- Tuần sau là Tết - lễ mừng năm mới ở Việt Nam đó, nhưng mọi người đã bắt đầu ăn mừng từ hôm nay rồi! - tôi mở đầu câu chuyện cùng đồng nghiệp. Lúc đó, chúng tôi đang nghỉ giữa giờ làm, câu nói ấy khiến những người bạn Thụy Điển xuýt xoa muốn biết thêm người Việt Nam “ăn Tết” như thế nào…
- Hôm nay theo lịch âm là ngày 23 tháng 12, đa số gia đình người Việt chuẩn bị lễ đón năm mới bằng một trong những việc cuối cùng trong năm: đưa một vị thần và hai bà vợ về Trời (vừa nói tôi vừa nghĩ “chẳng lẽ chữ Táo dịch là apple?”). Chúng tôi tin rằng họ ở trong bếp để giữ lửa cho gia đình và mỗi năm sẽ về Trời để báo cáo những gì xảy ra một năm qua trong mỗi nhà. Người Việt sẽ thả cá chép xuống sông, theo quan niệm cá sẽ đưa họ đi, thêm những giấy vàng mã Cò Bay Ngựa Chạy để mở đường, và kẹo Thèo Lèo Cứt Chuột để mang theo dọc đường…
Nghe đến kẹo là người Thụy Điển “sáng mắt” lên, vì dân Thụy Điển ăn kẹo rất nhiều. Họ có cụm từ lördagsgodis dành riêng cho kẹo, có nghĩa là kẹo (ăn) ngày thứ bảy, nhưng thông thường gia đình nào cũng tìm một cái cớ đẹp để ăn kẹo lai rai từ chiều thứ sáu đến tối chủ nhật, nếu không nói là tất cả các ngày trong tuần đều đáng để ăn kẹo! Thế rồi câu chuyện cứ kéo dài bởi thắc mắc về Tết của các bạn và những lời giải thích của tôi.
- Men…jag saknar hem! – tôi rưng rưng bật ra câu nói mà cả tuần nay cứ giữ trong lòng: nhưng mà mình nhớ nhà quá! Embla ngồi cạnh choàng tay vỗ vai tôi, các bạn khác trao đi những ánh mắt thấu hiểu. Cũng là lần đầu tôi thấy người Thụy Điển cởi mở như vậy!
Rồi chúng tôi quay lại làm việc. Trên đường về sau khi tan làm, tôi cứ nghĩ mãi về chữ Tết, và về cái từ tháng Chạp mà dù rất muốn, tôi đã không thể diễn tả nó với bạn bè ở đây. Phải là tháng Chạp, rồi tháng Giêng, thì mới ra Tết chứ!
|
Tôi mặc một chiếc áo dài rồi xuống phố như tôi vẫn hay làm khi còn ăn Tết ở Sài Gòn |
Từng sống ở Nội Mông Cổ ba năm trời và lang bạt đây đó nhiều, đây là lần đầu tiên tôi không về nhà ngày Tết, cái cảm giác vừa nôn nao, vừa tiếc nuối sao lạ lẫm quá chừng. Những lúc bất chợt nghĩ đến Tết và thấy buồn, tôi tự trấn an mình rằng đây là cái Tết đầu tiên tôi mất Ngoại, nên không ở nhà cũng tốt, tôi sẽ không thấy đau buồn trong đêm giao thừa đầu tiên của cuộc đời không có Ngoại bên cạnh, rồi để mình cuốn theo việc này việc khác mà thôi không nghĩ quá nhiều.
Cũng từ mấy tuần trước, chồng bỗng hỏi: “Ngày nào là “Téch” ở Việt Nam, để anh xin nghỉ phép vài hôm ở nhà với em?” và đề nghị được thử món ăn nào “Téch” nhất. Hơn hai năm trời yêu nhau nhưng chỉ mới sống có mấy tháng, chồng tôi chỉ có khái niệm rất mơ hồ về ngày lễ quan trọng nhất ở quê vợ, nhưng một so sánh với ngày Giáng Sinh hay Phục Sinh của Thụy Điển đủ để anh ấy hiểu, “Téch” nghĩa là về nhà “ăn” với gia đình.
|
Người chồng nhiệt tình đưa vợ bát phố để nghe kể chuyện phố phường Sài Gòn những ngày Tết |
Vừa đắn đo muốn nấu mấy cái bánh chưng bánh tét, làm hủ dưa món để chồng được thử cho biết hương vị Tết Việt, lại vừa ngại như thế sẽ khiến mình yếu đuối mà khóc trong ngày Mồng Một Tết thì…không hên, tôi cứ cố dàn cớ bận đi học, đi làm. Vậy mà thấy trên trang Facebook của cộng đồng người Việt sống tại Thụy Điển có nhiều chị em rao bán bánh chưng bánh tét với các món ăn Tết, không quên kèm theo câu chúc mọi người một cái Tết đoàn viên, một năm làm ăn khấm khá, sức khỏe dồi dào... Tôi kiềm lòng không đặng, nhấc điện thoại đặt cái bánh, dặn lấy cái nào nếp phải thật dền, rồi ngồi khóc như được…về ăn Tết.
Hóa ra cũng chỉ chừng đó điều, mấy món để “ăn Tết”, những lời chúc, lễ lộc đưa ông Táo về trời, đưa Thần Tài, cúng đất đai, giao thừa, những quan niệm “đầu năm mua muối cuối năm mua vàng” hay những điềm dị đoan kiêng kị ngày Tết không quét nhà, không xông đất trong năm hạn,… - là ra một cái Tết, mà hồi còn được đón Tết ở nhà, tôi đã chẳng thể nắm bắt được ý nghĩa giản dị mà tròn vẹn của nó.
Ở nhà, mọi người đang tất bật chuẩn bị cho Tết, bận rộn lau chùi nhà cửa, sắm sửa quần áo, quà cáp, đồ ăn thức uống, hẳn là đang cảm thấy Tết gần lắm rồi! Còn bây giờ ở đây, người được nghỉ phép về Việt Nam thăm nhà thì lòng vui như mở hội, kẻ đi làm vẫn hằng ngày đi và về trong cái lạnh và tối của mùa đông Bắc Âu, đứa con xa nhà như tôi thấy trong lòng mình đang “Tết” lắm, mà Tết có nghĩa là Nhớ Nhà…
Uyên Nguyễn