Tết Việt với bạn bè quốc tế

22/01/2025 - 06:22

PNO - Vào những ngày cận tết này, nếu có dịp ghé các địa điểm có đông người nước ngoài cư trú và nơi mà họ thường đến sinh hoạt, giao lưu ở TPHCM, bạn sẽ thấy một điều thú vị là họ cũng trang hoàng nhà ở, cửa hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ, văn phòng cho dù không phải người nào cũng có truyền thống đón tết âm lịch.

Các du khách Ba Lan tìm hiểu về bánh chưng, bánh tét và văn hóa truyền thống trong tour du lịch đặc biệt mang tên Tây ăn tết ta ở TPHCM tối 20/1 - Ảnh: Quốc Thái
Các du khách Ba Lan tìm hiểu về bánh chưng, bánh tét và văn hóa truyền thống trong tour du lịch đặc biệt mang tên "Tây ăn tết ta" ở TPHCM tối 20/1 - Ảnh: Quốc Thái

TPHCM và Đông Nam Bộ là nơi có số người nước ngoài đến làm việc, cư trú đông nhất cả nước. Theo một cách tự nhiên, các đồng hương tập hợp nhau lại thành những cộng đồng dân cư có đặc trưng riêng. Người Hàn Quốc sống nhiều nhất ở khu Phú Mỹ Hưng, An Phú, An Khánh và quanh sân bay. Cộng đồng người Hàn không chỉ có công sở, doanh nghiệp, nhà máy mà còn có cả trường học, nhà thờ. Giống như người Việt Nam, người Hàn đón tết âm lịch, nên vào dịp này, đến các làng Hàn Quốc ở TPHCM, ta sẽ thấy người Hàn tất bật chuẩn bị đón tết. Ngoài việc trang trí nhà cửa và đồ ăn tết theo kiểu Hàn, họ cũng bổ sung vào thực đơn các món ăn Việt.

Người Nhật không ăn tết âm lịch. Họ đón tết dương lịch nhưng cũng không bỏ qua dịp vui đón một trong những ngày lễ hội lớn nhất trong năm của người Việt. Cộng đồng người Nhật tập trung ở các phố Nhật (Little Japan Town) như Lê Thánh Tôn, Ngô Văn Năm (quận 1). Ở đây, có hơn 300 hộ dân thuần Nhật, hình như không có gia đình hỗn hợp Việt - Nhật. Ngoài trang trí đèn lồng, tranh gỗ, chuông gió ở mặt tiền các cửa hàng, nhà hàng, họ cũng có những họa tiết Việt đan xen như tranh linh vật, mai vàng chen vào cây trúc Nhật.

Người Đài Loan (Trung Quốc) tập trung nhiều nhất ở quận 7. Tết âm lịch không xa lạ gì với họ nên họ hội nhập vào tết Việt Nam rất dễ dàng. Người châu Âu thì không đón tết âm lịch mà đón tết dương lịch. Nhà cửa, văn phòng của họ được trang trí từ trước đó theo phong cách phương Tây để đón Giáng sinh nhưng tết của người Việt Nam cũng là dịp để họ nghỉ ngơi, vui chơi, đi du lịch, thăm viếng chùa chiền và tham gia những lễ hội của người Việt.

Không thể không nói đến cộng đồng người nước ngoài theo đạo Hồi làm việc, sinh sống ở Việt Nam, chủ yếu đến từ Malaysia và Indonesia. Họ không đón tết âm lịch mà là đón tết Eid al-Fitr theo truyền thống riêng của người Hồi giáo nhưng vào những ngày này, họ cũng tận hưởng không khí tết của người Việt. Ở TPHCM, có một con phố được gọi là “Saigon Halal street” hay “phố Mã Lai”, đó là đường Nguyễn An Ninh đối diện cửa tây chợ Bến Thành, dài chỉ hơn 100m. Phố Mã Lai cũng được trang hoàng đẹp hơn ngày thường để hưởng ứng tết cổ truyền Việt Nam.

Đường hoa Nguyễn Huệ, cảnh quan bến Bạch Đằng, chợ đêm Phú Mỹ Hưng, chợ hoa trên bến dưới thuyền mang đậm bản sắc Tây Nam Bộ ở bến Bình Đông, chợ đào miền Bắc ở Tân Sơn Nhất, sắc xuân nhuộm đỏ các con phố chính của quận 5 như Hải Thượng Lãn Ông và phố ông đồ quanh Nhà văn hóa Thanh Niên luôn có sức hút với người nước ngoài.

Các khoa Văn hóa học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Đông phương học của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM được coi là nơi có số lượng chuyên gia nước ngoài đến làm việc nhiều nhất thành phố. Năm nào, thầy trò cũng tất bật tổ chức đón xuân cùng các giáo sư, thực tập sinh nước ngoài. Mỗi người nước ngoài tìm thấy những nét hấp dẫn riêng từ tết cổ truyền của người Việt Nam.

Giáo sư Michael - người Canada - nói, thích nhất tết ở Nam Bộ là có thể la cà khắp xóm, được mời ăn uống vui vẻ, no say mà chả cần biết anh là ai, từ đâu tới, nhà nào cũng luôn mở cửa đón khách. Tính cách cởi mở, phóng khoáng của người Nam Bộ làm nên một sắc thái riêng của tết cổ truyền, hấp dẫn người nước ngoài.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI