Với người Việt, Tết nguyên đán là một tín ngưỡng tâm linh nhắc nhở về truyền thống nguồn cội và thâm tình gia đình. Mỗi năm Tết đến, ai ai cũng muốn trở về cố hương để cúi đầu trước bàn thờ tổ tiên, để thăm hỏi chăm nom bậc trưởng bối, và để cầu nguyện hy vọng cho một năm mới sung túc đủ đầy. Nhưng không phải người Việt nào cũng có thể thu xếp và vun vén mọi chuyện để về quê ăn Tết. Nhất là với người Việt ở cách xa nửa vòng Trái đất. Như người Việt ở xứ cờ hoa.
Thành phố Houston (tiểu bang Texas) có thể nói là nơi đông đúc người Việt nhất nhì ở Mỹ quốc. Thế nên dễ thấy không khí Tết cổ truyền đã len lỏi khắp các hàng quán và khu chợ nơi đây. Thêm vào đó, cộng đồng người châu Á như Việt - Hàn - Hoa... cũng có mặt khắp nơi ở Houston nên thời khắc đón năm mới âm lịch cũng được hưởng ứng nồng nhiệt. Các tiểu khu buôn bán có quán xá người Việt dán những câu đối Tết đỏ bừng trước cửa, có nơi còn công phu bày dựng đủ các tiểu cảnh nhà tranh mai vàng, ruộng đồng dưa hấu, nồi nấu bánh chưng...
Chợ Cali Saigon Mall ở Texas bày bán hoa tết - Ảnh: Tony Long
Dạo một vòng quanh các khu chợ châu Á ở đây như H-mart, 99 Ranch... tôi ngờ ngợ tưởng mình vẫn đang ở ngay trong lòng quê hương, vì mọi thứ gần gũi đến thân thương. Trên các sạp trưng bày, bánh mứt đủ loại không khác gì những món ngọt ngày Tết ở xứ mình. Ngay chính giữa khu chợ ở vị trí trang trọng nhất là cả một quầy hàng đỏ rực màu Tết: màu đỏ của phong bao lì xì, màu vàng của nhang đèn, đồ cúng... Và màu hạnh phúc an vui hiện lên tròn đầy trong khoé mắt của mỗi khách Việt khi đi ngang qua những sạp hàng mà tôi gọi nôm na là "mang vị quê nhà đến với xứ xa". Mà có vẻ như chính quê nhà cũng đang hiện diện thật gần trong đời sống của bà con Việt kiều ăn Tết xứ người.
Nhất là khi đứng đợi tính tiền ở một ngôi chợ người Việt ở Houston tên là Thắng Hưng, tôi nghe được một đoạn hội thoại y như đang đứng giữa chợ Bến Thành. Chị chủ tiệm bảo thịt heo đang lên giá nên giá bán trong tiệm hơi cao. Chị khách mua mới sửng sốt hỏi lại: Thịt heo ở Việt Nam lên giá thôi, chứ liên quan gì mà thịt heo ở Mỹ cũng lên theo? Chị chủ vội cười thanh minh: À, không phải thịt heo bên đây lên giá "hùa theo" giá cả bên Việt Nam. Vì gần Tết nên nhà nào cũng đều nấu nồi thịt kho tàu, thành ra nhu cầu thịt heo tăng cao khiến nhà cung cấp lên giá vì không đủ hàng. Phong vị Tết của quê nhà, có lẽ đến từ những điều bình dị rất đỗi đời thường ấy thôi.
Gian hàng Tết trong khu chợ người Việt - Ảnh: Anh Khang
Bởi lẽ người Việt ở nước ngoài ít khi có dịp được "ăn Tết" đúng nghĩa. Vì lịch trình đi làm bề bộn, vì chế độ ngày nghỉ không cho phép (Mỹ chỉ nghỉ lễ đúng vào ngày Giáng sinh 25/12 và Tết Dương lịch 1/1), nên thông thường mọi người đều đón Tết nguyên đán trong sở làm hoặc công xưởng. Nhưng may mắn là giao thừa đón năm Canh Tý 2020 rơi vào thứ Sáu cuối tuần. Thành ra năm nay là cơ hội hiếm hoi mà người Việt ở Mỹ có thể đường đường chính chính nghỉ Tết và ăn Tết trọn vẹn. Thời gian dành cho gia đình, vì vậy cũng thư thả hơn, để quây quần ấm cúng, để cùng ăn bữa cơm đầu năm đông đủ cả nhà.
Chỉ cần vậy thôi, là thấy Tết về đến nơi. Và đó là khi chúng nhận ra, Tết không còn là khái niệm thời gian, lúc nào, ra sao..., mà đã trở thành khái niệm không gian, với ai, bên cạnh. Bởi thế nên cho dù Houston những ngày này, mùa Đông vẫn còn, nhưng chỉ cần ở bên cạnh người thân và người thương của mình, thì mùa nào cũng là mùa Xuân, lúc nào cũng vui như Tết. Tết xa hay Tết gần. Tết Việt ở quê hương hay nơi đất khách. Đến cuối cùng cũng chẳng mấy khác nhau.
Vì khi nén nhang trên bàn thờ gia tiên cuộn khói bay lên giữa đêm giao thừa, bên bánh chưng xanh, cạnh dưa hấu đỏ... thì dù ở bất kỳ phương trời nào, người Việt cũng tự thấy quê hương hiện diện ngay trong tim mình. Và câu chúc tiếng Việt "An khang thịnh vượng, Vạn sự như ý" dù cho vang lên ở bất cứ vùng miền ngôn ngữ nào, cũng đủ khiến những người con Rồng cháu Lạc thấy cả mùa Xuân đang đơm hoa trong lòng.