Tết là dịp hiếm hoi mọi người có được kỳ nghỉ dài trong năm, là lý do để nhiều người "xả láng" vào cái dịp vui có một không hai của năm này. Tuy nhiên, cái gì cũng vậy, vui thôi, đừng vui quá, cái gì thái quá cũng dễ gây hậu quả không tốt.
Tết là dịp ăn uống thoả thích những món ngon, bổ, quý, hiếm. Nhưng việc ăn uống cần điều độ, hợp lý thay vì ăn uống thả ga được vài hôm rồi sau tết lại khổ sở ăn kiêng bù lại hay tập thể dục để giảm cân. Chưa kể ăn uống quá độ, thừa mứa còn gây lãng phí.
|
Mâm cỗ ngày tết, thứ khiến người ta dễ phá bỏ mọi giới hạn, kiêng khem nhất (ảnh minh hoạ) |
Từ gần tết, lực lượng công an đã kiểm tra độ cồn gắt gao nên các "bợm" có xu hướng chuyển sang dùng dịch vụ xe công nghệ sau khi nhậu hoặc nhậu tại nhà để né công an. Tuy nhiên, người biết quý trọng sức khoẻ là người chủ động tiết chế tửu lượng của mình chứ không phải điều chỉnh nó theo các mức phạt của công an. Không chỉ sức khoẻ mới là thứ cần giữ gìn trong ba ngày tết, vợ con, người nhà và thậm chí hàng xóm cũng cần được nghỉ ngơi, không bị làm phiền bởi việc nhậu nhẹt bày biện, ồn ào kéo dài.
Còn trước Tết cả tuần nhưng nhiều người đã than phiền khi "vấn nạn" karaoke đã bắt đầu làm phiền lối xóm. Những ai có tinh thần "hát hay không bằng hay hát" cần kiểm soát cảm hứng thay vì tra tấn người khác bằng mấy chiếc loa kẹo kéo mở hết công suất còn giọng hát thì lạc nhịp, sai tông. Ba ngày tết người ta dễ rộng lượng xí xóa nhưng biết đâu sau tết hàng xóm lại chẳng nhìn mặt nhau vì bị làm thính giả bất đắc dĩ trước đó.
|
Karaoke, nỗi ám ảnh của mọi người trong dịp tết (ảnh minh hoạ) |
Tết là khoảng thời gian người ta trở về với những nghi lễ truyền thống, tín ngưỡng và tâm linh. Việc đi lễ chùa trở thành nét sinh hoạt văn hóa ăn sâu vào nếp sống tinh thần của người Việt. Thói quen này không có gì đáng phê phán miễn mọi người đừng quá "lậm" thành ra mê tín, dễ bị lợi dụng để lừa đảo, trục lợi, không phù hợp với lối sống văn minh của xã hội hiện đại. Việc ăn mặc thiếu tế nhị ở những nơi tôn nghiêm vẫn là vấn đề "biết rồi khổ lắm nói mãi" nhưng vẫn thấy những cái gai gây xốn mắt người nhìn năm này qua năm khác. Tiếc thay, "khổ chủ" của mấy chuyện này lại thường là phụ nữ.
Những hình thức vui chơi như đánh bài, lô tô, tứ sắc, bầu cua cá cọp... vẫn xuất hiện khắp nơi dù trong phạm vi gia đình, bạn bè hay những hội chợ tết. Tuy nhiên, chỉ nên dừng ở mức độ "chơi cho vui" thay vì sát phạt, cay cú, hơn thua dễ dẫn đến những kết cục không vui. Chưa kể những cảnh báo không mấy khả quan về một năm mới ảm đạm cũng là điều nhắc nhở mọi người không nên vung tay quá trán trong mấy ngày tết ngắn ngủi.
Có những người vì công việc bận rộn quanh năm nên Tết là dịp duy nhất được nghỉ dài ngày để làm những điều mình thích mà ngày thường không có thời gian thực hiện. Có người tranh thủ du lịch ngay ngày nghỉ đầu tiên cho đến ngày cuối cùng sát ngày đi làm, đi học lại. Cũng có người thường ngày phải ăn kiêng vì lý do sức khoẻ nên tết là dịp để họ "bung xoã". Ngủ nướng, du lịch xa, xem phim dài tập, nhậu xả láng, thức khuya, ăn vặt... là những thói quen cần tránh để cơ thể không uể oải, mỏi mệt khi trở lại với nhịp sống thường nhật sau tết.
Trong tâm trạng phấn chấn "vui như tết", người ta có xu hướng cao hứng mà xem thường hoặc bỏ qua những giới hạn, kiêng khem, kiểu "vui cho bõ" để quên đi những muộn phiền, khó khăn trong năm cũ. Để có một cái tết vui vẻ, đầm ấm cho mỗi nhà và an toàn cho xã hội, thiết nghĩ mọi thứ nên trong giới hạn vừa phải, kể cả vui thôi, đừng vui quá vì ai cũng còn một năm phía trước với nhiều hy vọng nhưng cũng "hứa hẹn" không ít thử thách, gian nan.
Lê Thị Ngọc Vi