám cùng cười.

Rằm tháng Chạp, anh em tụi tôi được ông ngoại giao nhiệm vụ lặt lá mai, mấy đứa lớn thì đứng ở dưới đất, đứa nào nhỏ thì trèo lên cây, thi nhau lặt lá. Hết mấy cây mai trước sân thì ra quần mấy cây mai bên hông nhà, phía sau vườn, không để sót cây nào. Ông ngoại nói: “Tết mình sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa để ăn tết thì cũng cho tụi nó thay áo mới ăn tết. Vậy mới vui”.

Ngày nay, tết là dịp để nhiều gia đình có điều kiện, thường tổ chức đi chơi tết ở xa, thậm chí ra nước ngoài du lịch. Những gia đình bình thường cũng lên kế hoạch đi chơi ở điểm du lịch trong tỉnh. Vài chục năm trước, chuyện này chỉ có trong mơ, thậm chí có mơ cũng chưa dám nghĩ đến chuyện đi du lịch cả gia đình, nhất là với bà con quê tôi, vốn dĩ còn rất nghèo. Niềm vui ngày tết thuở nhỏ của tụi tôi trước hết là được nghỉ học nhiều ngày để chơi cho đã, kế đến là được ba má sắm quần áo mới, được dẫn đi chợ huyện để “cho biết chợ tết với người ta”. Khoảng 27, 28 Tết, chúng tôi thường quanh quẩn trong xóm coi người lớn mần heo, chia thịt, dồn lạp xưởng hoặc tát đìa bắt tôm, gói bánh tét... Thuở đó, còn cho đốt pháo nổ nên những ngày này, dù ở quê nhưng tiếng pháo vẫn đì đùng khắp nơi...

Giờ đây, theo đà phát triển của xã hội, tết quê cũng dần thay đổi. Có nhiều thứ mất đi nhưng cũng có những cái mới được bổ sung, vật chất đầy đủ hơn. Tuy vậy, đối với những người thuộc lứa tuổi trên 50 như chúng tôi thì tết xưa vẫn luôn là một miền ký ức đẹp và đáng nhớ, bởi nó đã ăn sâu vào tâm hồn chúng tôi từ những ngày bé thơ.

Ngô Thanh Liêm

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI